Thứ 5, 09/05/2024 16:49:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:17, 09/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Nghề báo cho tôi tầm nhìn mới

Đức Hòa
Thứ 5, 09/06/2022 | 09:17:13 3,145 lượt xem
BPO - Điểm xuất phát của tôi là người học âm nhạc. Khi ra trường, tôi nghĩ chắc mình sẽ trở thành giáo viên trường nghệ thuật hay về các đoàn ca múa. Nhưng cuộc sống luôn có những ngã rẽ bất ngờ thú vị. Sau khi ra trường, làm giáo viên dạy nhạc một thời gian, tôi chuyển sang nghề báo. Từ đây, tôi có cơ hội mở rộng tầm nhìn hơn trong mọi lĩnh vực.

Thầy giáo kém duyên

Khi nhận tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác của Nhạc viện, được sự góp ý của người thân và bạn bè, tôi thi tuyển vào ngành giáo dục và được tuyển dụng làm giáo viên dạy nhạc tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh. 

Khi chính thức đứng lớp dạy môn Âm nhạc cho học sinh, tôi đã nhiều phen tái mặt vì sự lủng củng và “vô duyên” của mình. Chuyện là trong giờ dạy hát, tôi vừa cất tiếng hát mẫu bài hát mới, bỗng nhiên các em học sinh cười ồ lên vì chất giọng khàn ồ ồ của mình. Chưa hết, có lần học lý thuyết âm nhạc, khi tôi vừa viết tên bài lên bảng, một em liền nhận xét: “Chữ thầy xấu quá!”. Các em ngồi dãy bàn phía trên nghe vậy lại phá lên cười... và tôi hơi chạnh lòng. Khi ấy tôi nghĩ, mình không có duyên với nghề dạy học!

Biên tập viên Đức Hòa (bên phải) và nhạc sĩ Bùi Công Nam

Tôi nghiệm ra: Một phần vì mình không có giọng hát như các cô học sư phạm âm nhạc, hình thức lại khô khan, viết chữ như cọng rau muống bò nên mỗi khi lên lớp không mấy thu hút học sinh. Chính vì vậy, chỉ sau 2 năm làm nghề giáo, tôi đã xin chuyển qua 4 trường. Ban đầu về Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên của quận nhưng trung tâm lại không mở lớp bồi dưỡng âm nhạc, thế nên tôi xin chuyển về dạy ở trường tiểu học. Sau 1 học kỳ, tôi xin chuyển qua dạy THCS. Dạy THCS 1 năm, tôi tiếp tục lên Sở GD&ĐT thành phố xin chuyển công tác. Nghe trình bày, cán bộ sở rất chia sẻ, đồng cảm với nguyện vọng của tôi và nói: Có lẽ anh về Khoa Âm nhạc của Trường cao đẳng Sư phạm thành phố (hiện nay là Trường đại học Sài Gòn) dạy cho sinh viên sẽ phù hợp hơn và viết giấy giới thiệu cho tôi về gặp Phòng Tổ chức cán bộ của trường. 

Chờ đợi trong mấy tháng hè vẫn chưa thấy thông tin của đơn vị mới, tôi chợt nghĩ sao mình không về làm biên tập âm nhạc cho các báo, đài có khi lại phù hợp hơn. Và bước ngoặt cũng trong mùa hè ấy, tôi lên thăm người em đang công tác tại một đơn vị bộ đội ở thị xã Đồng Xoài rồi nộp hồ sơ tại Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Phước nhưng cũng chẳng hy vọng gì. Thế nhưng, đài đã mời tôi đến phỏng vấn và Ban giám đốc đồng ý nhận tôi về làm biên tập âm nhạc cho Phòng Văn nghệ. Từ đây, nghề báo đã mở ra cho tôi một con đường hoàn toàn mới để tôi gắn bó đến bây giờ.  

Lạc vào “xa lộ” báo chí

Trong nghề, bao câu chuyện buồn vui chắc đồng nghiệp nào cũng từng gặp. Những ngày đầu về nhận công tác, tôi không khỏi bỡ ngỡ, nhất là lĩnh vực truyền hình. Đầu tiên, tôi được phòng giao cho một số chương trình PT-TH khai thác từ sản phẩm băng đĩa có sẵn trên thị trường. 

Lúc này, tôi tiếp tục nghiệm ra giữa kiến thức học được ở trường với thực tiễn là khoảng cách khá xa. Hơn nữa, tôi không phải là người học chuyên ngành báo chí. Khái niệm viết, biên tập một văn bản bình thường cũng chưa từng làm bao giờ, chứ chưa nói đến xây dựng một kịch bản PT-TH, có tính quy mô tổng thể bao gồm: ý tưởng nội dung, chọn bài hát phù hợp, viết lời dẫn kết nối… PT-TH, theo tôi đó là ngành truyền thông rất sâu rộng, vì phản ánh đa lĩnh vực của xã hội chứ không chỉ chọn giới thiệu vài bài hát là xong một chương trình. Bên cạnh đó, làm báo đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt tùy theo hoàn cảnh thực tế, nếu không chịu được áp lực, sẽ bỏ cuộc. 

Nhớ mãi lần đầu được giao thực hiện chương trình văn nghệ truyền hình trực tiếp, phục vụ sự kiện khá quan trọng của tỉnh, có cả HTV và VTV tiếp sóng trực tiếp vào lúc 7 giờ sáng nhưng tôi đã để xảy ra sai sót nghiêm trọng. Chẳng hiểu tại sao tôi lại không chú ý đến giờ lên sóng trực tiếp nên không báo trước cho ca sĩ và diễn viên chuẩn bị. Mặc dù họ từ TP. Hồ Chí Minh đã về nghỉ trước tại khách sạn, gần nơi tổ chức sự kiện. Đầu giờ sáng, tôi nhận điện thoại của anh quản lý phòng báo đã chuẩn bị lên sóng trực tiếp, tôi mới vội thông báo cho ca sĩ, diễn viên tới, thì chương trình đã lên sóng 10 phút. Tôi hốt hoảng nên luýnh quýnh như gà mắc tóc. Phần biểu diễn của các ca sĩ sau đó cũng trở nên luộm thuộm, như sân khấu của văn nghệ cấp xóm. Lần đầu nhận thực hiện một chương trình có tầm quan trọng như vậy mà kết cục chẳng ra gì, xem như thất bại nặng nề. Lúc ấy, tôi tự trách mình quá non kém và thiếu kinh nghiệm. Tôi nghĩ lần này sẽ bị kỷ luật rất nặng, thế nhưng mọi việc lại không như vậy. Ban giám đốc và anh em đồng nghiệp không gay gắt phê bình, chê bai mà chỉ nhắc nhở tôi rút kinh nghiệm cho những lần sau. Và tôi đã tự nhắc mình đây là bài học quý giá trong hoạt động nghề nghiệp của bản thân. 

Thời gian thấm thoắt trôi, tôi quen dần với công việc biên tập âm nhạc cho chương trình PT-TH, biết xây dựng một kịch bản phỏng vấn như thế nào để khai thác hết điểm mạnh của khách mời, hay kịch bản cho một sự kiện quan trọng, theo tiêu chí truyền hình. Nghề báo tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp xã hội. Tôi phụ trách mảng văn nghệ nên thường xuyên mời các ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên phỏng vấn, thu âm, ghi hình. Trong quá trình tác nghiệp, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lần ghi hình phỏng vấn xong một ca sĩ, khi ra về anh ta đòi thù lao ngay lập tức. Vì chủ quan chưa tạm ứng kinh phí, lại quên không đem tiền, tôi hẹn ngày mai sẽ tới tận nhà gửi anh. Anh ta không chịu, còn to tiếng phản ứng gay gắt, làm tôi hoang mang, bất ngờ vì dù sao tôi và ca sĩ này đã quen biết nhau. Tôi đành nói nhỏ với anh lái xe mượn tiền để giải quyết cho êm chuyện…

Hay có lần mời một ca sĩ, đồng ý cho ê-kíp về phỏng vấn tại TP. Hồ Chí Minh, khi gặp ở hiện trường chưa được 5 phút, ca sĩ nói “10 phút nữa nếu MC chưa tới là tôi đi về chứ không phỏng vấn gì hết…”. Mọi người lo lắng, bối rối vì đã thuê địa điểm hết mấy triệu đồng, cả ê-kíp cất công đi từ Đồng Xoài xuống đây, không lẽ về không. Lúc này kinh nghiệm nghề nghiệp đã cho tôi cách xử lý nhanh tình huống - cho ca sĩ tự sự thông qua các câu hỏi từ kịch bản là giải pháp tốt nhất. Nhờ vậy mà buổi phỏng vấn đã được ghi hình bình thường. 30 phút sau MC mới đến, nếu không linh hoạt trong tình huống vừa rồi, chắc sẽ “xôi hỏng bỏng không”.

Trong quá trình tác nghiệp, dẫu vấp phải khá nhiều khó khăn, khúc mắc nhưng tôi lại cảm nhận rõ đây chính là công việc rất phù hợp với mình. Mỗi ngày đến cơ quan, được làm công việc mình cảm thấy tự tin thì vất vả đến mấy vẫn vui, chứ không kém duyên như việc dạy học. Qua đó cho thấy tôi đã chọn đúng con đường. Và hơn hết nghề báo đã cho tôi mở rộng tầm nhìn mới, được trải nghiệm, biết thêm nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Đặc biệt là nguồn cảm xúc để tôi dung hòa giữa người làm âm nhạc với báo chí. 

Hiện nay, BPTV đang thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ và truyền thông đa phương tiện đòi hỏi người làm báo không ngừng tiếp cận, học hỏi. Đồng thời, mỗi cá nhân tự vận động làm mới chính mình để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của công chúng. Một tác phẩm báo chí hay, một chương trình PT-TH được khán, thính giả quan tâm đón nhận là niềm vui hơn bao giờ hết đối với người làm báo chúng tôi.

  • Từ khóa
144066

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu