Thứ 5, 09/05/2024 12:56:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 11:08, 11/05/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Những ngày bên nhà báo Hoàng Lâm

Thứ 4, 11/05/2022 | 11:08:13 928 lượt xem
BPO - Tôi biết cố nhà báo Hoàng Lâm đã lâu, từ khi ông đang làm Tổng biên tập Báo Bình Phước. Song từ khi ông nghỉ hưu, tiếp tục làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, tôi có dịp gần ông hơn.

Ở nhà báo Hoàng Lâm, điều dễ nhận thấy là đức tính chân tình, cởi mở. Ông không kiểu cách, cầu kỳ khi làm quen, tiếp xúc với người khác. Có một lần ông cùng tôi vào xã Tân Phước, huyện Đồng Phú để viết về xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Tôi và nhà báo Hoàng Lâm đến UBND xã, vừa lúc toàn thể cán bộ, đảng viên có mặt tại nhà văn hóa xã để nghe truyền hình trực tuyến về chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo triển khai. Thế là nhà báo Hoàng Lâm lặng lẽ ngồi xuống, chăm chú lắng nghe. Và không ai hỏi, cũng không ai biết đó là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Lâm, chỉ khi tôi lên tiếng giới thiệu.

Cố Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Lâm (bên phải) tại Hội báo Xuân tỉnh Bình Phước lần thứ nhất (năm Nhâm Thìn 2012) - Ảnh: H.T

Chuyến đi đó không đạt như ý muốn vì nhiều lý do. Phần do lúc này (năm 2014) xã Tân Phước mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã cũng chưa kịp tổng hợp thống kê số liệu để thông tin cho đoàn... Tôi cùng nhà báo Hoàng Lâm về nhà, vợ tôi làm cơm. Bữa cơm trưa hôm đó có dưa môn kho với cá ngừ bỏ ớt nguyên trái. Dưa hấu non làm gỏi, anh em tôi (gọi thế cho thân mật) vừa ăn vừa uống rượu. Nhà báo Hoàng Lâm khen ngon… Tháng sau, tôi đến nhà ông thuê ở số 62, đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài thấy vắng vẻ, cửa ngoài khóa. Sau đó, tôi mới biết ông lâm bệnh và trở về tỉnh Bình Dương điều trị.

Nhiều người đến nhà tôi chơi, bạn văn, bạn báo đều có cả. Riêng chỉ có nhà báo Hoàng Lâm đã để lại cho gia đình tôi những cử chỉ thân mật rất khác. Kỷ niệm những ngày bên nhà báo Hoàng Lâm nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ một chuyện. Đó là trong chuyến dự trại sáng tác văn học tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) trở về, suốt cả ngày đi đường, tôi đau bụng do rối loạn tiêu hóa, uống thuốc tây vào không bớt. Dọc đường, mọi người đều thấy nhà báo Hoàng Lâm luôn để ý 2 bên đường. Đến Ninh Thuận, ông nói lái xe dừng lại, rồi lội xuống chen vào mấy bụi gai ngắt 7 đọt cây mui, bảo tôi nhai nhuyễn và nuốt. Cơn đau bụng của tôi giảm từ đó.

Trong làng báo Văn nghệ Bình Phước, là Tổng biên tập, ông góp ý chân tình, nhẹ nhàng, hướng cho người viết chỉ một lần cũng đủ nhận ra thiếu sót, hạn chế để khắc phục. Trong truyện ngắn “Trắng đồng”, tôi viết “Chiếc thác ráng…”. Đã qua 2 lần biên tập vẫn không phát hiện, nhưng đến nhà báo Hoàng Lâm thì khác. Ông điện cho tôi: “tắc ráng” chứ đâu phải “thác ráng”. Tôi ngớ người ra, mình sống gần 20 năm ở miền Tây sông nước mà vẫn dùng từ sai. Qua điều này, tôi mới biết nhà báo Hoàng Lâm biên tập kỹ từng câu, từng chữ. 

Hơn 40 năm làm nghề báo, từ Báo Thanh Hóa, Báo Sông Bé, Báo Bình Phước, đến Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, nhà báo Hoàng Lâm luôn hướng tới “mắt sáng - lòng trong - bút sắc”, giúp đỡ đồng nghiệp, khiêm tốn học hỏi, nghiên cứu tài liệu và các tác phẩm văn học, báo chí… Đối với tôi và gia đình, nhà báo Hoàng Lâm vẫn còn đó, như ngày nào ông ghé nhà và cùng gia đình dùng bữa cơm đạm bạc. 

Duy Hiến
(Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Phước)

  • Từ khóa
141957

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu