Thứ 2, 20/05/2024 16:07:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:50, 13/04/2023 GMT+7

Về nơi cội nguồn cách mạng

Quang Minh
Thứ 5, 13/04/2023 | 14:50:54 1,935 lượt xem

BPO - Trong chuyến công tác tại tỉnh Cao Bằng, đoàn công tác của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã tới thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn sinh sống và làm việc. Không chỉ được ôn lại những mốc son lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tại đây, đoàn còn tham quan, trải nghiệm những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, nơi được ví như “xứ sở của thần tiên”.

Bài 1:
NHỚ GIÀ THU


Trong tâm khảm của mỗi người con dân đất Việt khi đặt chân tới mảnh đất Cao Bằng, nơi “cội nguồn cách mạng”, ai nấy đều không khỏi xúc động, bồi hồi, trào dâng niềm thương kính Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, bậc thánh nhân kỳ tài nhưng rất đỗi giản dị, gần gũi với nhân dân. Từ hang đá Cốc Pó nhỏ hẹp, ẩm thấp tới “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” bên bờ suối hay nơi Bác ngồi câu cá sau giờ làm việc, tất cả như vẫn còn đây hơi ấm của Người.

Tôn vinh những giá trị lịch sử

Từ thành phố Cao Bằng, đoàn vượt qua những cánh đồng lúa xanh tươi, rì rào dưới chân những ngọn núi như vẫy chào du khách. Không khí mát mẻ, trong lành, cây cối tốt tươi khiến lòng người ấm áp, đường về Pác Bó như càng gần hơn. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại diện Ban quản lý đền cho biết: Ngôi đền thể hiện tình cảm và nguyện vọng của người dân cả nước, đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đối với Người. Đền thờ được xây dựng tại vị trí trung tâm của vùng đất thiêng Pác Bó, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sinh khí ngàn năm hội tụ. Ngôi đền là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Cao Bằng với kiến trúc hiện đại tạo cảm giác uy nghi, nhưng vẫn gần gũi, giản dị.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) Nguyễn Thị Minh Nhâm thay mặt các thành viên đoàn công tác ghi dòng cảm tưởng bày tỏ xúc động, lòng kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quần thể khu di tích Pác Bó cách đền thờ Bác Hồ không xa, khung cảnh nơi đây vẫn giữ nét nguyên sơ. Núi Các Mác sừng sững, soi bóng xuống dòng suối Lê Nin hiền hòa, trong xanh như ngọc. Chị La Thị Hồng Hạnh, dân tộc Tày, hướng dẫn viên du lịch cho biết: Trước đây, người dân địa phương gọi là suối Giàng và núi Đào. Về sau, Bác Hồ đề nghị đổi tên thành suối Lê Nin và núi Các Mác để tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản có ảnh hưởng to lớn đối với nhân loại tiến bộ. Tại đây, vào mồng 1-2 âm lịch hằng năm, chính quyền đều tổ chức lễ hội về nguồn Pác Bó. Lễ hội nhằm bảo tồn, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tày - Nùng, đồng thời tôn vinh những giá trị lịch sử của Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

Suối Lê Nin như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ

Còn đây hơi ấm của Người

Đi bộ men theo bờ suối Lê Nin, con đường nhỏ được lát bằng đá, rộng hơn 2m dẫn vào từng vị trí nơi Người từng sống và làm việc. Nhà báo Hoàng Thị Hồng Xiêm, công tác tại Báo Cao Bằng đi cùng đoàn cho biết: “Chỉ cần nói đến địa danh này thì nhiều người sẽ nhớ ngay tới bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.../ Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!”. Trên đường lên hang Cốc Pó, đoàn đi qua nơi Bác Hồ ngồi câu cá sau những buổi làm việc. Phiến đá xanh rêu phong theo năm tháng, nhưng cảm giác nơi đây vẫn còn in dấu chân Người. Ngay cửa hang, những thông tin quan trọng về mốc lịch sử được Ban quản lý khu di tích ghi rõ trên tấm pa-nô, nhắc nhở các thế hệ con cháu đời sau mãi mãi khắc ghi: “Ngày 28-1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua cột mốc 108, trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, với tên gọi là Già Thu. Những ngày đầu, Người ở và làm việc tại nhà ông Lý Quốc Súng. Từ ngày 8-2 đến cuối tháng 3-1941, Người ở và làm việc tại hang này”. Chị La Thị Hồng Hạnh cho biết: “Trước kia, đường lên hang rất khó khăn, sau khi cải tạo lại thì từ dưới con đường nhỏ dẫn lên hang được xây thành 79 bậc đá, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Đồng thời, những bậc đá ấy cũng tạo điều kiện cho du khách đi lại tham quan thuận tiện hơn”.

Chị La Thị Hồng Hạnh, dân tộc Tày, hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó giới thiệu về bàn đá, nơi Bác Hồ làm việc

Vừa cùng với các thành viên của gia đình bước đến cửa hang, chị Đinh Thị Hằng, du khách đến từ quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng lặng lẽ quan sát. Trên ánh mắt, gương mặt chị không giấu được xúc động, chị Hằng chia sẻ: “Trước đây, mình chỉ biết những di tích lịch sử này thông qua sách vở và bài học trên lớp. Nay được trực tiếp tới thăm nơi Bác sống và làm việc, được uống nước suối Lê Nin, được sờ tay vào núi Các Mác, đặc biệt là được vào trong hang Cốc Pó, nơi ở của Người, cảm giác xúc động thương Bác và càng cảm nhận sâu sắc hơn sự vĩ đại của Người”.

Hang Cốc Pó nhỏ hẹp chỉ vừa 1 người đi. Bên trong hang địa hình mấp mô, ẩm thấp. Tiếng loa thuyết minh của chị Hạnh tuy nhỏ nhưng trong không gian tĩnh lặng nghe rất rõ. Chị Hạnh cho biết: Vì điều kiện sinh hoạt trong hang quá khó khăn, nên gia đình ông Lý Quốc Súng đã mang sang vài tấm ván gỗ kê lên để Bác nằm. Tại đây, tấm ván ấy vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Cách cửa hang khoảng 10m là bếp sưởi. Thời điểm Bác về đây, thời tiết vùng cao núi đá chuyển sang rét buốt. Trong hang không có chăn, chiếu, Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng không ngủ được nên dậy đốt lửa vừa để sưởi ấm vừa đọc, nghiên cứu tài liệu. Tại đây, Bác cũng đã viết bằng than củi lên vách đá 9 chữ: “Nhất cửu tứ nhất niên, nhị nguyệt bách nhật”, tức là “ngày mồng 8-2-1941”, đánh dấu ngày Bác chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Pó này.

Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, những pano chỉ dẫn du khách tới từng “địa chỉ đỏ”

Trước đây, trong hang chỉ có 1 lỗ thông hơi, không đủ ánh sáng nên ban ngày Bác ra làm việc tại bàn đá. Từ hang ra bàn đá phải đi theo đường vòng qua nơi “đầu nguồn”. Chiếc bàn đá được kê đơn sơ, bên gốc cây si cạnh bờ suối. Trải qua rất nhiều trận lũ lịch sử, nhưng đến nay bàn đá vẫn còn nguyên vẹn. “Mặc dù điều kiện sống và làm việc rất khó khăn, vất vả, song Bác vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Chính tại bàn đá này, Bác đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Tức cảnh Pác Bó”: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Tuy nhiên, do có dấu hiệu bị lộ nên Bác chỉ ở trong hang này khoảng hơn 1 tháng, sau đó Người chuyển sang lán Khuổi Nậm để tiếp tục vạch ra con đường đấu tranh cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc” - chị Hạnh cho biết.

Ngày nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó không chỉ là nơi ghi nhớ công lao trời biển của Người, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ sau mà còn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm địa điểm tham quan du lịch. Đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất thiêng Pác Bó.


  • Từ khóa
165414

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu