Thứ 5, 09/05/2024 21:58:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 00:00, 24/07/2011 GMT+7

Bóng bàn Việt Nam dài cổ đợi Quy chế chuyển nhượng

Chủ nhật, 24/07/2011 | 00:00:00 179 lượt xem

Tính cả giải Cây vợt vàng năm ngoái, năm nay (giải vừa kết thúc tại TP.HCM), lần thứ 2 có một CLB của Việt Nam thuê tay vợt ngoại về thi đấu. Điều đó mang lại luồng gió mới cho bóng bàn Việt Nam trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, Quy chế chuyển nhượng VĐV vẫn chưa được ban hành…

  • Hiệu quả tới đâu ?

Quy chế chuyển nhượng chưa ra đời, nhưng dễ nhận thấy bước tạo đà của nó ít nhiều đã có tác dụng, ít nhất là các kết quả trước mắt. Giải Cây vợt vàng lần thứ 25 kết thúc tại TPHCM không phải là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, nhưng vẫn thu hút người hâm mộ bởi đây là năm thứ 2 liên tiếp 1 CLB quốc nội (Tập đoàn Dầu khí) chiêu mộ VĐV Trung Quốc. Rõ ràng, bên cạnh tay vợt số 1 Việt Nam là Đoàn Kiến Quốc, thì cặp ngoại binh Zhang Kuo và Yang Ce đã giúp CLB chủ quản “nở mày, nở mặt” nhờ đầu tư đúng chỗ, mang về 2 HCV nội dung đồng đội và đơn nam.

Các tay vợt Việt Nam vẫn đang dài cổ đợi Quy chế chuyển nhượng xuất hiện

Trở lại thời điểm cách đây 3 tháng, ở giải toàn quốc vào tháng 4-2011 tại Hải Dương, cuộc chiêu mộ đình đám, đưa Phan Huy Hoàng và Trần Tuấn Quỳnh từ đơn vị Hà Nội về thi đấu đã giúp CLB Hà Nội T&T giành HCV đơn nam đầu tiên (Trần Tuấn Quỳnh thắng Kiến Quốc 4-1 ở chung kết) đầy quý giá. Đó là cuộc đầu tư hiệu quả cho bản hợp đồng trị giá 370 triệu đồng của Tuấn Quỳnh.

Những cuộc chuyển nhượng, chúng ta tạm gọi như thế dù Quy chế chưa ra đời, đã diễn ra êm thấm và chưa xảy ra điều tiếng là vì đôi bên đội bóng chủ quản đều đạt được những thỏa thuận hợp lý về tài chính. Trên thực tế, những cuộc tuyển quân kia đã diễn ra đều là cuộc chơi của những đội bóng được các đại gia chống lưng như Tập đoàn Dầu khí, Hà Nội T&T.

Vì vậy, ngoài các đàn anh đã có tiếng thì nhiều gương mặt trẻ (Tô Đức Hoàng, Đào Duy Hoàng chuyển từ Bộ Công an sang Tập đoàn Dầu khí; Nguyễn Ngọc Tú chuyển từ Hải Dương sang Hà Nội T&T…) đã đạt được mặt tích cực phần nào. Ít nhiều họ được thay đổi về cuộc sống và có cơ hội góp mặt trong đội dự tuyển quốc gia. Quy chế là quy định để tiết chế cuộc chơi vẫn phải chờ đợi. Rõ ràng, chẳng ai có thể nói trước sẽ không diễn ra những cuộc tranh cãi một khi có nhiều cuộc mua-bán cả công khai lẫn “ngầm” trong giới bóng bàn ở tương lai.

  • Không nhanh, coi chừng bị vượt

Với câu hỏi “Bao giờ Quy chế chuyển nhượng sẽ được ban hành, dù đã được lấy ý kiến từ các đội bóng tại giải toàn quốc hồi tháng 4”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam, ông Phạm Đức Thành vẫn cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ ban hành ngay trong năm nay. Tuy nhiên, Quy chế vẫn đang được lấy ý kiến từ các cơ quan liên quan”.

Sau bóng đá, bóng chuyền thì bóng bàn là môn hướng đến tính chuyên nghiệp khá sớm khi đặt nhiều vấn đề về chuyển nhượng VĐV. Vậy nhưng, tất cả vẫn chỉ là… bản dự thảo và Quy chế chuyển nhượng rất mong sớm ra đời kia còn phải chờ thảo luận dài dài. Bóng bàn tiếng là môn đi trước nhưng rất có thể lại rớt phía sau so với cuộc chơi chuyên nghiệp hóa.

Trong động thái mới nhất, cầu mây (dù là môn phát triển sau bóng bàn rất nhiều) nhưng đã trình dự thảo Quy chế chuyển nhượng cầu thủ của họ lên Vụ pháp chế của Tổng cục TDTT. Chưa kể, cùng cầu mây thì những nhà quản lý của môn cầu lông và cờ vua cũng đang dự tính ra đời quy định chuyển nhượng VĐV của mình trước 1 cuộc chuyển mình tiến lên chuyên nghiệp của thể thao đỉnh cao.

Tất nhiên, không quy chế nào hoàn hảo, nên mỗi quy chế chuyển nhượng của từng môn luôn được điều chỉnh dần sau nhiều thời gian áp dụng thực tế và không chỉ người hâm mộ mà với riêng VĐV cũng rất chờ đợi có Quy chế ra đời để giúp giải đấu của mình tốt hơn. 

                                                                            (Theo SGGP Online)

  • Từ khóa
99444

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu