Thứ 2, 20/05/2024 07:47:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:30, 20/11/2019 GMT+7

Ông Điểu Va: Bà con đừng bán điều non, đừng nhậu nhẹt!

Thứ 4, 20/11/2019 | 06:30:00 547 lượt xem
BP - Đến thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng hỏi về ông Điểu Va (người S’tiêng) thì hầu như ai cũng biết. Bởi ông là người đi đầu trong tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư không bán điều non, không cầm cố, sang nhượng đất; đẩy lùi hủ tục; thuyết phục các cặp vợ chồng bên bờ ly hôn quay về sống chung với nhau hòa thuận... Từ những việc làm thiết thực, năm 2014, ông Điểu Va được bầu là người có uy tín trong cộng đồng.

Đừng bán điều non

Những năm trước, nhiều hộ dân tộc thiểu số trong thôn 2 nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đã bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất để có tiền tiêu xài, từ đó tài sản dần “không cánh mà bay”, đã đẩy nhiều hộ lâm cảnh khó khăn. Trước thực trạng đó, ông Điểu Va tích cực vận động, thuyết phục bà con không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, từ đó giúp được nhiều hộ thoát cảnh “vườn không nhà trống”. “Cách đây 5-6 năm, Điểu Sơn đã bán điều non (bán điều bông) hơn 3 ha của gia đình trong 3 năm được 30 triệu đồng để mua xe honda và lấy tiền tiêu xài. Không ngờ năm đó họ thu có một vụ dư hơn 30 triệu đồng. Thấy vậy, tôi nói Điểu Sơn trả lại nửa tiền cho người ta rồi lấy vườn điều về, nhưng họ không chịu vì đã viết giấy bán điều cho họ rồi. Tôi đứng ra thuyết phục riết nên họ thu thêm 1 mùa nữa rồi trả lại vườn điều cho Điểu Sơn. Từ đó, Điểu Sơn không bán điều non nữa” - ông Điểu Va dẫn chứng một trường hợp trong thôn bán điều non.

Ông Điểu Va đến thăm, trò chuyện với anh Điểu Siêng - người được ông khuyên bỏ rượu, nay kinh tế đã ổn định, gia đình hạnh phúc

Tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ dẫn đến tình trạng vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất diễn ra dai dẳng, phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do một số hộ kinh tế còn khó khăn; vẫn còn hộ có thói quen ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ... nên tự nguyện hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ. Các đối tượng bằng mọi thủ đoạn tinh vi, thời gian đầu làm quen, cho các hộ khó khăn mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng lâu dài cùng cách tính lãi cao, đến lúc đòi không có tiền trả thì cấn nợ, xiết đất. Có những hộ bán toàn bộ diện tích đất sản xuất nên trong thời gian bán điều non, các hộ không còn nguồn thu phải đi làm thuê hoặc tiếp tục vay nặng lãi để trang trải cuộc sống. “Thấy được cái xấu nên bằng uy tín của mình, những năm qua tôi đã vận động, thuyết phục hàng chục hộ trong thôn thoát cảnh bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất” - ông Điểu Va nói.

Đừng uống rượu

Ông Điểu Va còn đi đầu trong hòa giải những vụ mâu thuẫn trong thôn. Nhờ sự vận động, hòa giải bằng phân tích lý lẽ đúng sai của ông, nhiều cặp vợ chồng ở thôn 2 bên bờ vực ly hôn đã quay lại chung sống với nhau thuận hòa. Ông Điểu Va kể, cách đây 5 năm, gia đình anh Điểu Siêng (28 tuổi) luôn trong tình trạng vợ chồng lục đục, mất hạnh phúc. Hay tin, cứ tối đến ông Điểu Va lại đến nhà anh Điểu Siêng hoặc mời đến nhà mình dò hỏi nguyên nhân. Sau vài lần tìm hiểu, ông biết rằng nguyên nhân chính là do anh Điểu Siêng suốt ngày nhậu nhẹt, sau đó về la mắng vợ con, bỏ bê công việc. Ông khuyên anh Điểu Siêng bớt nhậu nhẹt, dành thời gian lao động, chăm lo vợ con. “Mưa dầm thấm lâu”, sau thời gian khuyên răn, thuyết phục, anh Điểu Siêng đã “thấm” và dần bỏ được rượu, bia.

Cơ ngơi của gia đình ông Điểu Va là hơn 10 ha điều đã cho thu hoạch nhiều năm qua, hơn 1 ha cao su đang cho mủ nhiều và 6 sào ruộng, mỗi năm làm 3 vụ lúa. Ông còn xây dựng được ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào khang trang trên diện tích hàng ngàn mét vuông.

“Trước đây nó (Điểu Siêng - PV) chứng lắm! Nó có hơn 1 ha điều, cứ thu được đến đâu là mang bán lấy tiền mua rượu, bia và mồi về nhậu, rồi bỏ mặc vợ con bữa đói, bữa no. Tôi nói một két bia mua được biết bao nhiêu gạo sao lại uổng thế, để tiền mà nuôi gia đình. Rồi cứ uống vào là đầu óc nó không tỉnh táo, chửi bới lung tung, mỗi lần vậy tôi chờ nó tỉnh rồi lại khuyên. Mất cả tháng nó mới nghe. Nay thì “ngon” rồi. Chỉ khi nào lễ, tết, nhà có việc gì quan trọng hay trong xóm mời nó mới uống, nhưng cũng chỉ vài ba ly là nghỉ. Từ lúc nó nghỉ nhậu, vợ chồng lại hòa thuận, được vài tháng vợ nó mang bầu rồi sinh thằng cu nay gần 5 tuổi rồi” - ông Điểu Va kể. Chị Điểu Thị Nhi (23 tuổi, vợ anh Điểu Siêng) nói: “Nay ông xã ít nhậu và có nhậu thì cũng uống ít. Vườn điều của gia đình giờ ông lo hết. Nhặt điều về bán được đồng nào cũng đưa vợ. Lúc nào nhà không có việc gì chồng đi làm thuê, người ta trả tiền cũng mang về đưa vợ. Cũng nhờ già Va mà gia đình tôi hạnh phúc như hôm nay. Cả thôn, ai cũng xem già Va như người thân trong gia đình”.

Đừng bùa ngải

Ông Điểu Va được nhiều người biết và quý trọng bởi luôn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vận động tuyên truyền đồng bào xóa bỏ những hủ tục. Ông không nhớ nổi đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở thôn, chỉ biết rằng, những nơi ông đến, hủ tục, bùa ngải, đói nghèo bị đẩy lùi, nhường chỗ cho đời sống mới.

Sinh ra giữa rừng già, từ nhỏ ông Điểu Va đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình lâm cảnh khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi. Nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ quả là các gia đình phải bán đất nên nợ nần, nghèo khó từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Mặc dù không khá giả gì nhưng trước đây có những đám cưới chi phí tốn đến hơn 100 triệu đồng tổ chức ăn nhậu ròng rã mấy ngày. Đám cưới xong thì nợ nần chồng chất. Thấy vậy tôi đến tận nhà hay tổ chức họp làng để tuyên truyền, vận động bà con không nên hoang phí vô ích thế. Làm riết nên nay đã giảm nhiều, chỉ còn số ít gia đình cố chấp không chịu nghe góp ý. Nhưng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để xóa hủ tục này” - ông Điểu Va nói chắc nịch.

Thanh Liêm

  • Từ khóa
94650

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu