Thứ 2, 20/05/2024 06:25:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 14:43, 24/02/2017 GMT+7

Tennis - môn thể thao “thời thượng”

Thứ 6, 24/02/2017 | 14:43:00 589 lượt xem
BP - Được coi là “môn thể thao quý tộc”, nhưng quần vợt (tennis) đang trở nên phổ biến, thu hút đông tầng lớp nhân dân tham gia. Không chỉ đem lại lợi ích về sức khỏe, tinh thần, quần vợt còn tạo cho người chơi cơ hội kết giao bạn bè, tham gia các sân chơi lành mạnh.

HẤP DẪN TRÊN TOÀN THẾ GIỚI

Trong nhiều năm, quần vợt là môn thể thao của các nước nói tiếng Anh, trong đó nổi bật là Mỹ và khối liên hiệp Anh. Năm 1968 được coi là dấu mốc khởi đầu “kỷ nguyên mở” của quần vợt khi cho phép tất cả tay vợt tham dự mọi giải đấu, kiếm sống từ thi đấu. Từ đây, quần vợt đã nhanh chóng trở thành môn thể thao dành cho tất cả mọi người. Thành công đã đến với rất nhiều tay vợt thuộc các giai cấp, nguồn gốc xuất thân khác nhau, từ công nhân (Jimmy Connors) đến những người Mỹ gốc Phi (Arthur Ashe hay chị em nhà Williams). Quá trình tranh tài của các vận động viên (VĐV) khiến mức tiền thưởng của mỗi giải đấu không ngừng tăng lên trên toàn thế giới, bình đẳng giữa nội dung nam và nữ. Hiện có 4 giải đấu lớn và uy tín của quần vợt thế giới được tập hợp lại thành hệ thống Grand Slam, gồm: Úc mở rộng, Roland Garros (Pháp mở rộng), Wimbledon và Mỹ mở rộng. Mỗi giải đấu mở ra giấc mơ đổi đời cho các VĐV, cơ hội để người hâm mộ thỏa sức chứng kiến những pha bóng chuyên nghiệp, đồng thời giúp các nước chủ giải quảng bá văn hóa và phát triển thương mại, du lịch.

Ban tổ chức trao giải cho các VĐV đạt thành tích cao tại giải quần vợt các câu lạc bộ chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh vào tháng 1-2017

Tại Việt Nam, quần vợt được du nhập vào đầu thế kỷ XX và phát triển ở một số thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhanh chóng được nhiều người yêu thích. Sau khi đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, quần vợt phát triển mạnh, trở thành môn thể thao thu hút quần chúng. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có sân quần vợt. Là người chơi quần vợt được 3 năm, anh Nguyễn Tuấn Anh (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) cho biết: “Tôi đến với quần vợt vì thần tượng VĐV Roger Federer. Chơi quần vợt giúp tôi giải tỏa tâm lý sau những giờ làm việc căng thẳng, đồng thời rèn luyện thể chất, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường”.

NHIỀU TIỀM NĂNG TẠI BÌNH PHƯỚC

Tại Bình Phước, quần vợt cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Nhiều sân bãi, khu tập luyện được xây dựng thu hút đông người chơi, chủ yếu là tầng lớp trung niên, cán bộ, công chức. Các cửa hàng mua bán đồ thể thao mọc lên như nấm giúp người đam mê có “đồ nghề” để chơi quần vợt. Với hiệu ứng tích cực của truyền thông, quần vợt đã thu hút một lượng đáng kể học sinh, thanh niên yêu thích và tập luyện. Trên trang facebook, nhiều nhóm, fanpage quần vợt đã được người chơi lập ra để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết giao bạn bè. Một số huyện, thị xã đã thành lập câu lạc bộ quần vợt với nhiều hình thức chơi, từ tập luyện, giao hữu đến đấu giải. Hiện nay, thi đấu quần vợt đã trở thành “lựa chọn số 1” của nhiều đơn vị, sở, ngành mỗi dịp hội thao kỷ niệm các ngày lễ lớn. Chi phí thuê sân và mua sắm dụng cụ tập luyện không quá cao, phù hợp mức thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh nên quần vợt chắc chắn sẽ tiếp tục “hút” người chơi trong thời gian tới.

Năm 2006, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện đề án phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh, mở lớp năng khiếu quần vợt đầu tiên tại Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh nhằm ươm mầm tài năng và lựa chọn ra các VĐV có tố chất. Đến nay, các lớp năng khiếu vẫn duy trì hoạt động, thu hút đông học viên trẻ tham gia. Ngoài ra, nhiều nhóm người trung niên, nhân viên văn phòng chủ động thuê sân và giáo viên tập. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thiên Tịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, quần vợt Bình Phước sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn phát triển lên chuyên nghiệp.

“Dù đã tập luyện nghiêm túc và cố gắng nhưng quần vợt Bình Phước chưa tìm ra hạt nhân tiêu biểu, có khả năng cạnh tranh huy chương tại đấu trường thành tích cao. 2 lớp năng khiếu quần vợt đang hoạt động chỉ thu hút 14 học viên tham gia. Sĩ số này là rất thấp so với lớp năng khiếu của các môn thể thao khác khiến quần vợt Bình Phước càng khó tìm ra gương mặt tài năng. Vì vậy, định hướng phát triển quần vợt của ngành trong thời gian tới là tiếp tục tổ chức các giải phong trào nhằm thu hút quần chúng, từ đó xây dựng thế hệ VĐV tiềm năng để đào tạo” - ông Tịnh nói.

Thế Tường

  • Từ khóa
101381

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu