Thứ 3, 30/04/2024 19:16:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:36, 15/04/2024 GMT+7

Giá trị thiêng liêng của lời thề

Đức Hiến
Thứ 2, 15/04/2024 | 09:36:00 1,168 lượt xem
BPO - Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng từng mang nặng một lời thề nào đó bắt nguồn từ niềm tin và những điều thiêng liêng nhất trong trái tim mình. Đối với đảng viên, trong giây phút thiêng liêng được kết nạp vào Đảng, đọc lời tuyên thệ suốt đời vì Đảng, vì nước, vì dân, nhưng rất tiếc không ít người đã vi phạm lời thề. Điều này đã làm mất niềm tin của nhân dân đối với họ, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của Đảng, cần có biện pháp tự soi, tự sửa và khắc phục.

Lời thề là sự cam kết của người vào Ðảng

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, một nghi thức rất quan trọng khi vào Đảng Cộng sản Việt Nam đó là lời thề trước Đảng. Lời thề trước Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, là quyết tâm chính trị của người đảng viên. Thực tế trong cuộc sống chúng ta cũng có rất nhiều lời thề và điều tệ hại nhất với mỗi con người, bi kịch lớn nhất trong mỗi con người là giữa lời nói và việc làm không thống nhất với nhau. Giữa lời thề và hành động không nhất quán. Và nếu như vậy chúng ta không còn đủ tư cách của người đảng viên. Lời thề ấy khẳng định đạo đức của người cán bộ cách mạng và trách nhiệm của người đảng viên.

PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, chính vì lời thề ấy mà biết bao chiến sĩ, đảng viên, các bậc tiền bối, cha, chú chúng ta đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và ngay trong lao tù của đế quốc, thực dân tàn bạo nhưng vẫn quyết tâm học tập, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên.

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm “Giữ trọn lời thề đảng viên” do Ðài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024)

Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Đăng Lê Xuân Hải cho rằng: Lời thề khi vào Đảng như một sự cam kết của người đảng viên. Lời thề còn là niềm tin, quyết tâm cao của người đảng viên. Lời thề ấy theo ta suốt cuộc đời, ngay cả trong lúc gian nan, khổ cực nhất của cuộc cách mạng. Là đảng viên đừng xem thường lời thề trước Đảng, phải thường xuyên rèn luyện, soi mình và phải biết giữ trọn lời thề đó.

PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, một nhiệm vụ hết sức quan trọng của người đảng viên là phải học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lý tưởng của Đảng ta là giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để, vì thế mỗi đảng viên phải học tập, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì Đảng ta là Đảng của trí tuệ, của đạo đức và văn minh. “Ý nghĩa lớn lao của lời thề là khi đã thề rồi thì phải kiên quyết giữ vững lời thề đó, bằng trách nhiệm của mình. Ở vị trí nào cũng phải hoàn thành thật tốt, thật sáng tạo. Xung quanh chúng ta có rất nhiều đảng viên tốt. Có những đảng viên lời thề trước Đảng và hành động không giống nhau dẫn đến bị tha hóa vì không giữ đúng lời thề trước Đảng” - PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng cho hay.

Vào Ðảng phải có động cơ trong sáng

Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi rất rõ: Nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực hiện nay chính là từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc không giữ đúng lời thề là sự suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng, đạo đức, lối sống, và đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và tiêu cực.

Vấn đề quan trọng nhất là phải xem xét động cơ vào Đảng của cán bộ, đảng viên. Vào Đảng là để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” như Bác Hồ đã nói. Do đó, động cơ vào Đảng là cực kỳ quan trọng. “Trong lựa chọn đảng viên, chúng ta phải tính toán rất kỹ về mặt tiêu chuẩn, chất lượng đảng viên. Đặc biệt, động cơ vào Đảng phải thực sự trong sáng” - PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Đăng Lê Xuân Hải: Không ít người có động cơ, mục đích vào Đảng thiếu trong sáng, nên khi được kết nạp vào Đảng không lâu thì “quên” lời thề trước cờ Đảng, trước chi bộ, trước nhân dân. Một bộ phận không nhỏ đảng viên không chịu được gian khổ, khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị... đã phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Việc tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu công tâm, thậm chí sợ bị trù dập, sợ “đấu tranh, tránh đâu”... nên không dám nói thẳng, nói thật. Trong thực tế, không ít đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình, làm cho cán bộ, đảng viên đó tiếp tục sai phạm, khuyết điểm lớn hơn, trầm trọng hơn...

Phải làm tốt công tác lựa chọn cán bộ

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, vào Đảng là sự tự nguyện của mỗi cá nhân, là khát vọng, niềm tin, lý tưởng, không ai bắt buộc. Để lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân được hiện thực trong cuộc sống, giải pháp đầu tiên là lựa chọn cán bộ, động cơ vào Đảng, phải làm sao cho cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần lý tưởng cách mạng, nó như máu thịt của mình. Cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm điểm, có kế hoạch cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo được đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên”.

PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, để xứng đáng với lời tuyên thệ trước Đảng, trước tổ chức và nhân dân, ngoài việc mỗi cán bộ, đảng viên tự rà soát, soi rọi, nhìn nhận, đánh giá lại quá trình học tập, công tác và cống hiến của bản thân, cấp ủy đảng các cấp cần coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện lời thề trước Đảng, lời tuyên thệ trước tổ chức; xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mặt khác, cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy; nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch và vững mạnh tổ chức Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Đăng Lê Xuân Hải mong muốn: Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp phải tự khép mình vào tổ chức, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự nguyện chấp hành kỷ luật của Đảng, nêu gương tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”, tự phê bình, “tự soi, tự sửa” việc thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, thực hiện bản cam kết học tập và làm theo Bác, thực hiện lời thề của mình khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam để tránh đi vào những “vết xe đổ”; nếu đã trót “nhúng chàm” thì phải “tự giác gột rửa”.

  • Từ khóa
194276

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu