Thứ 3, 30/04/2024 23:35:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 09:34, 30/03/2024 GMT+7

Du lịch về bừng sáng bản làng

Đào Linh (Báo Quảng Ninh)
Thứ 7, 30/03/2024 | 09:34:37 1,949 lượt xem
Từ Yên Đức (TX Đông Triều) - mô hình du lịch làng quê đầu tiên tại Quảng Ninh, đến câu chuyện làm du lịch của bà con dân tộc Dao tại xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) và xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long), tất cả đều cho thấy sự đổi thay ở những vùng nông thôn của tỉnh sau khi bắt tay vào phát triển du lịch. Du lịch về, diện mạo thôn bản càng thêm sáng, xanh, sạch đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Làng du lịch đầu tiên ở Quảng Ninh

Được thành lập năm 2011 bởi Tổng Công ty CP Du lịch Sen Á Đông, làng quê Yên Đức là mô hình du lịch làng quê đầu tiên tại Quảng Ninh. Từ cách làm và thành công của mô hình này đã tạo nguồn cảm hứng và động lực cổ vũ những vùng quê giàu tiềm năng khác trên địa bàn toàn tỉnh mạnh dạn phát triển du lịch.


Người dân Yên Đức hát chèo biểu diễn phục vụ du khách.

Nói về những ngày đầu khi vận động bà con ủng hộ và tham gia phát triển mô hình du lịch làng quê, chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch làng quê Yên Đức, nhớ lại: Khi công ty du lịch đến đây khảo sát, mọi chuyện rất khó khăn vì mọi người có rất nhiều hoài nghi, như: Tại sao lại đến đây? Đến đây để làm gì? Đến đây có mang lại lợi ích gì cho người dân hay không?”. Với những câu hỏi đó, chúng tôi chưa thể trả lời người dân ngay được mà phải chứng minh bằng hành động, việc làm cụ thể.

Chị Mến cho biết thêm: “Năm đầu tiên khi làm du lịch, mình phải dọn dẹp đường sá, những chỗ lầy lội, mình phải san, đổ cát, đá mạt…, sau đó mới tổ chức tour. Nhân viên du lịch lúc nào cũng là những người dọn dẹp môi trường, nhặt rác, vất rác đúng nơi quy định. Lúc đó, người dân mới thấy: À! Phát triển du lịch có vẻ ổn”.

Sau hơn 10 năm phát triển du lịch làng quê tại Yên Đức, từ sự nghi ngờ, người dân đã hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ và tích cực góp sức vào phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành thương hiệu riêng của Yên Đức, một sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Ngoài những nhân viên chính cốt cán, mô hình du lịch làng quê Yên Đức đang tạo ra công việc bán thời gian cho người dân địa phương. Người dân được hướng dẫn cách đón tiếp khách theo tiêu chuẩn, học múa rối nước và biến những tiếng hát, lời ca thành phần biểu diễn đặc sắc phục vụ du khách.


Yên Đức hôm nay là một vùng nông thôn mới kiểu mẫu, là điểm đến du lịch của Quảng Ninh.

Yên Đức hôm nay đã là một vùng nông thôn kiểu mẫu của Quảng Ninh, là vùng quê đáng sống và đáng đến, nơi đón hàng chục nghìn du khách quốc tế mỗi năm. Người dân Yên Đức hôm nay, mỗi người đều là một đại sứ du lịch thân thiện và niềm nở. Du lịch đã trở thành điểm sáng của vùng quê Yên Đức và sự phát triển giàu đẹp của Yên Đức cũng chính là tài nguyên cho du lịch phát triển.

Đổi thay ở bản người Dao

Thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô mang đặc trưng của một bản vùng núi, biên giới của huyện Bình Liêu. Nằm trên núi Cao Ly, ngọn núi cao nhất huyện, cái tên Cao Sơn là sự mô tả chính xác về một bản vùng sâu, vùng xa… Người dân nơi đây gần 100% là đồng bào Dao Thanh Phán. Họ sống dựa vào sinh kế là trồng rừng, làm nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ.


Vườn hoa Cao Sơn tạo điểm nhấn cho diện mạo nông thôn mới của xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Những năm trở lại đây, bản vùng cao heo hút này đã chứng kiến nhiều đổi thay to lớn. Những con đường thôn bản được bê tông hóa, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông trục chính, nhiều mô hình sản xuất mới được đưa vào ứng dụng hiệu quả đã khiến cuộc sống người dân từng ngày khấm khá hơn. Lao động tại địa phương có sự chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang làm du lịch, dịch vụ.

Hơn 5 năm kể từ khi mô hình du lịch vườn hoa Cao Sơn của HTX Hoa Bình Liêu được xây dựng trên bản, hàng chục người dân của thôn một cách trực tiếp và gián tiếp đều tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch này. HTX hoa Bình Liêu hiện đang thuê 10 nhân công làm việc toàn thời gian, chăm sóc vườn hoa và phục vụ du khách.

Chị Chìu Tài Múi (34 tuổi) là một phụ nữ Dao Thanh Phán. Bắt đầu làm việc tại Vườn hoa Cao Sơn từ những ngày đầu. Từ chỗ e dè, bỡ ngỡ, chẳng mấy chốc chị đã quen với công việc, từ thoăn thoắt sắp xếp phòng nghỉ cho khách gọn gàng, đến giờ lại vào bếp nấu đồ ăn… Thay vì sự rụt rè ban đầu, giờ đây nụ cười luôn thường trực trên môi chị. Du khách đến Cao Sơn, ai cũng ấn tượng với sự thân thiện và nhiệt tình của chị Múi.


Chị Chìu Tài Múi có được thu nhập ổn định từ công việc tại Vườn hoa Cao Sơn.

Với mức lương dao động từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, Vườn hoa Cao Sơn đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Anh Chìu Văn Tình, sau khi xuất ngũ trở về quê tìm kiếm việc làm. Giữa nhiều hướng đi, anh Tình chọn làm việc tại vườn hoa Cao Sơn.

Anh Tình nói: “Vào đây làm việc, anh Hải (Giám đốc HTX Hoa Bình Liêu) tin tưởng hướng dẫn tôi làm nhiều việc. Tôi biết sửa chữa điện, nước trong khu farmstay, cũng được hướng dẫn cách chiết cây, trồng và chăm sóc nhiều loại hoa… Những kỹ năng này, tôi cũng dùng được ở nhà và là công việc tôi yêu thích nên tôi muốn gắn bó lâu dài. Làm du lịch, mình cũng có cơ hội góp chút sức nhỏ bé vào việc giới thiệu với du khách về quê hương Bình Liêu. Tôi mong muốn sẽ có nhiều du khách đến với Bình Liêu hơn”.

Việc phát triển du lịch tại những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang giúp tạo thu nhập ổn định cho bà con và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người tham gia. Đồng thời đánh thức trong mỗi người tình yêu và sự gắn kết với văn hóa dân tộc, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

Từ khi mô hình du lịch cộng đồng Am Váp Farm được phát triển tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long), anh Lý Tài Ngân không nhớ nổi mình đã dẫn bao nhiêu đoàn khách đi thăm thôn, bản. Người thanh niên của bản Dao trong trang phục truyền thống vừa đi vừa kể cho du khách nghe những phong tục tập quán của người Dao. Ánh mắt anh ánh lên sự tự hào khi nói về những nông cụ được người Dao dùng trong trồng trọt, 3 chum rượu mà nhà trai mang đến nhà gái để xin cưới, được anh dày công sưu tầm và trưng bày tại nhà cộng đồng hay câu chuyện về lễ cấp sắc của người Dao mà “người đàn ông dù có bao nhiêu tuổi, nếu chưa làm lễ cấp sắc vẫn bị coi là chưa trưởng thành”.


Anh Lý Tài Ngân (ngoài cùng bên phải) giới thiệu cho du khách về nông cụ của người Dao tại Kỳ Thượng.

Mạnh dạn cùng với những người có cùng chung đam mê đưa du lịch về Khe Phương, anh Ngân vận động bà con trong bản cùng tham gia vì như anh nói: “Làm du lịch ở Kỳ Thượng không dựa vào bà con không làm được, mình phải làm lâu dài”.

Gia đình ông Bàn Văn Kim thuộc thôn Khe Phương là gia đình còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn ngôi nhà truyền thống của người Dao. Để đưa ngôi nhà trở thành một điểm tham quan cho du khách, anh Ngân cùng những anh em trong nhóm đã tư vấn cho gia đình giữ nguyên những nét sinh hoạt hàng ngày, hỗ trợ gia đình kinh phí chỉnh trang, tu sửa và khoản kinh phí hàng tháng… Nhờ đó, Công ty CP Am Váp có thêm một điểm tham quan cho du khách mà gia đình ông Kim cũng có thêm thu nhập.

Trên dải đất Quảng Ninh, từ vùng đồng bằng đến miền núi, từ quê lúa đến vùng hoa sở, sự phát triển của những vùng nông thôn mới đã tạo tiền đề cho du lịch phát triển và ngược trở lại, khi du lịch về với những thôn bản này, ngành "công nghiệp không khói" cũng góp phần viết lên chương mới trong sự phát triển của mỗi địa phương, đưa những vùng quê ngày càng trở nên giàu đẹp.

  • Từ khóa
192781

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu