Thứ 6, 10/05/2024 14:06:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:06, 30/10/2015 GMT+7

Hình tượng đức phật di lặc trong tín ngưỡng của người Bình Phước

Thứ 6, 30/10/2015 | 08:06:00 2,036 lượt xem
BP - Theo khảo sát sơ bộ tại các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đức phật Di Lặc được thờ trong ngôi chùa vào khoảng những năm 2000 trở lại đây, chủ yếu bằng chất liệu gỗ và xi măng...


Đức phật Di Lặc tại chùa Thanh Xuân, thị xã Đồng Xoài

Đi vào đời sống

Trong những năm gần đây, ở Bình Phước ngày càng có nhiều tượng đức phật Di Lặc được trưng bày trong các gia đình và thờ trong ngôi chùa. Tại gia đình, tượng đức phật Di Lặc được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong phòng khách. Tùy theo sở thích của mỗi gia đình mà có kiểu chạm khắc khác nhau như tam đa, bát bửu, tứ quý, bát tiên... bằng các chất liệu như gỗ, gốm, đồng, đá, thạch cao. Những chất liệu này tuy khác nhau về màu sắc, kích cỡ nhưng đều có một điểm chung là luôn đặc tả sự phong phú, đa dạng trong hình dáng và chân dung của đức phật Di Lặc.

Tại các ngôi chùa ở Bình Phước, tượng đức phật Di Lặc chủ yếu được thờ trong chánh điện hoặc khuôn viên chùa, không theo hệ thống sắp xếp cố định mà tùy từng không gian của chùa và sự tôn trí của các vị trụ trì đương nhiệm. Những ngôi chùa ở Nam bộ, tượng đức phật Di Lặc được bài trí ở các tư thế khác nhau như tượng ngồi, tượng có năm chú tiểu đồng đang đùa nghịch, có chú trong tay áo phá phách, chú bám trên lưng lôi tai, chú ngồi trên bụng ngoáy mũi, còn chú khác sờ rốn. Hoặc tượng đứng trên đầu rồng, trên túi càn khôn, một số khác đi chân trần trên đất, đầu hơi ngửa lên trên, đôi khi nhìn xuống thấp... Trong khi đó, các tượng đức phật Di Lặc trong những ngôi chùa ở Bình Phước chủ yếu được bài trí với tư thế ngồi, tay cầm chuỗi hạt, túi càn khôn, chân phải co lên làm điểm tựa cho tay phải, chân trái xếp bằng và tay trái gác lên đùi, thân mình hơi ngửa ra phía sau, ngực trần để lộ cái bụng phệ to tròn, miệng nở nụ cười hoan hỷ. Không giống như phật Thích Ca ngồi kiết già thiền định trang nghiêm trên hoa sen hoặc phật A Di Đà từ bi duỗi tay tiếp độ chúng sinh về cõi tịnh độ, đức phật Di Lặc đi vào thế gian một cách an nhiên tự tại, ở giữa hồng trần mà không bị dính bụi trần. Điển hình cho loại tượng này được bố trí ở các ngôi chùa Linh Thông, Quang Minh, Từ Quang, Quan Âm, Giác Ngạn, Linh Sơn (Lộc Ninh); Bảo An, Hưng Lập (Bình Long); Quang Minh, Thanh Xuân, Thanh Đức (Đồng Xoài); Thanh Long (Đồng Phú); Đức Bổn A Lan Nhã (Bù Đăng)...

Biểu tượng lòng từ bi, hoan hỷ

Cho tới nay, việc xác định mốc thời gian tín ngưỡng trưng bày và thờ Đức phật Di Lặc trong cộng đồng người Việt ở Bình Phước nói riêng và ở Nam bộ nói chung còn khá mờ nhạt so với khu vực miền Bắc, miền Trung. Thế nhưng, dù xuất hiện sau này nhưng hình tượng đức phật Di Lặc ngày càng trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân Bình Phước bởi sự phổ biến của loại hình hình tượng này, ngài luôn hiện thân cho lòng từ bi và sự hoan hỷ. 

Đến những ngôi chùa Bình Phước vào ngày lễ, tết, hay mồng một, rằm hằng tháng, bên cạnh việc tỏ lòng thành kính trước đức phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, người dân còn luôn dừng chân tại tượng đức phật A Di Đà để quên đi những buồn phiền trong cuộc sống, chắp tay hướng về một vị bồ tát luôn nở nụ cười hoan hỷ trên môi.

Chị Đỗ Thị Hưng ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Thường vào ngày rằm hằng tháng, tôi cùng con trai đến chùa Thanh Xuân lễ phật. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, vui tươi hơn”. Anh Nguyễn Văn Dự, ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài nói: “Tôi có thú chơi đồ gỗ. Do công việc kinh doanh nên nhiều khi hay suy nghĩ phiền não cho nên thích sưu tầm tượng đức phật Di Lặc để trong phòng khách hay trong cửa hàng bởi dáng vẻ tạo sự vui tươi cũng như cầu mong sự may mắn, tốt đẹp trong kinh doanh hằng ngày”.

Theo thời gian, hình tượng đức phật Di Lặc ngày càng phong phú, sinh động, thể hiện một phức hợp về tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Đức phật Di Lặc nhắn nhủ con người trút bỏ những ưu tư phiền muộn trong tâm hồn để tìm sự an lạc trong cuộc sống, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.    

Đình Tâm

  • Từ khóa
91560

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu