Thứ 5, 09/05/2024 05:41:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:39, 09/03/2016 GMT+7

Ở vùng nắng hạn có thể làm giàu từ cây tầm vông

Thứ 4, 09/03/2016 | 09:39:00 2,093 lượt xem
BP - Giá trị kinh tế từ cây tầm vông luôn ổn định trong vòng 20 năm nay do xu hướng sử dụng những mặt hàng thân thiện với môi trường và nhu cầu tầm vông trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản. Tầm vông còn có sức sống mãnh liệt trên mọi chất đất nên được xem là cây chống hạn tốt. Chính vì vậy, tầm vông là cây “trồng chơi ăn thiệt” hiện nay của nông dân Bình Phước.

Tầm vông hiện được trồng nhiều ở 3 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp. Những diện tích vườn lớn thuộc về một số hộ kinh tế khá, ở Hớn Quản có người sở hữu đến 30 ha, còn lại từ vài sào đến vài héc ta. Thu nhập từ 1 ha tầm vông khoảng 60 triệu đồng/năm, trong khi chi phí đầu tư chỉ 1/10.

THOẢI MÁI RA GIÁ

Không ngờ suy nghĩ trồng tầm vông giữ đất mười mấy năm trước, giờ anh Lê Phúc Sửu ở ấp Sóc Trào A, xã Tân Lợi (Hớn Quản) lại thu trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu phát sinh ngoài bài toán kinh tế của anh. “Lúc vợ chồng lấy nhau, mua đất nhưng làm không xuể. Phần đất bằng phẳng một chút mình trồng điều. Phần gò đồi cỏ cây um tùm chỉ nghĩ trồng cây tầm vông để giữ đất” - anh Sửu chia sẻ. Vậy là hơn 3 ha tầm vông ngày đó đến nay còn nguyên. Nhiều người cho rằng anh không biết tính kinh tế khi để phí 3 ha đất trồng loại cây rừng nhưng anh kiên quyết không phụ tầm vông. Phần bởi anh nhận định giá trị ngày càng cao của tầm vông, phần gia đình anh không đủ công lao động khi chuyển đổi cây trồng khác.

Vựa của anh Út “tầm vông” mỗi ngày thu khoảng 10 ngàn câyVựa của anh Út “tầm vông” mỗi ngày thu khoảng 10 ngàn cây

5 năm trở lại đây, giá trị cây tầm vông hơn hẳn một số cây trồng. Trung bình cây loại 1 giá 30 ngàn đồng, loại 2 từ 25-27 ngàn đồng. Tầm vông dễ trồng, chỉ tốn công làm cỏ trong 3 năm đầu. Khi cây đã khép tán cũng là lúc được thu hoạch. Muốn cây phát triển tốt, mỗi năm đến đầu mùa mưa bón phân chuồng hoặc lân + urê. “Để thu hoạch đều, chủ vườn chỉ chọn bán những cây “ông bà”, để lại cây cha mẹ và con nuôi măng và làm chỗ dựa cho cây không nghiêng ngả” - đó là kinh nghiệm quý báu anh Sửu đúc rút từ bài học của những năm đầu bán tầm vông.

Khi thương lái đến vườn đều muốn tận thu tất cả loại cây, họ “khuyên” anh bán hết chỉ chừa cây măng mới lên để năm sau được nhiều măng. Nghe vậy, anh Sửu bán hết. Sau đợt đó phải mất 4 năm vườn tầm vông của anh mới củng cố lại, vì cây lên cao không có chỗ dựa ngã gãy hết. Như để làm bằng chứng, anh đưa tôi đến xem vườn tầm vông 3 ha bên cạnh. Người nhìn không khỏi xót xa khi những cây tầm vông dài 10-12m ngọn rạp xuống đất như vừa trải qua một trận siêu bão. Anh nghe nói, chủ vườn này năm vừa rồi bán được gần 1 tỷ đồng.

Tầm vông có hai loại, tầm vông mỡ giá trị kinh tế cao hơn loại tầm vông đá vài giá, vì đặc điểm thân to, cao. Cạnh vườn anh loại tầm vông mỡ giá thương lái mua 45-50 ngàn đồng/cây. Còn vườn nhà anh Sửu cũng giống tầm vông mỡ nhưng do chất đất xấu, ít bón phân nên cây không đẹp, giá bán sa cạ năm vừa qua 17 ngàn đồng/cây. “Giờ này thương lái đã đến xem vườn. Họ cho mình ra giá, rồi mới chốt. Nhưng mình không hứa hẹn gì, vì còn rất nhiều người đến xem. Khoảng tháng 5 âm lịch mình mới bán” - anh Sửu cho biết.

Từ giờ đến tháng 5, cây tầm vông rất “sốt” vì đang mùa khô, song những hộ diện tích nhiều chưa bán vì lo không chống cháy được. Chính vì vậy, thị trường trở nên khan hiếm. Cơ sở thu mua của anh Út “tầm vông” ở phường Hưng Chiến (Bình Long) luôn có đội ngũ vệ tinh đi săn tầm vông. Hiện mỗi ngày anh thu mua khoảng 10 ngàn cây, sau khi uốn thẳng, anh xuất ra thị trường 45 ngàn đồng/cây.

CÂY CHỐNG HẠN?

Nhìn bộ rễ đồ sộ của tầm vông, nhiều người nghĩ không thể trồng cây gì khi đã trồng loại cây này. Thực tế sau khi thanh lý, rễ tầm vông phân hủy để lại độ tơi xốp cho đất tạo điều kiện cho cây trồng khác phát triển. Một đặc điểm đáng xem xét trong khi thời tiết mưa ít nắng nhiều, hạn hán xảy ra khắp nơi thì một số hộ ở xã Thanh Bình (Hớn Quản) đã trồng tầm vông xuống những thửa ruộng cao khó tiếp cận nguồn nước. Ở ấp Đông Phất, cây tầm vông được trồng từ rất lâu. Có hộ trồng xen vào hàng rào, trên bờ ruộng, triền suối để giữ đất, có hộ trồng chuyên canh. Ông Hạ Minh Hùng có 1 ha tầm vông. Hiểu rõ giá trị kinh tế từ loại cây “trồng chơi ăn thiệt” này nên ông Hùng đã chăm sóc kỹ lưỡng. Vườn được bỏ bớt nhánh, dọn sạch thông thoáng, trung bình ông thu về lợi nhuận 60 triệu đồng/năm.

Vườn tầm vông của ông Hạ Minh Hùng được chăm sóc kỹ sẽ cho thu nhập caoVườn tầm vông của ông Hạ Minh Hùng được chăm sóc kỹ sẽ cho thu nhập cao

“Ở đây trồng ít, chứ miệt Lộc Ninh, Bù Đốp người ta trồng tầm vông nhiều. Họ xuống đây mua giống của tôi. Một cây tầm vông giống 10 ngàn đồng, nếu mình tính luôn công đào giá 14 ngàn đồng. Còn thương lái mua, đào và bao cây sống thì 40 ngàn đồng. Tầm vông bán giống, bán cây đều có lời cao” - ông Hùng nói. Đông Phất năm nay hạn nặng, lúa chết khô, điều chưa có trái, tiêu đang chờ nước trời, trong câu chuyện của người nông dân, họ bàn nhau trồng tầm vông chống hạn.

“Tôi nghĩ tầm vông không bao giờ mất giá. Xu hướng người tiêu dùng trở về những mặt hàng thân thiện với môi trường; quán xá hay đồ thủ công mỹ nghệ, sản xuất nông nghiệp đều có mặt của mây tre, trong khi diện tích cây tầm vông càng ngày bị thu hẹp. Nên chăng tận dụng đất khan hiếm nguồn nước để trồng loại cây này” - anh Phạm Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình kiêm khuyến nông viên chia sẻ.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
92877

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu