Thứ 5, 16/05/2024 05:22:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Y tế 17:47, 29/04/2024 GMT+7

Tăng cường các giải pháp tiến tới loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh

PV
Thứ 2, 29/04/2024 | 17:47:06 1,575 lượt xem
BPO - Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng sốt rét lưu hành, trong đó có 28,8% dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng. Tuy nhiên, Bình Phước cũng là tỉnh có các hoạt động phòng, chống sốt rét tương đối hiệu quả và thành công. Số bệnh nhân sốt rét và số ký sinh trùng sốt rét năm 2022 đã giảm 99,19% so với năm 2018, không ghi nhận ca bệnh tử vong do sốt rét từ năm 2019 đến nay và không có dịch sốt rét xảy ra.

Tình hình bệnh sốt rét giai đoạn 2018-2023

Tình hình sốt rét tại Bình Phước giai đoạn 2018-2023 bệnh nhân sốt rét có ký sinh trùng giảm 99,36%, không có dịch sốt rét xảy ra. Số bệnh nhân sốt rét có ký sinh trùng tập trung chủ yếu tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng (chiếm khoảng 62% bệnh nhân sốt rét có ký sinh trùng so với toàn tỉnh). Trong đó chủ yếu tại 3 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng).

Các mục tiêu của giai đoạn phòng chống và loại trừ sốt rét đến thời điểm hiện nay đều đạt so với mục tiêu chung của Bộ Y tế về việc phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Bình Phước có 2/11 huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí bền vững loại trừ bệnh sốt rét là thành phố Đồng Xoài và thị xã Chơn Thành (theo Quyết định số 08/QĐ-BYT ngày 4-1-2017 về việc phê duyệt lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Công văn số 2662/VSR-KHTH ngày 26-12-2018 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về việc hướng dẫn tiêu chí, hồ sơ xác nhận huyện, tỉnh loại trừ bệnh sốt rét).

Cộng tác viên Dự án RAI3E lấy lam máu và tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập về công tác phòng, chống sốt rét - Ảnh: Quốc Phong

Để đạt được kết quả trên cũng như tiến tới loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng kế hoạch, chiến lược thực hiện phòng chống và loại trừ sốt rét là hết sức cần thiết. Theo đó, 100% ca bệnh sốt rét đã được điều tra, xác minh; ngành y tế dự phòng đã chủ động thực hiện các đợt khám phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, kết hợp với điều tra côn trùng tại các vùng nguy cơ cao; phối hợp tiến hành các đợt can thiệp để PCSR cho người quản lý bảo vệ rừng tại các điểm/chốt canh gác bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Bên cạnh đó tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống sốt rét trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống sốt rét 25-4 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh sốt rét. Cùng với đó tiếp nhận và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư cho công tác phòng, chống sốt rét tại địa phương.

Dự án RAI3E - “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artermisinin giai đoạn 2021-2023” triển khai tại 9 huyện, thị xã với 86 xã, 675 thôn, ấp trên địa bàn tỉnh. Từ việc triển khai dự án, tính riêng 4 năm trở lại đây (2018-2022) và từ đầu năm 2023 đến nay, diễn biến mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, từ 1.245 ca (năm 2018), còn 330 ca (năm 2019), năm 2022 còn 10 ca, năm 2023 còn 5 ca, trong đó có 2 ca ngoại lai. Tỷ lệ sốt rét ác tính chiếm 0,6%; tử vong do sốt rét chiếm 0,05%. Không có dịch sốt rét xảy ra. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có ca SRAT và tử vong do sốt rét. Trên cơ sở đó, ngành y tế Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 loại trừ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, đến năm 2030 loại trừ sốt rét toàn tỉnh.


Không chủ quan với bệnh sốt rét

Tuy đạt được những thành công nhất định, song do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có tác động đến tình hình bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tính, đặc biệt xuất hiện muỗi kháng hóa chất tại một số vùng nên hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét cũng gặp không ít khó khăn. Với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động phòng chống sốt rét, ưu tiên vùng sốt rét lưu hành, sốt rét kháng thuốc và có nhiều đối tượng nguy cơ cao; nhanh chóng đẩy lùi bệnh sốt rét, không để dịch sốt rét xảy ra, đến năm 2025 đạt tỷ lệ mắc ký sinh trùng sốt rét còn dưới 0,015/1.000 dân, không còn tử vong do sốt rét; không còn ký sinh trùng sốt rét nội địa plasmodium falciparum; loại trừ sốt rét tại 6 huyện/thị/thành phố và đến năm 2030 loại trừ sốt rét tại các huyện còn lại, ngành y tế tỉnh tiếp tục tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong giai đoạn phòng, chống và loại trừ sốt rét tới cộng đồng bằng các phương pháp tuyên truyền thích hợp, đặc biệt truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho đối tượng có nguy cơ cao. Loại bỏ tư tưởng chủ quan coi nhẹ công tác phòng, chống sốt rét ở vùng sốt rét đã giảm thấp.

 Duy trì hoạt động có hiệu quả các điểm kính hiển vi nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị sớm, đúng hướng dẫn theo chủng loại ký sinh trùng tại cơ sở. Phát hiện bệnh bằng test chẩn đoán nhanh, đặc biệt tại các xã trọng điểm sốt rét vùng sâu, vùng xa các cơ sở y tế.

Áp dụng các thuốc điều trị sốt rét mới, tập trung cho phòng, chống sốt rét do P.falciparum kháng thuốc Artemisinin và dẫn chất; đảm bảo cung cấp đủ thuốc sốt rét theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, không để thiếu thuốc ở các cơ sở điều trị. Giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và quản lý ca bệnh với các hoạt động được thực hiện dựa trên điều tra dịch tễ và phân loại ca bệnh sốt rét, xác định ổ bệnh. Định kỳ tập huấn hướng dẫn giám sát, xét nghiệm chẩn đoán sốt rét cho cán bộ y tế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy lam máu phát hiện sớm cho các đối tượng có nghi ngờ sốt rét, dân di biến động. Đặc biệt vào các tháng đỉnh bệnh sốt rét; chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị sốt rét tại bệnh viện và các cơ sở y tế. Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ quy định, không để xảy ra tử vong do bệnh sốt rét.

Tập trung phát triển, củng cố và duy trì mạng lưới y tế cơ sở tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn/bản, y tế tuyến xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...; đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng phòng, chống sốt rét, khả năng quản lý và kiểm soát được diễn biến bệnh sốt rét trên địa bàn quản lý.

Các hoạt động trọng tâm

Đảm bảo toàn bộ người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét kịp thời đối với cả cơ sở y tế công lập và tư nhân. Đảm bảo người dân trong vùng nguy cơ được bảo vệ bằng các hiện pháp phòng chống véc tơ thích hợp. Nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch tễ bệnh sốt rét và đảm bảo năng lực đáp ứng dịch sốt rét. Nâng cao kiến thức và hành vi của người dân để tự chủ động bảo vệ cá nhân trước bệnh sốt rét. Quản lý, điều phối hiệu quả chương trình phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét quốc gia và thực hiện loại trừ tại các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành.


Với các giải pháp đồng bộ, tích cực, đặc biệt là sự hỗ trợ của các dự án phòng, chống sốt rét do Trung ương triển khai tại tỉnh, các mục tiêu về phòng, chống sốt rét trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

  • Từ khóa
195383

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu