Thứ 5, 09/05/2024 13:59:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 00:00, 16/08/2011 GMT+7

Bóng bàn Việt Nam dự giải vô địch châu Á 2011 - Nam đi, nữ ở nhà?

Thứ 3, 16/08/2011 | 00:00:00 161 lượt xem

Bóng bàn Việt Nam sẽ cử đội tuyển dự giải từ ngày 12 tới 18-9 ở Lebanon và mục tiêu vẫn là cọ xát chuẩn bị cho SEA Games 2011, nơi chúng ta đặt chỉ tiêu khiêm tốn là phấn đấu có HCV…

Dùng tiền phải khôn ngoan!

Đến thời điểm này, trưởng bộ môn bóng bàn Việt Nam, ông Nguyễn Đức Long cho biết: “BHL vẫn xem xét và chưa quyết định gương mặt nào. Ngoài vấn đề chuyên môn thì cũng phải cân đối ở ngân sách cho hợp lý rồi mới cử VĐV góp mặt”. Thế nên, việc giữ kín thông tin trước giải đấu là động thái quan trọng, tránh sự mất tập trung trong tập luyện của VĐV.

Giải châu Á là kỳ sát hạch cuối cùng của đội tuyển trước khi tập huấn rồi dự SEA Games, quan trọng hơn là chúng ta sẽ “mục sở thị” các đối thủ góp mặt ở Indonesia tới đây.

Tay vợt Đinh Quang Linh và đội tuyển nam gần như chắc suất dự giải vô địch châu Á 2011

Danh sách dự giải chưa chốt, nhưng rất có thể cơ hội sẽ trao cho các tay vợt nam. Điều này dễ hiểu, bởi vì chính ông Long cũng nhận định không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác khó có cửa tranh huy chương nữ tại SEA Games do Singapore quá mạnh với dàn tay vợt đạt đẳng cấp thế giới. Ngoài ra, khi lần lượt Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Việt Linh vẫn chưa lên tuyển thì 4 gương mặt đang tập trung gồm Thiên Kim, Tường Giang, Phương Dung, Dương Thị Mai không phải những tay vợt vượt trội.

Với đội hình nam, mục tiêu trọng tâm là rèn kỹ chiến thuật ở nội dung đôi chuẩn bị cho SEA Games 26 (tại SEA Games 25, Việt Nam đoạt HCV nhờ cặp Kiến Quốc/Quang Linh), nên Kiến Quốc, Tuấn Quỳnh, Quang Linh, Thành Luân, Huy Hoàng… là những người có nhiều cơ hội dự giải nhất.

Tuy nhiên, sau bài học vô tình bị… lãng phí tiền mà không được thi đấu vì nhầm lịch ở giải VĐTG 2011 tại Hà Lan, một lần nữa người hâm mộ phải băn khoăn liệu chúng ta có bị thêm một lần nữa ở giải châu Á? Đành rằng ông Trưởng bộ môn giải thích phải cân đối tài chính rồi điều chỉnh số VĐV thi đấu quốc tế và còn đầu tư cho tập huấn,  nhưng những kế hoạch trên đã luôn phải trình và được lãnh đạo Tổng cục TDTT duyệt ngân sách cho phù hợp từ đầu năm.

Đi bao nhiêu rồi kiếm được thành quả gì, giới chức bóng bàn đã tính toán kỹ lưỡng và đang kỳ vọng vào sự chung tay xã hội hóa cho bóng bàn ở tương lai gần. Tuy vậy, chuyện không dễ dàng vì đó là những bài toán đầu tư của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào, nên đôi bên đều tính toán rất kỹ.

Bên cạnh đó, đã từ lâu người trong giới đều nhận thấy độ “vênh” giữa bộ môn với liên đoàn. Và người ta thật khó phân biệt quyền hạn giữa trưởng bộ môn với tổng thư ký để rồi ai là người quyết định cao nhất.

Mịt mù với chuyên gia

Trước ngày diễn ra giải VĐQG 2011 (tháng 4), Trưởng bộ môn Nguyễn Đức Long cùng TTK Liên đoàn Phạm Đức Thành đều khẳng định sẽ thuê chuyên gia ngoại. Sau 4 tháng, giới chức vẫn đang liên hệ tìm chuyên gia do chưa tìm được người cụ thể. Đã có lời mời để thuê CHDCND Triều Tiên nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được thỏa thuận do phía bạn đòi lương quá cao. Với mức chi chỉ khoảng 1.500 USD/tháng dành cho thuê chuyên gia thì đúng là rất khó nếu muốn thuê được HLV có đầu óc chiến lược.

“Như một HLV người Trung Quốc bây giờ có khả năng huấn luyện và có tiếng thì mức lương họ đòi không dưới 10.000 USD/năm. Vậy tiền đâu mà bóng bàn Việt Nam chịu được”, ông Long cho biết.

Chưa có chuyên gia nước ngoài, 2 HLV Lê Xuân Phong (nam) và Chu Hồng Hạnh (nữ) vẫn được coi là những người chỉ đạo được cho các tay vợt. Sau giải vô địch châu Á thì các tay vợt vẫn còn giải các CLB mạnh toàn quốc ở Đắk Lắk (tháng 10) trước khi tập huấn Trung Quốc nên chắc chắn đội tuyển vẫn còn nhiều thay đổi.

                                                            (Theo SGGP Online)

  • Từ khóa
99474

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu