Thứ 2, 20/05/2024 08:58:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:30, 05/06/2012 GMT+7

Trung tâm dạy nghề Minh Long (Chơn Thành): Của chung không ai xót!

Thứ 3, 05/06/2012 | 14:30:00 547 lượt xem

Trung tâm Dạy nghề xã Minh Long tọa lạc trên một diện tích khá rộng, hai dãy nhà nối liền nhau hình chữ L cùng hàng chục phòng học, cơ sở vật chất khang trang với nhiều trang thiết bị hiện đại... Mục đích của công trình là phục vụ nhu cầu học tập tại vùng đệm cho các khu công nghiệp và giải quyết việc làm cho những người tỵ nạn mà lâu nay, để học nghề, họ phải sang các huyện hoặc tỉnh khác để học.

CÔNG TRÌNH TIỀN TỶ BỎ HOANG

Đáng tiếc, sau lễ khánh thành công trình, UBND xã Minh Long đã... “đắp chiếu” luôn trung tâm dạy nghề này. Bởi từ đó đến nay, không có bất kỳ một hoạt động dạy và học nào được tổ chức tại đây. Dàn máy vi tính 31 chiếc còn nguyên lớp bọc màn hình của nhà sản xuất, cùng quạt, thiết bị hiện đại, tập vở... được mang về “trùm mền” tại văn phòng HĐND xã. Cứ mỗi tuần, máy tính được cắm điện khởi động 2 lần để tránh hư hỏng...

Cỏ dại bao vây trung tâm Dạy nghề Minh Long

Trung tâm do bị bỏ hoang, nhiều chỗ đã có dấu hiệu xuống cấp, khuôn viên ngổn ngang phân trâu, bò, cỏ dại mọc um tùm khắp nơi. Trước cổng trung tâm là một trạm biến áp dành riêng cho cơ sở này cũng bị cỏ dại che phủ.

Chị Vũ Thị Lụa, một người dân ở gần trung tâm cho biết: “Năm 2010, sau khi xây xong, các ngành và UBND xã Minh Long tổ chức khánh thành, đưa máy tính, thiết bị về mở một lần cho dân xem. Sau đó, họ mang hết trang thiết bị cất đi, trung tâm đóng cửa luôn cho đến nay”. Một người dân nói: “Gần 2 tỷ đồng là khoản tiền không nhỏ đối với xã Minh Long, nhưng vì sự tính toán không khả thi của nhà chức trách đã khiến cả đống tiền bị phơi mưa, nắng... Nếu khoản tiền đó hỗ trợ cho người nghèo trong xã phát triển sản xuất thì nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo. Bây giờ trung tâm trở thành bãi chăn thả trâu, bò”.

TRÁCH NHIỆM CHẲNG THUỘC VỀ AI!

Từ nguồn vốn của tổ chức Cao ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), năm 2008, xã Minh Long được đầu tư 1,29 tỷ đồng để xây một trường mầm non; 578,7 triệu đồng để xây dựng một trung tâm dạy nghề, do sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án đầu tư đường điện vào trung tâm với số vốn 202,7 triệu đồng; vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề là 376 triệu đồng... phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập. Phòng học của trung tâm được tận dụng từ phòng làm việc của Ban quản lý người tỵ nạn Campuchia tại huyện Chơn Thành. Trước đó, khu vực này đã được đầu tư 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng đường điện trung và hạ thế, dài 700m nối liền từ trục đường chính đến khu dân cư gần trung tâm.

Toàn tỉnh hiện chỉ có 1 trường trung cấp nghề, 4 trung tâm dạy nghề ở các huyện, 4 cơ sở dạy nghề của các đoàn thể và một số cơ sở dạy nghề tư nhân nhưng chủ yếu mở các lớp sơ cấp. Với cơ sở như vậy, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người học. Vì thế, việc được đầu tư xây dựng một trung tâm dạy nghề như ở Minh Long là “niềm mơ ước” với rất nhiều cơ sở dạy nghề hoặc một địa phương chưa có trung tâm hay trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, Minh Long giáp ranh với thị trấn Chơn Thành, có nhiều khu công nghiệp, nhu cầu học tập của thanh, thiếu niên và một bộ phận người dân rất cao. Có sẵn trang thiết bị, tiện nghi hiện đại, vì sao nơi đây không được sử dụng thành cơ sở dạy nghề hoặc chuyển đổi mục đích thành trung tâm học tập cộng đồng, thậm chí, mới đây UBND xã còn xin chủ trương về việc xây dựng thêm một trung tâm học tập cộng đồng ngay tại trung tâm xã?

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND xã Minh Long cho biết: Trung tâm Dạy nghề Minh Long xây xong từ tháng 4-2010, nhưng do địa điểm đặt tại ấp 3, không phải khu vực trung tâm của xã nên không tập trung dân để hoạt động được. Xã đang xin chủ trương của huyện Chơn Thành giải quyết theo hướng: Cơ sở vật chất tại trung tâm giao cho ấp làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Trang thiết bị thì một số phục vụ cho hoạt động của UBND xã, số còn lại khi nào xây dựng xong trung tâm học tập cộng đồng sẽ chuyển lên đó sử dụng.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, khoảng cách từ khu vực trung tâm xã (UBND xã Minh Long) đến trung tâm Dạy nghề Minh Long chỉ khoảng 3km. Khoảng cách này không thể nói quá xa đối với người học dù với mục đích sử dụng là trung tâm dạy nghề hay trung tâm học tập cộng đồng. Trong khi đó, trường Trung cấp nghề Tôn Đức Thắng nằm trên địa bàn thị trấn Chơn Thành lại gần đó, học viên sẽ có sự so sánh và lựa chọn học ở 1 trong 2 nơi. Vì sao khi có nguồn vốn hỗ trợ, địa phương không khảo sát nhu cầu thực tế của người dân để xây dựng một công trình khác mang lại hiệu quả hơn?

Ông Lê Văn Mãi, Phó giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trung tâm Dạy nghề Minh Long thông qua sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp nhận trên cơ sở đề xuất của xã, huyện. Sau khi hoàn thành, sở cùng tổ chức UNHCR và chính quyền địa phương đã nghiệm thu, giao lại cho UBND xã sử dụng. Sở chỉ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc. Theo phân cấp, việc quản lý, sử dụng là của UBND xã; phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện có chức năng tham mưu, phối hợp cùng xã trong việc mời giáo viên, tổ chức giảng dạy...

Minh Long được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ từ tổ chức UNHCR của Liên hiệp quốc. Khi có sự hỗ trợ đó, nếu các cấp chính quyền từ xã lên huyện đưa ra một quyết định đúng đắn, hiệu quả sẽ tận dụng tối đa sự ưu đãi và đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Với số vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, dự án này chắc chắn phải qua nhiều cấp xét duyệt, nhưng “của chung không ai xót”. Giờ đây công trình bỏ hoang, trách nhiệm thuộc về ai và trách nhiệm đến đâu... có lẽ quả bóng đó đang và sẽ được đá đi lung tung, rồi cũng chẳng trúng vào đâu.

Thế Quân

  • Từ khóa
92039

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu