Thứ 7, 27/07/2024 10:30:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:04, 22/02/2024 GMT+7

Chân mình còn lấm bề bề

Ma Văn Kháng
Thứ 5, 22/02/2024 | 09:04:32 2,218 lượt xem

1. “Chân mình còn lấm bề bề. Lại đem bó đuốc đi rê chân người”. Nếu tôi không lầm thì người đầu tiên gần đây hay nhắc đến 2 câu ca dao này là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhắc đi nhắc lại 2 câu ca dao này, trong các bài nói, bài viết về xây dựng Đảng, người đứng đầu Đảng ta có ý nhắc nhở các vị lãnh đạo, hãy làm gương sáng về đạo đức, phẩm chất trước rồi hãy đi dạy bảo người khác. Quả thực, 2 câu ca dao phổ biến trong dân gian nêu trên có hình tượng thật hóm hỉnh và cũng thật ngộ nghĩnh. Nó mỉa mai kẻ không tự biết mình. Đã lấm lem, bẩn thỉu lại còn muốn làm thầy đi dạy bảo người sạch sẽ. Thật là một việc làm tréo ngoe. Thật là không biết dơ. Thật là một nghịch lý đáng bị chê cười. Thậm chí cần phải phê phán.

 2 câu ca dao ấy khiến ta nhớ đến nhiều vụ đại án gần đây. Đặc biệt là vụ đại án xảy ra ở SCB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn). Đặc biệt ở chỗ nào? Ở chỗ, chính người đi thi hành luật pháp lại vi phạm pháp luật. Chính người đi thực thi việc chống tham nhũng, tiêu cực lại dính vào tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Chính người có trách nhiệm cầm đuốc đi soi chân người mà chân mình lại bê bết bùn dơ. Cụ thể là:

Trong quá trình làm công tác thanh tra ở SCB từ năm 2017, để bưng bít cho những sai lầm “khủng” của đơn vị này, cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tới mức cao nhất tính đến thời điểm hiện tại, những… 5,2 triệu USD. Phó trưởng Đoàn thanh tra Nguyễn Thị Phụng nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng tiền Việt… Các thành viên còn lại, gồm 24 người, đều nhận tiền từ SCB. Người nhiều nhất là 8,7 tỷ đồng. Người ít nhất là 100 triệu đồng tiền Việt.

 2. Vụ án ở SCB cho ta nhận thức thêm điều gì?

Hiển nhiên rồi, một lần nữa ở đây, đồng tiền đã thể hiện sức cám dỗ ghê gớm và mãnh lực vạn năng của nó. Nó làm “thất điên bát đảo” cả một hệ thống tổ chức với chức phận thiêng liêng cao cả đã được xác tín. Oai vọng uy nghiêm của quan chức thanh tra đã hoàn toàn bị xóa sổ. Người “gác cổng” mẫn cán đã bị vô hiệu hóa. Tấm “lá chắn” ngăn trở sự tha hóa đã mất hết tác dụng. Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê. Chân lý đã bị đảo lộn. Trắng biến thành đen. Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Kim ngân phá luật lệ, có tiền mua tiên cũng được. Nếu không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền.

Vụ án còn làm lộ diện điều hệ trọng gì nữa? Một lần nữa, vụ án là dịp khiến dư luận một lần nữa không khỏi nghi ngờ, băn khoăn về tệ nạn hạch sách, nhũng nhiễu, nỗi ám ảnh của các đối tượng bị thanh tra do các quan chức ngành này gây nên.

Trong bài viết nhan đề “Thanh tra nhận hối lộ” in trên Góc nhìn VnExpress ngày thứ Sáu 1-12-2023, Tiến sĩ Khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang viết: “Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, trung bình 14% số doanh nghiệp được hỏi phải trả “chi phí không chính thức” cho các đoàn thanh tra, với khoảng 7,4% tiếp đón nhiều hơn 3 đoàn thanh tra mỗi năm. Điều này cho thấy, dù đây là những hoạt động cần thiết, không loại trừ việc một số cán bộ lợi dụng quyền hạn để gây khó dễ và vòi vĩnh doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà người dân thường hay đùa với nhau rằng: Thanh “cha”, thanh mẹ, thanh gì? Hễ có phong bì thì nó... thanh kiu”.

 3. Vụ án làm rúng động dư luận xã hội? Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ căm phẫn đòi hỏi pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội. Tác giả nguyenminhcanhttbn viết: Tôi có 42 năm công tác thì hơn 32 năm là thanh tra viên, đã nghỉ hưu 4 năm, đọc được những tin này thấy phẫn nộ và buồn vì ngành của mình bị bêu rếu quá. Nhưng đó là sự thật.

Còn trong bài viết nêu trên của mình, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang đặt vấn đề “phải làm gì để đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng trình tự pháp luật, liêm chính và minh bạch? Hay nói cách khác, ai sẽ gác người gác cổng?”. Và tác giả cho rằng, giải pháp dễ nhìn thấy nhất là tạo ra cơ chế mới giám sát các hoạt động thanh tra. Nói đơn giản là thành lập những đơn vị “thanh tra của thanh tra”. Giải pháp thứ hai là tạo dựng khung cơ chế để đảm bảo hoạt động thanh tra thực hiện đúng và đủ chức năng nhiệm vụ. Và giải pháp thứ ba - giám sát từ nhân dân. Quyền gác cổng cuối cùng thuộc về người dân.

Ai sẽ gác người gác cổng? Đã có người đóng vai “tai mắt của trên, người bạn của dưới” rồi. Nay lại phải có thêm người coi chừng người đó để người đó không làm bậy. Trớ trêu làm sao! Vì như vậy thì biết tin vào ai bây giờ? Tiếc thay, đó lại là sự thật và sự thật này trước hết đụng chạm đến lòng tự trọng và nỗi buồn của người trong cuộc. Như tâm sự của tác giả nguyênminhcanhttbn nêu trên.

Thật ra, trong lịch sử nước ta, trước hay nay cũng vậy, bên cạnh các chiêu trò tham quan ô lại, ăn đút ăn lót, không thiếu các tấm gương thanh liêm chính trực. Như Pháp quan Đại an Phủ Kính sư Trần Thì Kiến (1260-1330) đời Trần. Quan thượng thư Nguyễn Duy Thì (1562-1642), người Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, thời Lê Mạt. Chưởng quản Lục bộ (Thủ tướng) Nguyễn Văn Giai (1553-1628), người làng Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Quốc lão Phạm Công Trứ (1600-1675), người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Những vị này, trong lúc quyền chức trong tay vẫn liêm khiết, “chí công vô tư” hết mức. Họ không bao giờ nhận biếu xén, hối lộ từ những đãi đằng cỗ bàn ăn uống, lễ vật thông thường, tới vàng bạc, châu báu. Như Nguyễn Duy Thì đã có lần kiên quyết từ chối hai ngàn lạng vàng. Như Phạm Công Trứ sau khi biết lỡ ăn một bữa chả chim thết đãi của người mắc tội, liền móc họng nôn ra hết.

Xem ra thì những tấm gương liêm chính từ xưa đến nay đâu có phải chỉ vì những vị này chịu áp lực của pháp luật, của dư luận? Đâu có phải vì sợ bị người đời nguyền rủa, chê bai. Đâu có phải chỉ vì sợ bị trừng trị quơ phạt mà họ phải ép mình trở nên tốt đẹp. Tất nhiên, với cái nhìn thực sự cầu thị, đúng là có chuyện “đói ăn vụng, túng làm càn”, “bần cùng sinh đạo tặc” (cho nên có vấn đề phải nâng cao mức sống, thu nhập cho viên chức nhà nước). Tuy nhiên, nhìn về căn bản, thì cùng với việc đó, quan trọng bậc nhất, để bớt đi những bàn chân bùn lấm bê bê vẫn là thực hiện một cuộc chấn hưng văn hóa, tức dùng cái đẹp để nâng con người lên một tầm cao mới. Bệnh ở đâu thì chữa đúng chỗ đó. Ngã ở đâu thì đứng dậy từ chỗ đó. Là bởi vì, tất cả thực chất đều là xuất phát từ đạo đức, lương tri của con người. Đều bắt đầu từ tinh thần tự giác tự nguyện, được dẫn dắt bằng phẩm cách đạo lý soi đường. Tôi không ăn đút lót, không phải vì tôi sợ bị phát giác. Chân tôi đã lấm lem thì tôi phải xấu hổ. Vậy tôi phải giữ cho sạch thì tôi mới xứng đáng là con người thực thi công vụ này. Không phải làm thế thì tôi được mọi người ca ngợi, được khen thưởng. Không! Giản dị thôi, lối sống cao quý của con người tự nhiên khiến tôi phải làm vậy. Lòng tự trọng, vì danh dự và phẩm giá của con người, nhất là của người đảng viên cộng sản, người được tin cậy giao phó đảm nhiệm chức vị cao quý đáng kiêu hãnh này, khiến tôi thấy cần phải như thế. Cần phải như thế! Đạo đức luôn mang hình thức mệnh lệnh tự nhiên của con tim, hoàn toàn không bị chi phối bằng tự ái hoặc tư lợi. Đạo đức! Trước hết phải có nó. Và cùng với nó là khí phách để thực hiện đạo đức đó.

Như vậy thì có thể nói, với phương châm “tự soi”, “tự sửa”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Đảng ta đặt ra hiện nay cho mỗi đảng viên, thì người gác cổng, không phải là ai khác, chính là ta, là con người bên trong ta, người mang danh hiệu đảng viên cao quý của thời đại.

  • Từ khóa
189947

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu