Thứ 5, 09/05/2024 14:29:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:58, 08/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Đôi dòng cảm nhận

Thứ 4, 08/06/2022 | 06:58:46 1,128 lượt xem
BPO - Tôi thường thấy các ca sĩ, nghệ sĩ lão thành dù sức khỏe kém nhưng họ vẫn cống hiến cho nghệ thuật, đến khi không còn khả năng nữa thì mới chịu dừng. Và họ ví von họ là những con thiêu thân rất đam mê ánh đèn sân khấu. Tôi cũng không cảm nhận được họ đam mê đến mức độ nào cho đến khi tôi về hưu…

Ngày nhỏ tôi rất thích học văn. Thời mới giải phóng, học sinh vùng nông thôn đi học được nhà trường cho mượn sách nhưng không bao giờ đủ trọn bộ. Tôi luôn ưu tiên mượn quyển Văn học, đối với tôi, sách Văn học thật hấp dẫn vì trong đó có truyện, có thơ, nhạc… 

Yêu thích báo chí nhưng vì nhiều lý do tôi không thực hiện được ước mơ của mình nên chỉ là độc giả trung thành. Cứ tưởng về hưu rồi thì mọi chuyện xếp lại, “lửa lòng” cũng đã tắt rồi, nhưng không ngờ lúc này có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi đọc báo càng nhiều. Thế là cái máu yêu thích văn chương lại trỗi dậy, tôi bắt đầu suy nghĩ đến chuyện viết lách. 

Bước vào tuổi hưu rồi, không còn nhanh nhẹn và minh mẫn nữa nên tôi tìm một mảng nào đó nhẹ nhàng, phù hợp với mình. Một lần, tôi nghe câu chuyện truyền thanh trên đài phát thanh, mục đích là để có tiếng người cho đỡ buồn (vì tôi ở nhà một mình). Không ngờ tôi bị lôi cuốn bởi câu chuyện vừa vui lại có tính tuyên truyền. Một ý tưởng “khởi nghiệp” hình thành, tôi viết thử và gửi bài cộng tác. Hiện tại, tôi rất thích công việc này và cũng hơi bận rộn với đứa con tinh thần sinh sau đẻ muộn của mình nên không có khái niệm “nghỉ hưu”. Giờ tôi mới hiểu được thế nào là đam mê, một khi đã thật sự yêu thích rồi thì chỉ cần có cơ hội là sẽ thực hiện.

Mặc dù hiện nay thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, báo điện tử phất lên nhanh chóng, mọi người, nhất là giới trẻ, đọc báo điện tử ngày một nhiều hơn nhưng tôi vẫn chọn báo giấy để cập nhật thông tin. Đó có thể vì là một thói quen gắn bó với tôi từ thời thiếu niên đến tận lúc về hưu. Hình ảnh chú bán báo mỗi sáng đạp xe ngang qua nhà tôi cùng tiếng rao “báo mới đây, báo mới đây” vẫn còn lưu lại trong ký ức tôi. Bây giờ, hiếm khi gặp người đạp xe bán báo dạo nên muốn đọc báo giấy tôi phải đạp xe ra bưu điện để mua. Nhưng cái cảm giác háo hức cầm trên tay tờ báo mới vẫn còn nguyên vẹn. Tôi phải mở ra xem qua một lượt, đọc những tin chính nổi bật “tạm ứng” cho đỡ cơn ghiền, rồi mới xếp tờ báo lại về nhà đọc tiếp. Và tôi rất vui khi quan sát thấy cũng còn một lượng nhất định độc giả trung thành ghé vào mua báo, hầu hết là những người có tuổi. Vẫn biết rằng thời đại công nghệ, tuy thông tin báo giấy có chậm hơn so với báo điện tử, nhưng những bài viết trên báo giấy vẫn có giá trị riêng được người đọc tin tưởng.

Thông qua cuộc thi viết về nghề báo “Đam mê và cống hiến” do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tổ chức nhân kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2022), tôi xin nêu những suy nghĩ cá nhân dưới góc độ cảm nhận là một độc giả yêu thích báo chí:

Về hình thức

So với vài thập kỷ trước, báo giấy hiện nay trình bày đẹp hơn, có nhiều chuyên mục hơn và số lượng trang cũng nhiều hơn. Trước đây, báo giấy mỗi tuần chỉ ra vài số, nhưng hiện nay ngoài những tờ báo lớn thì báo địa phương cũng đã ra nhật báo. Tuy nhiên, có lẽ áp lực về thời gian và số lượng tin, bài mà hiện nay báo giấy đã không còn chỉn chu như trước. Điều dễ nhận thấy đó là lỗi chính tả (không nhiều nhưng thỉnh thoảng có lỗi, nhất là dấu hỏi - ngã). Báo giấy trước đây rất hiếm khi mắc lỗi chính tả và nếu có sai, chỉ cần một lỗi nhỏ, thì số báo sau đã thấy tòa soạn đính chính. Không biết có phải người lớn tuổi khó tính quá không, nhưng khi đang đọc một bài báo hào hứng mà gặp phải lỗi chính tả thì sẽ bị “tuột mood” ngay và liền,  giống như bạn đang ăn một bát canh ngon nhưng chợt thấy con sâu trong đó… Cho nên, đối với người làm báo thì phải chuẩn xác và không được sai lỗi chính tả.

Về nội dung

Một điều phải nói đến đó là báo chí ngày nay có rất nhiều bài báo quá chú tâm đến việc trau chuốt cho tựa đề (tít) để cuốn hút được độc giả nhưng nội dung thì rất nhạt, viết suông, không có phân tích, bình luận,… làm người đọc cảm thấy chán nản. Nếu ví nhà báo như người bán hàng và người đọc như khách hàng, thì người bán hàng ngon, chất lượng, khách ắt sẽ tìm mua, không thì sẽ ngược lại, họ sẽ tìm đến những tờ báo uy tín, chất lượng, cập nhật tin tức thời sự nóng hổi, có nhiều phân tích các vấn đề xã hội, có những bình luận khách quan… Vậy nên, tờ báo có được độc giả đón nhận nhiều hay ít tùy thuộc vào chất lượng của bài viết.

Về con người 

Muốn có được những trang báo hay, chất lượng, thu hút người đọc thì phải có người làm báo giỏi. Theo tôi, cần thiết nhà báo phải được quan tâm bồi dưỡng ngay từ nhỏ, như trong môn bóng đá vậy, phải có lớp năng khiếu dành cho những bạn trẻ yêu thích viết lách. Tôi biết không ít nhà báo tài năng trưởng thành từ những trang viết của báo Mực Tím, Hoa học trò,… Nên chăng mỗi tỉnh nên có tờ báo dành cho các cháu ở độ tuổi mới lớn, tạo cho các cháu sân chơi văn chương, tổ chức nhiều cuộc thi có giải thưởng, có nhuận bút nhằm khuyến khích các cháu rèn luyện kỹ năng viết lách, tạo một bước đệm để các cháu trở thành nhà báo giỏi tương lai.

Một vài ý kiến nhỏ với mong muốn báo chí ngày càng hay, hấp dẫn để thu hút độc giả.

Đối với Đài Phát thanh - Truyền hình và BáoBình Phước (BPTV), tôi có một tình cảm đặc biệt. Tôi là dân miền Tây nhưng rất thích nghe chuyên mục Câu chuyện truyền thanh của đài, vì các diễn viên đóng rất đạt, nghe rất vui tai, đã tạo cho tôi cảm hứng sáng tác. Hiện tôi đang cộng tác với đài chuyên mục này. Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, nhân viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và BáoBình Phước thật nhiều sức khỏe, gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.


Nguyễn Thị Huyền
(thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)

  • Từ khóa
144000

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu