Chủ nhật, 12/05/2024 03:21:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:56, 26/07/2020 GMT+7

Mưa đỏ

Phương Dung
Chủ nhật, 26/07/2020 | 08:56:00 1,185 lượt xem
BPO - Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020) xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai. Tác phẩm viết về chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Mưa đỏ đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Từ Nắng đồng bằng (năm 1978) đến Mưa đỏ (năm 2016) là chặng đường 38 năm nhà văn Chu Lai dồn toàn bộ tâm huyết cho đề tài chiến tranh cách mạng. Trong hành trình ấy, “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng” và “Mưa đỏ” là 3 cột mốc quan trọng tạo nên những phân khúc trong hành trình tiểu thuyết Chu Lai. Nếu Nắng đồng bằng “định vị” Chu Lai trên văn đàn những năm trước đổi mới thì “Ăn mày dĩ vãng” xuất hiện khi văn chương đổi mới đang ở thế thượng phong. Còn “Mưa đỏ” xuất hiện trong bối cảnh văn chương gặp nhiều “bất lợi” khi văn hóa nghe - nhìn có sự thay đổi và đa số công chúng tập trung khám phá ngành công nghiệp giải trí. Nhưng vượt lên những khó khăn ấy, “Mưa đỏ” một lần nữa thể hiện năng lực tiểu thuyết sung mãn của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết nhuốm màu sử thi và có những câu văn ám ảnh độc giả: “Trời vẫn đổ mưa. Những hạt mưa đang biến thành màu đỏ. Mưa đỏ. Mưa máu”.

Nhà văn quân đội Chu Lai là tác giả của những tiểu thuyết đồ sộ về đề tài chiến tranh như: Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Phố... và một số kịch bản phim như: Hà Nội đêm trở gió, Người đi tìm dĩ vãng, Người Hà Nội... Mưa đỏ là tiểu thuyết mới nhất của ông, kết quả sau nhiều năm trăn trở và sáng tạo.

“Mưa đỏ” lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Nội dung xoay quanh 2 nhân vật chính là Cường và Quang, đại diện cho 2 phía chiến tuyến. Nhà văn Chu Lai không áp đặt theo lối ta tốt, địch xấu, mà đã khắc họa ở Quang có cả những nét nhân văn, nhân đạo. Tuy nhiên, diễn tiến tâm lý của nhân vật rất tự nhiên, không gò ép khiến bạn đọc cảm thấy thỏa mãn.

“Mưa đỏ” viết về cuộc lên đường của thế hệ trẻ thời chiến thông qua nhân vật chính tên Cường. Khác với nhân vật người lính trong các tiểu thuyết trước đây, lần này Chu Lai chủ tâm xây dựng nhân vật người lính - nghệ sĩ. Cường yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình nền nếp, có anh trai là liệt sĩ nhưng Cường vẫn xung phong vào bộ đội khi đang là sinh viên năm thứ tư Nhạc viện. Và việc Cường lên đường như là một cuộc dấn thân. Bằng linh cảm, Cường biết ngày trở về của mình mong manh nên đã dồn sức cho một tác phẩm âm nhạc để đời. Đó là bản giao hưởng hợp xướng hàm chứa “những giai điệu về chiến tranh, về khát vọng yên hàn, về sự mất mát và lòng kiêu hãnh, về tình yêu và chia ly, về cái lãng mạn và điều trần trụi, về cái nhất thời và cái vĩnh cửu của cuộc đời… về tất cả”.

Nhưng Cường không phải là người anh hùng duy nhất trong chiến tranh. Trong tiểu thuyết “Mưa đỏ”, tác giả đã dựng nên kiểu mẫu anh hùng chỉ có ở Việt Nam, đó là bà mẹ của những anh hùng hay cô du kích Hồng, người yêu của Cường trong chiến tranh…

Chị Đỗ Thị Bích Thủy (phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài) cho biết: Tôi ấn tượng khi đọc tiểu thuyết “Mưa đỏ” bởi sách đã tái dựng được không khí chiến tranh sục sôi bằng tâm thế của người từng vào sinh ra tử. Ở đó, tác giả đau đáu với gam màu tối - sáng, hiện thực tàn khốc và những góc khuất lặng thầm của chiến tranh. Đó cũng là nguyên nhân nhà văn Chu Lai đặt cho tiểu thuyết cái tên dữ dội, đầy ám ảnh - “Mưa đỏ”. Sâu sắc hơn cả là phần kết thúc với hình ảnh 2 bà mẹ của 2 nhân vật chính ở 2 chiến tuyến cùng trở lại Thành cổ viếng mộ con. Họ tình cờ gặp nhau, cùng thắp nén hương lên 2 ngôi mộ, để lại nhiều sự day dứt trong lòng người đọc, nhưng lại sáng lên niềm tin xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ bi thương để cả dân tộc cùng chung tay xây dựng đất nước hòa bình. Một cái kết lắng đọng tạo nhiều dư âm trong lòng bạn đọc.

Mưa đỏ của Chu Lai là tác phẩm duy nhất được Hội Nhà văn trao giải ở mảng tiểu thuyết vào năm 2016. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 14 của Chu Lai và được nhà văn hoàn thành khi tròn 70 tuổi. Có lẽ vì thế ở “Mưa đỏ” bút pháp của Chu Lai có vẻ “tĩnh” hơn. Tiểu thuyết chỉ “dồn nén” trong 300 trang nên nhanh chóng nhập vào dòng tiểu thuyết ngắn và đang chiếm ưu thế trên văn đàn. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc tại Thư viện tỉnh Bình Phước.

Câu hỏi có thưởng kỳ này: Theo bạn nhan đề của tác phẩm Mưa đỏ biểu tượng cho điều gì?

Chương trình sẽ nhận câu trả lời ngay sau ngày phát trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và đăng tải trên báo in Bình Phước 7 ngày. Câu trả lời đúng và hay nhất sẽ được Thư viện tỉnh tặng một phần quà sách có giá trị. Các bạn tham gia trả lời xin gửi đáp án về email sachhaybptv@gmail.com; hoặc gửi thư về chuyên mục Sách - Người bạn tốt, Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 01 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Nội dung email ghi rõ họ tên, địa chỉ để chuyên mục thuận tiện gửi quà tặng.

  • Từ khóa
87427

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu