Thứ 5, 09/05/2024 16:50:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 07:15, 07/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Tấm ảnh nhà vô địch

L.H.C
Thứ 3, 07/06/2022 | 07:15:07 1,049 lượt xem
BPO - Là người rất đam mê thể thao, đồng thời cũng có một chút “vốn liếng” tiếng Anh kha khá, tôi thường được Ban giám đốc BPTV qua các thời kỳ lựa chọn tác nghiệp tại SEA Games - Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á được tổ chức 2 năm 1 lần. Có rất nhiều kỷ niệm với SEA Games mà mỗi lần nhắc lại, tôi lại thấy mình như trẻ ra, khỏe khoắn, lanh lợi hơn nhiều.

Tôi chưa bao giờ quên buổi tối ngày 12-12-2003, Việt Nam tranh chung kết bóng đá nam với Thái Lan trên chảo lửa Mỹ Đình. Không thể đồng hành cùng đội tuyển trên sân, tôi đi ra một quán cà phê ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bây giờ để cổ vũ. Bà xã của tôi, khi đó bụng chửa vượt mặt cũng lặc lè vác bụng bầu đi ủng hộ đội bóng… Kỳ vọng lắm, năm đó là lần đầu tiên SEA Games được tổ chức trên sân nhà, U23 Việt Nam giành quyền vào chung kết với lứa cầu thủ thế hệ vàng như Phạm Văn Quyến, Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, trong đó Phạm Văn Quyến là ngôi sao số một của U23 Việt Nam ở thời điểm đó. Tiền đạo xứ Nghệ chính là người ghi bàn gỡ hòa trong những phút cuối của hiệp 2 để đưa trận chung kết vào hiệp phụ, nơi luật bàn thắng vàng vẫn được áp dụng khi đội nào ghi được bàn thắng lúc đó thì trận đấu sẽ kết thúc ngay lập tức.

Thật không may khi Quốc Vượng nhận thẻ đỏ, U23 Việt Nam chỉ còn thi đấu với 10 người trên sân. Và điều gì đến cũng phải đến, cầu thủ Nattaporn Phanrit, trung vệ của U23 Thái Lan ở phút 96 đã gieo sầu cho mấy chục ngàn người hâm mộ trên sân Mỹ Đình cũng như hàng chục triệu người dân cả nước. Phải nhận thất bại vì bàn thắng vàng trong hiệp phụ, trận chung kết SEA Games 22 là một trong những ký ức buồn và tiếc nuối nhất đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi chúng ta hội đủ tất cả các điều kiện lại phải ngậm ngùi nhìn Thái Lan bước lên ngôi cao.

Nước mắt đã rơi… Tôi khóc nhưng nhìn quanh mọi người cũng đang nức nở… Chúng tôi ôm nhau, an ủi rằng, thôi thì bóng đá mà, rồi chúng ta sẽ chờ 2 năm tới…

Vậy mà tôi phải chờ đợi đến 16 năm sau. Đó là một buổi tối lịch sử ngày 10-12-2019, trên sân vận động Rizal Memorial, thủ đô Manila, Philipines, Việt Nam tranh chung kết với Indonesia - đối thủ được xem là một hiện tượng của Sea Games năm đó khi lần lượt hạ gục những đối thủ mạnh, bao gồm cả Thái Lan để gặp Việt Nam trong trận tranh huy chương vàng.

Tiếng còi khai cuộc vang lên trên sân vận động Rizal Memorial, bắt đầu 90 phút thi đấu trong trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30. Cả trong 90 phút căng thẳng ấy, những “cơn bão” mang sức mạnh tinh thần song hành cùng đội bóng. "Cơn bão" từ các khán đài liên tục gọi tên huấn luyện viên và các cầu thủ. "Cơn bão" từ chính trong lòng các chàng trai trẻ tuổi mới đôi mươi. “Cơn bão" từ người đàn ông Hàn Quốc Park Hang Seo tay vỗ lên tim và giơ cao lá cờ đỏ sao vàng.

Chiến tích lịch sử của U22 Việt Nam trên đất Philipines

Lịch sử cuối cùng đã gọi tên đội tuyển U22 Việt Nam trên đấu trường SEA Games với tấm huy chương vàng môn bóng đá nam khi lần lượt Văn Hậu, Hùng Dũng thi nhau lập công, đánh phủ đầu đối phương 3 bàn không gỡ để lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games mang về tấm huy chương vàng danh giá sau 60 năm chờ đợi.

Một chiến thắng làm nức lòng hàng triệu trái tim người hâm mộ. Một đêm lịch sử mà cả dân tộc Việt Nam lâng lâng hạnh phúc trọn vẹn trong niềm vui chiến thắng. Thật may mắn cho chúng tôi khi cả 3 phóng viên Nguyễn Tấn, Phạm Tăng, Hưng Cát của BPTV đều được xuống đường piste và ghi lại trọn vẹn từng khoảnh khắc U22 Việt Nam xưng vương trên đấu trường khu vực. Cả một rừng phóng viên Việt Nam rồng rắn chạy theo các nhà vô địch để mong có được những tấm ảnh đẹp nhất… Nhưng không phải ai cũng may mắn vào được bên trong sân, Ban tổ chức giăng dây, hạn chế phạm vi hoạt động của phóng viên để đảm bảo an toàn cho các cầu thủ. Tôi thì khác. Tôi may mắn lọt vào bên trong sân vận động, vì tôi chọn vị trí cầu môn của Indonesia để dễ dàng ghi nhận các tình huống tấn công của chúng ta. Vì thế, khi trận đấu kết thúc, tôi theo hướng di chuyển của đội tuyển Indonesia và tới tận nơi các cầu thủ đang phấn khích reo mừng. Chưa bao giờ tôi gần các nhà vô địch đến thế và chưa bao giờ tôi vui sướng như thế. Bỗng truyền hình Philipines bật lên một ngọn đèn pha. Tôi lọt vào giữa vị trí trung tâm của Văn Hậu, người hùng của U23 Việt Nam trong trận chung kết lịch sử. Đài Truyền hình Việt Nam lúc đó đang tường thuật trực tiếp, trò chuyện với Văn Hậu về 2 pha lập công đi vào lịch sử của chàng hậu vệ điển trai. Rất nhiều ống kính hướng thẳng vào vị trí của tôi và Văn Hậu. Quả thật đó là một tình huống tôi không lường trước, bởi giữa một rừng phóng viên len chặt và các cầu thủ đang phấn khích ăn mừng, tôi có rút lui cũng chẳng được. Chính vì vậy, tôi vô tình “chiếm Spotlight” cùng nhân vật chính bằng rất nhiều hình ảnh đăng trang trọng trên các báo online…

Tác giả chiếm “Spotlight” trên nhiều mặt báo qua chiến tích vô địch SEA Games sau 60 năm của  U23 Việt Nam

Cũng chính vì “sự cố” này, rất nhiều phóng viên đã không thể bắt trọn khoảnh khắc của nhà vô địch, vì thực tế, chúng tôi đã bị len chặt vào giữa một rừng người. “Cao thủ” không bằng “tranh thủ”, nhiều nhà báo khác tếu táo chúc mừng tôi với nhiều hình ảnh đẹp cùng nhà vô địch, nhưng cũng có một phóng viên báo Thanh niên, vì lý do này mà ấm ức, bởi anh không thể chụp hình nhà vô địch như mong muốn của mình. Phóng viên này đã đăng lên mạng xã hội một tấm hình tôi với Văn Hậu đang reo mừng trên sân với những lời lẽ khá nặng nề. Bạn đọc người biết người không cũng bình luận nhiều câu từ mà tôi không muốn nhắc lại… Hơi “sốc” một chút với câu chuyện không vui hôm đó, nhưng tôi bình tĩnh chủ động nhắn tin cho phóng viên nọ. Tôi giải thích rõ chỉ vô tình chiếm Spotlight, may mắn rơi vào khoảnh khắc của lịch sử mà thôi. Tôi lý giải rằng thật sự bị động trong bối cảnh đó. Bạn phóng viên nọ đã xin lỗi, gỡ bài, đồng thời chia sẻ với tôi những nghiệp vụ quý khi tác nghiệp sự kiện.

Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) Nguyễn Thị Minh Nhâm khi biết sự việc cũng hết sức thông cảm và cho rằng, câu chuyện của tôi cũng là kinh nghiệm quý cho nhiều phóng viên khác. “Phóng viên cũng như chiến sĩ trên chiến trường, phải lanh lẹ, lựa chọn góc độ và bắt kịp những phút làm nên lịch sử. Anh không thể đổ thừa hoàn cảnh vì thế này, vì thế kia mà không hoàn thành nhiệm vụ. Anh lại càng không có lý do để đổ thừa, thậm chí đi dìm hàng đồng nghiệp khi đang cùng nhau tác nghiệp ở nước ngoài như thế” - Giám đốc - Tổng biên tập Minh Nhâm động viên. 

Xin cảm ơn những đồng nghiệp yêu quý của tôi. Câu chuyện bất đắc dĩ liên quan đến tấm ảnh của nhà vô địch mà tôi chia sẻ cũng là bài học cho tất cả phóng viên chúng ta. Phải chủ động trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là những khoảnh khắc của lịch sử, những vụ việc cháy nhà, thiên tai, địch họa mà công chúng quan tâm. Những lúc như thế chúng ta không thể chụp theo yêu cầu, càng không thể quay ngược tình thế để chụp lại. Mỗi chúng ta phải biết phán đoán diễn biến sự kiện và bắt đúng khoảnh khắc, trạng thái vui, buồn của nhân vật, bởi được - mất, hơn - thua trong tác nghiệp báo chí, tất cả đều phải tính bằng giây! 

Với cá nhân mình, tôi cũng đúc rút được một bài học: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phóng viên cũng nên chừng mực, ý tứ hơn trong tác nghiệp, nên hạn chế tối đa việc cản trở đồng nghiệp, bởi mục đích cuối cùng của các cơ quan báo chí đều là phục vụ công chúng.

  • Từ khóa
143957

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu