Thứ 6, 10/05/2024 12:13:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:32, 14/03/2022 GMT+7

Vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay

Thứ 2, 14/03/2022 | 14:32:00 5,770 lượt xem

Ông NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có vai trò hết sức quan trọng cấu thành hệ thống tổ chức và hoạt động của Đảng; là cơ sở để cấp ủy đảng các cấp định hướng các nội dung trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ cấp xã hiện nay.

Không ngừng phấn đấu xây dựng, trưởng thành

Ngày 6-11-1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Trong đó, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Khi tái lập, Đảng bộ tỉnh Bình Phước có 8.200 đảng viên thuộc 5 đảng bộ huyện và 7 đảng ủy trực thuộc.

Ngay sau khi tái lập, hội nghị Tỉnh ủy lâm thời lần thứ nhất đã phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành tập trung mọi lực lượng nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất; nắm chắc đặc điểm tình hình, huy động mọi nguồn lực tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh; từng bước củng cố, bổ sung đội ngũ cán bộ làm việc có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu xây dựng tỉnh mới tái lập.

Qua 25 năm tái lập, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng phấn đấu xây dựng và trưởng thành. Hiện nay, tỉnh Bình Phước có dân số hơn 1 triệu người, Đảng bộ tỉnh có 21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (11 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố; 3 đảng bộ lực lượng vũ trang; 1 đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp và 6 đảng bộ công ty cao su), 740 tổ chức cơ sở đảng (263 đảng bộ cơ sở, 477 chi bộ cơ sở), 2.419 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 37.375 đảng viên. Tổng số đảng viên sinh hoạt nơi cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị là 23.080 đồng chí. Trên cơ sở đó, tổ chức bộ máy đi vào hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu, giúp việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp nhằm tham mưu cấp ủy huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và kiểm tra, giám sát về công tác xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cấp ủy huyện.

Nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở

Từ khi tái lập đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm, chăm lo xây dựng và phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh và luôn xác định “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Các tổ chức cơ sở đảng được thành lập tại đơn vị cơ sở hành chính sự nghiệp, đơn vị kinh tế hoặc tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam có quy định riêng.

Tổ chức đảng bao gồm các cấp từ tỉnh đến cơ sở, (thành phố, huyện, thị xã và tương đương; xã, phường, thị trấn và tương đương). Ở các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, tùy thuộc số lượng đảng viên chính thức hiện có mà có thể thành lập đảng bộ hoặc chi bộ. Chi bộ, đảng bộ cấp xã (phường, thị trấn) chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng bộ cơ sở các huyện và chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của địa phương, đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của địa phương và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả; chủ động và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng hệ thống chính trị ở đơn vị cơ sở vững mạnh, xã, phường, thị trấn giàu đẹp, văn minh”.

Tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân, là khâu trọng yếu để duy trì mối liên hệ của Đảng với nhân dân; là tổ chức gần dân nhất, trực tiếp lãnh đạo nhân dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để phản ánh với Đảng. Dân tin Đảng, theo Đảng hay không là nhờ ở vai trò rất quan trọng, trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, của cán bộ, đảng viên tại cơ sở.

Tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ xã, phường, thị trấn có các nhiệm vụ: lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng; lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ, chi bộ và công tác tổ chức, cán bộ; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; lãnh đạo xây dựng chính trị cơ sở.

Tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh được xác định là một đội ngũ thống nhất về chính trị, tư tưởng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có tổ chức chặt chẽ, khoa học. Tính tổ chức của Đảng thể hiện trước tiên ở chỗ Đảng là một hệ thống chặt chẽ có tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong hệ thống đó, các tổ chức cơ sở đảng bao gồm chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở lập thành nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Theo Điều lệ Đảng, ở xã, phường, thị trấn có từ 3 đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp ủy cấp huyện); ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ 3 đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở)…”; "Tổ chức cơ sở đảng dưới 30 đảng viên, lập chi bộ cơ sở, có các tổ đảng trực thuộc. Tổ chức cơ sở có từ 30 đảng viên trở lên lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng ủy". Điều 10 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: "Tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh…". Điều lệ Đảng cũng có quy định riêng cho tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam. Như vậy, tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ tỉnh gồm chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở. Đảng bộ cơ sở có 2 loại: Đảng bộ cơ sở có các chi bộ trực thuộc; Đảng bộ cơ sở có đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc. Các tổ chức cơ sở đảng đều có cấp ủy cấp trên trực tiếp. Ví dụ: huyện ủy là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ở xã, thị trấn thuộc huyện đó. Ngoài ra, nếu được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý, trong một số tổ chức cơ sở đảng còn có đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở. Trong đảng bộ bộ phận có các chi bộ trực thuộc.

Thể hiện toàn diện, cụ thể mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân

Với tư cách là nền tảng của Đảng, tổ chức cơ sở đảng có vai trò rất quan trọng đối với sự vững mạnh của Đảng. Đây là cấp tổ chức cuối cùng trong hệ thống tổ chức 4 cấp của Đảng ta, là cấp tổ chức sâu rộng nhất, gắn với các đơn vị cơ sở trên toàn lãnh thổ và các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng tới từng cơ sở, từng đảng viên và người dân. Là hạt nhân chính trị ở cơ sở, tổ chức cơ sở đảng là nơi thể hiện toàn diện, trực tiếp và cụ thể nhất mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp thực hiện và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, nhằm khơi dậy nguồn lực trí tuệ của nhân dân. Đồng thời, góp phần kiểm nghiệm, bổ sung đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là nơi trực tiếp tiến hành các hoạt động quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển Đảng, như kết nạp, quản lý, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc đảng viên; nơi đảng viên thường xuyên thực hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt; nơi xuất phát đề cử, cung cấp cán bộ ra cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.

Từ cách tiếp cận nêu trên, có thể quan niệm: Tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn Bình Phước là một bộ phận tổ chức cơ sở được tổ chức ở các xã, phường, thị trấn theo quy định của Điều lệ Đảng và Ban Chấp hành Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng ủy các huyện, là hạt nhân chính trị ở cơ sở; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của địa phương và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả; chủ động và phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức liên quan để xây dựng hệ thống chính trị ở đơn vị cơ sở vững mạnh, xã hội giàu đẹp, văn minh.

(còn nữa)

  • Từ khóa
138362

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu