Thứ 2, 20/05/2024 05:20:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 11:15, 21/06/2022 GMT+7

SEA GAMES 31

Chúng tôi tác nghiệp SEA Games 31

Hưng Cát
Thứ 3, 21/06/2022 | 11:15:00 1,794 lượt xem
BPO - Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam đã thành công rực rỡ. Hơn 3 tuần đáng nhớ trên đất Việt Nam để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế từ lúc môn bóng đá - bộ môn thi đấu đầu tiên của SEA Games 31, đến lễ khai mạc thắm tình đoàn kết, hữu nghị; những cuộc tranh tài hấp dẫn của gần 5.000 vận động viên với tinh thần thi đấu thể thao trong sáng, cao thượng.

Đối với 3 phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) gồm Hưng Cát, Nguyễn Tấn, Phạm Tăng, những người được hòa mình vào sự kiện, chúng tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý và cả những câu chuyện thú vị về sự kiện lớn nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2022.

3 phóng viên kỳ cựu của BPTV chụp hình lưu niệm với các kỳ thủ Indonesia

Áp lực Nhật ký SEA Games 31 và kinh nghiệm làm việc nhóm

Từng tham gia tác nghiệp SEA Games tại 5 quốc gia trong khu vực, năm nay chúng tôi ra Hà Nội với tâm trạng thoải mái, háo hức chứ không quá lo lắng như những chuyến đi nước ngoài. Thế mà đến nơi, mới thấy “sân nhà” quá khó so với “sân khách”! 12 tỉnh, thành cùng tham gia tổ chức, biết chọn nơi đâu làm “đại bản doanh” cho 3 tuần lăn lộn với SEA Games? Anh Nguyễn Tấn, trưởng ê-kíp rất băn khoăn: Chúng ta phải đảm đương mỗi ngày 10 phút cho Nhật ký SEA Games, lại còn cáng đáng cho 3 loại hình khác gồm báo in, báo điện tử và báo nói, trong khi ê-kíp chỉ có 3 người. Đành phải chia ra 2 nhóm để “chiến đấu” chứ không còn cách nào khác.

Nguyễn Tấn là một người đặc biệt yêu thích bóng đá. Những chuyến đi nước ngoài cũng như SEA Games kỳ rồi, gần như các trận bóng đá nam, nữ có đội tuyển Việt Nam tham gia, anh không bỏ lỡ trận nào. Anh dành cho các chàng trai, cô gái chiến binh sao vàng một tình yêu đặc biệt, nhưng cũng khéo léo phân trần: “Khán, thính giả, độc giả họ quan tâm nhất đến bóng đá, nếu chúng ta vì tốn kém, vì tiết kiệm chi phí mà bỏ, không đành!”.

Những lúc chất lượng đường truyền tại các điểm thi đấu không đảm bảo, phóng viên BPTV phải dò tìm vị trí sóng tốt để gửi tin, bài, hình ảnh. Trong ảnh: Phóng viên Hưng Cát gửi hình từ bờ rào Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) về cơ quan

Để vừa chuyển tải không khí các trận bóng đá vừa có đủ thông tin cho Nhật ký SEA Games, chúng tôi ngay lập tức tìm cách kết nối với các đồng nghiệp đã chinh chiến nhiều kỳ SEA Games trước đây; thậm chí liên lạc với Ban Thể thao Đài Truyền hình Việt Nam để đàm phán với các báo về kế hoạch “trao đổi” - làm việc theo nhóm. Mỗi ngày, chúng tôi “giao ban”, chia nhau từng bộ môn hoặc các sự kiện, làm phóng sự bên lề, đồng hành… Mỗi người một đề tài, sau đó chia sẻ cùng nhau. Lẽ đương nhiên mỗi cơ quan báo chí có tiêu chí khác nhau và không phải lúc nào cũng sử dụng được các sản phẩm mà đồng nghiệp khác thực hiện. Tuy nhiên, sự linh hoạt này đã giúp chúng tôi giảm bớt áp lực tin, bài gửi về bộ phận hậu kỳ.

Không chỉ gặp khó về địa điểm tác nghiệp, chúng tôi còn trăn trở nhiều về phương tiện di chuyển. Mỗi tỉnh, thành - nơi diễn ra các nội dung thi đấu quá xa nhau, không thể sử dụng phương tiện cơ động nhất là xe máy mà phải thuê ôtô - vừa an toàn vừa đảm bảo thiết bị máy móc không bị trục trặc, thậm chí là mất mát, hỏng hóc. Vậy nên phải nghiên cứu kỹ lịch thi đấu ở từng tỉnh, thành sao cho tiện di chuyển, vừa làm được nhiều việc lại tiết kiệm chi phí sản xuất.

“Trường học thực tế”

Không chỉ “căng sức” sản xuất tin, bài gửi về cơ quan kịp thời, SEA Games còn là cơ hội để chúng tôi trải nghiệm những bài học thực tế hết sức cụ thể, thiết thực.

42 môn thi với rất nhiều nội dung, mỗi bộ môn đều có luật thi đấu riêng, tính chất riêng đòi hỏi phóng viên phải am tường để đưa tin chính xác, không bị động khi tác nghiệp. Đơn cử như hôm đi tường thuật môn cờ tại 2 điểm: Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh (TP. Hạ Long) và khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP. Uông Bí) thuộc tỉnh Quảng Ninh, nhóm phóng viên chúng tôi gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia đều phải học cách đọc kết quả thi được cập nhật liên tục trên mạng. Quả thật đó là một ma trận các bảng mật mã. Bảng kết quả này được giám khảo công bố cho truyền hình trực tiếp các ván đấu với độ trễ 15-30 phút, bởi khi kỳ thủ thi đấu, các thiết bị máy ảnh, điện thoại di động đều bị hạn chế sử dụng, đặc biệt phóng viên không được quay các trận đấu bằng thiết bị di động. Người ta sợ rằng, những thiết bị này rất có thể sẽ là phương thức liên lạc nhằm “giải mã” các thế cờ khó của vận động viên. Cũng chính vì lý do này, các đồng nghiệp Thái Lan đã phải đính chính với công chúng của mình khi công bố người thắng cuộc là đoàn Thái Lan, nhưng kỳ thực Việt Nam mới là đội đăng quang!

Cập nhật thông tin cũng là bài học xương máu cho phóng viên tác nghiệp tại SAE Games. Để hạn chế phóng viên tràn xuống sân, gây ảnh hưởng cho các môn thi đấu, đặc biệt là bóng đá, ban tổ chức quyết định cấp “thẻ phụ” cho tất cả đối tượng phóng viên, gồm: Quay phim, phóng viên ảnh, phóng viên báo in và các biên tập viên. Cũng vì lý do này, rất nhiều đơn vị thiếu thông tin đã không có được vị trí tác nghiệp thuận lợi, thậm chí còn không được vào sân. May mắn cho BPTV khi các phóng viên Phạm Tăng, Nguyễn Tấn đều là những “chuyên gia” trong việc lấy thẻ phụ. Họ còn có những đồng nghiệp ở các báo thể thao luôn sẵn lòng cung cấp nguồn tin cực kỳ cần thiết để BPTV có mặt gần như tất cả sự kiện quan trọng.

Hai phóng viên Nguyễn Tấn, Phạm Tăng rất “ăn ý” trong tác nghiệp

"Đã tham gia tác nghiệp nhiều kỳ SEA Games, tôi đúc rút cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm quý. Mỗi cá nhân phải dùng cách của riêng mình để tháo gỡ khó khăn, tích lũy kiến thức để sản xuất ra những chương trình hay và ấn tượng” - Phạm Tăng, phóng viên Phòng Tư liệu - Bạn đọc và Công tác xã hội của BPTV chia sẻ.

Phóng viên Phạm Tăng chụp hình lưu niệm với HLV Park Hang Seo và các phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 31

“Qua các kỳ SEA Games, chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm. Đó là khả năng phối hợp ăn ý, khả năng ứng chiến, cách sử dụng thiết bị thành thạo. Nhiều lúc có được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp một đoạn hình ảnh về một sự kiện nào đó mình không thể góp mặt, nhưng file hình bạn gửi có định dạng khác thì cũng phải biết cách giải nén, sử dụng. Nói chung các kỳ SEA Games đã giúp chúng tôi "lên tay" rất nhiều”.

Phóng viên Nguyễn Tấn, Phòng Thời sự BPTV khẳng định


Anh Nguyễn Tấn, phóng viên Phòng Thời sự BPTV thông tin thêm: “Chúng tôi cần cả không khí, phỏng vấn trên khán đài, di chuyển các khu vực kỹ thuật, vào sân… Do đó, chúng tôi luôn phải nắm được nội quy, thậm chí tìm hiểu cả lối đi ở sân vận động cũng như các địa điểm thi đấu để tác nghiệp thuận lợi nhất”.

Có thể nói, được tác nghiệp ở một sự kiện lớn như SEA Games là trải nghiệm thú vị. Phóng viên học hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn, hình thức tác nghiệp chuyên nghiệp mà hiếm có trường lớp chính quy nào có thể đào tạo.

SEA Games 31 ghi nhận số phóng viên kỷ lục gần 800 người, trong đó hơn 70% phóng viên trong nước. BPTV góp mặt với 3 thành viên, sản xuất được 21 bản tin Nhật ký SEA Games cùng hàng chục phóng sự bên lề. Mỗi hình ảnh, dòng tin, mỗi chương trình của BPTV trên tất cả hạ tầng đều là sự sẻ chia của chúng tôi với các vận động viên, huấn luyện viên, ban tổ chức… Tất cả tôn thêm lòng tự hào dân tộc, để triệu trái tim hòa vào làm một, cùng chung nhịp đập. Đó cũng chính là giá trị và tinh thần mà BPTV chuyển tải đến công chúng. Chúng tôi tự hào về điều đó.


  • Từ khóa
144804

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu