Thứ 5, 09/05/2024 10:38:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:48, 12/04/2011 GMT+7

Linh thiêng đất Tổ

Thứ 3, 12/04/2011 | 10:48:00 400 lượt xem

Những ngày này, đồng bào cả nước và kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài đang hướng lòng về đất Phú Thọ để tri ân với các vị vua Hùng. Các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và để lại cho hậu thế nhiều giá trị chân thực về cuộc sống, về tinh thần yêu nước và tự cường dân tộc, kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Vùng đất Tổ là cội nguồn dân tộc và cũng chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay, đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

“Con về đất Tổ chiều đông/ Nghe se sắt lạnh từ trong xa mù/ Chợt rơi vào cõi thiên thu/ Theo con chim Lạc bay từ hồng hoang…” Những câu thơ làm cho chúng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng Ba năm trước, khi có dịp về đất về Phú Thọ để giỗ Tổ Hùng Vương.

Nhân dân khắp nơi nô nức dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Sử cũ chép rằng, cách đây hơn 4.000 năm, ngay tại thành phố Việt Trì, các vua Hùng đã dựng nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của Việt Nam với kinh đôPhong Châu. Là vùng đất cổ, cội nguồn của dân tộc nên Phú Thọ có nền văn hóa rất rực rỡ và lâu đời. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội, đáng kể nhất là lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng, hội đền Mẹ Âu Cơ… Đứng ở góc độ truyền thống, đất Phú Thọ chứa trong mình nhiều di tích gắn liền với lịch sử dựng nước của người dân Việt Nam. Cùng với một di sản văn hóa phong phú gồm bao nhiêu tác phẩm ca dao, tục ngữ, truyện thơ, các làn điệu dân gian của các dân tộc ở đây như hát “xéc bùa”, hát “ví”, hát “đúm” của người Mường, hát “xoan”, hát “ghẹo” của người Việt, Những di chỉ khảo cổ văn hóa Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu, Phú Thọ là một trung tâm văn hóa của người Việt từ xa xưa.

Đến với Phú Thọ, vùng đất Tổ là hướng về cội nguồn của dân tộc. Ở đó có núi Nghĩa Lĩnh, nơi thờ 18 vị vua Hùng. Đó là nơi người Việt Nam thường gọi bằng cả tấm lòng tôn kính, đền Hùng. Khu di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh ở độ cao 175m, bốn mùa xanh ngắt thâm u với 458 loài cây cỏ. Toàn bộ khu di tích rộng khoảng 1.030 ha, trong đó có 4 đền, 1 chùa và lăng vua Hùng. Từ cổng chính đi vào sẽ gặp đền Hạ nằm ở lưng chừng núi. Theo truyền thuyết, đây chính là nơi Mẹ Âu Cơ chuyển dạ sinh ra bọc 100 trứng. Đây cũng là nơi Bác Hồ kính yêu đã nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Kế bên phải đền Hạ là chùa Sơn Cảnh Thừa Long tự. Tiếp tục leo núi thêm một đoạn đường sẽ gặp đền Trung. Đền Trung là nơi vua Hùng bàn chuyện quân cơ với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng. Đền Thượng là nơi vua Hùng lập miếu thờ trời “Kính thiên lĩnh điện”. Hiện, đền Thượng là nơi thờ tự 18 vị vua Hùng. Phía bên phải đền Thượng là lăng của vị vua Hùng thứ 6. Từ đền Thượng đi vòng xuống núi gần cổng ra là đền Giếng, nơi hai con gái của vua rửa mặt và chải tóc…

Đoàn công tác của Báo Bình Phước tại đền Hùng dịp giỗ Tổ năm 2010

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy ngàn năm, trước những biến động thăng trầm, nhưng trong tâm thức của cả dân tộc, đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương hội tụ, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên. Mấy ngàn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: “Chim tìm tổ. Người tìm tông”. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim. Theo các nhà nghiêu cứu, từ buổi đầu dựng nước Văn Lang, các vua Hùng đã để lại cho hậu thế bốn di sản quý ở bốn lĩnh vực khác nhau. Đó là lĩnh vực kinh tế với cây lúa hoang dại, được các vua Hùng dạy cho dân trồng lúa, thuần hóa để giải quyết vấn đề lương thực. Ở lĩnh vực chính trị, các vua Hùng đã mở rộng quyền dân chủ, thiết lập chế độ làng chạ tự quản. Chế độ làng chạ này tồn tại hàng ngàn năm và hiện vẫn gắn bó trong tâm thức của người dân đất Việt lúc xa quê với những hình ảnh về cây đa, bến nước sân đình và lũy tre xanh. Về lĩnh vực quân sự, vua Hùng thứ 6 đã chiến thắng giặc Ân bằng cuộc vận động cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện tham gia đánh đuổi quân thù. Đây là kinh nghiệm quý báu cho lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn đời. Ở lĩnh vực văn hóa, thời kỳ nhà nước Văn Lang đã xuất hiện nhiều loại hình văn hóa, các lễ hội, các tục lệ, nhạc cụ, chuyện kể dân gian… còn lưu truyền đến ngày nay.

Đất Tổ là vùng đất thiêng với bao truyền thuyết gắn liền với những chiến công dựng nước và giữ nước của con Rồng cháu Tiên mà hàng ngàn năm sau con cháu vẫn hằng ghi nhớ qua bốn câu đậm đà tình nghĩa “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm…”

Tấn Phong

  • Từ khóa
87569

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu