Thứ 5, 09/05/2024 18:59:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:18, 10/05/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

“…như những con ong cần mẫn”

Thứ 3, 10/05/2022 | 09:18:07 654 lượt xem
BPO - Báo chí ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Từ góc nhìn hiện đại, các loại hình báo chí được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng.

Không có niềm vui và hạnh phúc nào bằng đối với người làm báo khi làm được một việc tốt, có ý nghĩa qua bài báo của mình. Đó là mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tạo ra sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là làm lóe lên chút cảm xúc nhân văn, giúp người đọc bớt những bế tắc, nhân lên niềm tin, lạc quan trong cuộc sống…  

Nghề báo là nghề rất vất vả, đòi hỏi phải có trách nhiệm xã hội cao, hội tụ đủ thể lực và trí tuệ. Muốn có được những tác phẩm báo chí đạt chất lượng tốt, người làm báo phải xông xáo, sáng tạo, phải cần mẫn, tận tụy gắn bó với cơ sở, phát hiện được nhiều đề tài, nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để rồi "thai nghén", cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, được bạn đọc yêu mến. 

Mỗi người đến với nghề báo đều theo một duyên riêng. Với tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Ngữ văn nhưng đam mê nghề báo. Dù bén duyên với nghề ở trường hợp nào thì một nhà báo cũng không thể theo đuổi được nghề nếu không có đam mê và nhiệt huyết. 

Nghề báo cũng mang lại cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc, được giao lưu học hỏi các anh chị đi trước. Mỗi chuyến tác nghiệp, có được những trải nghiệm thú vị, mới mẻ, được tiếp thu nhiều kiến thức phong phú trong cuộc sống, được thỏa sức sáng tạo trên từng trang viết. 

Tuy nhiên, nghề báo là nghề đặc biệt vất vả, gian nan. Vì không được viết rập khuôn máy móc, mà phải luôn luôn sáng tạo và có phong cách riêng. Mà muốn sáng tạo, muốn có phong cách riêng, buộc người làm báo phải có kiến thức, phải đam mê, trăn trở, suy tư và tìm tòi. Tất cả tố chất đó làm cho người làm báo vất vả, khó nhọc hơn, nhiều khi đau đáu với những nhân vật, những tác phẩm đến mất ăn, mất ngủ. Nghề báo đòi hỏi sự sáng tạo, bứt phá, cống hiến và đam mê. 

Mặc dù không được đào tạo bài bản từ trường báo chí, cũng không thể bỏ nghề giáo viên mà đi học báo chí, tôi chọn con đường đi phù hợp nhất là tự học. Tôi học hỏi từ các anh chị đi trước, rồi thường xuyên lên mạng tìm hiểu kỹ năng viết các thể loại báo chí như: tin, bài, cách chụp ảnh báo chí…

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành là khoảng cách xa vời. Để có sản phẩm báo chí hoàn chỉnh đối với tôi ban đầu là điều không dễ. Có những đêm, khi có cảm xúc tôi lại viết, chỉnh sửa từng câu chữ, có khi đến 4 giờ sáng, đến khi nào thấy hài lòng mới dám gửi đi. Ngày nay, nhờ có công nghệ thông tin nên việc viết và chỉnh sửa bài tương đối dễ dàng. Không như ngày xưa, viết nháp, gạch sửa nhiều lần xong rồi mới chép vào giấy trắng, bỏ bì thư ra bưu điện gửi. Sau khi gửi thì hồi hộp lắm, canh xem bài của mình có được đăng lên báo hay không…

Khi bài báo được đăng, lại một cảm xúc khó tả ùa về, tôi cầm tờ báo đọc trân trọng từng câu, chữ. Để tay nghề ngày một vững hơn, tôi lại tiếp tục luyện viết. Từ chỗ chỉ dám gửi đăng báo tỉnh, sau đó tôi mạnh dạn gửi cho nhiều báo, tạp chí ở Trung ương. 

Những tác phẩm của tôi, nội dung chủ yếu ở ngay môi trường làm việc của mình, như chuyện nghề, những gương sáng đồng nghiệp giúp đỡ học sinh nghèo hay viết truyền cảm hứng về những tấm gương học sinh vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong nghèo khó để thành công... 

Khi tìm được một nhân vật điển hình hay một đề tài tâm đắc, tôi luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ dạy để đi thực tế, khai thác đề tài theo dàn ý vạch sẵn. Tuy nhiên, khi gặp nhân vật thì không phải mọi chuyện đều "thuận buồm xuôi gió". Có nhân vật chịu hợp tác, có nhân vật không hợp tác và phải tìm cách tiếp cận. 

Tâm đắc là thế! Có khi đeo bám đề tài cả tuần nhưng khi gửi bài thì không được đăng. Nhưng "đam mê" nghề báo rồi, chân lại thích đi, đầu trăn trở suy nghĩ hăng say lắm, tay lại gõ bàn phím, chữ tuôn trào như mạch nước ngầm cứ âm thầm chảy. 

Ấn tượng nhất trong suốt thời gian viết báo của tôi là đoạt giải “Giáo viên tâm huyết” với tác phẩm “Cây xương rồng trên cát” do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty thép Việt - Nhật tổ chức. Tôi viết về em học sinh mồ côi cha mẹ, nghèo vượt khó. Bài viết có lẽ đã chạm vào lòng người. Em được nhà tài trợ hỗ trợ 5 triệu đồng, cô và trò được tài trợ chuyến du lịch 3 ngày. Không chỉ thế, nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm còn giúp em vơi đi gánh nặng cơm áo gạo tiền. 

Với tôi, nghề báo khá nhiều thách thức và áp lực. Để cho ra đời một bài báo đó là sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, bằng đam mê cháy bỏng và cả những hy sinh… Họ - những người làm báo như những con ong chăm chỉ, cần mẫn dâng mật ngọt cho đời.

Nguyễn Thị Hằng
(Trường THCS Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh)

  • Từ khóa
141817

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu