Thứ 5, 09/05/2024 17:45:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:43, 22/06/2020 GMT+7

Nghề báo trong tôi

Minh Luận
Thứ 2, 22/06/2020 | 14:43:00 328 lượt xem
BPO - Hơn 10 năm gắn bó với nghề, thời gian chưa phải là dài nhưng đủ để tôi thấy rằng nghề báo vinh quang, đầy đam mê nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0.

TRƯỞNG THÀNH TỪ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nếu có người hỏi thích điều gì nhất trong nghề nghiệp của mình, tôi sẽ chẳng do dự mà trả lời rằng đó là những chuyến đi. Dù là đi trong ngày, ngắn ngày hay dài ngày đều mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Có những chuyến đi không đơn thuần chỉ là để thu thập thông tin viết bài, tìm đề tài, mà qua đó người làm báo chúng tôi được khám phá, trải nghiệm, được thỏa sức giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của mình, từ đó có cái nhìn mới về nghề, về cuộc sống.

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng - Ảnh: Thùy Hương

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, 111 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, có lẽ không có nơi nào mà đội ngũ những người làm báo chúng tôi chưa đặt chân đến. Còn nhớ như in, cách đây khoảng 9 năm, tôi có chuyến đi đầy ấn tượng khi về xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng. Đường từ Đồng Xoài về xã Đăng Hà lúc bấy giờ nổi tiếng là khó đi. Tôi phải mất khoảng 4-5 giờ mới tới nơi. Do chưa có nhiều kinh nghiệm căn giờ, nắm địa hình, điều kiện thời tiết nên tác nghiệp bị chậm trễ, đến khi vào vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên để tiếp tục thu thập thông tin viết bài thì trời đổ mưa. Đường từ UBND xã Đăng Hà vào vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi có các hộ dân tộc Dao sinh sống nhiều đoạn lầy lội, trơn như đổ mỡ. Để vào đến nơi phải chạy qua nhiều đồi dốc, suối đá… Thế nhưng, với đam mê nghề, tôi quyết tâm đi là phải hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. Vừa đi tôi vừa mong ước trời đừng mưa, hoặc có ai đó giúp. Và tôi đã may mắn gặp được một cán bộ kiểm lâm rồi nhờ anh gửi xe lại nhà dân, chở tôi vào vùng lõi của vườn. Đồng bào Dao sinh sống trong vùng lõi lúc bấy giờ chỉ hơn chục nóc nhà. Cuộc sống các hộ dân còn nhiều khó khăn, nhưng họ tiếp đón cán bộ kiểm lâm và phóng viên rất nghĩa tình, thật thà. Ngoài nhiệt tình cung cấp thông tin, đồng bào còn mời chúng tôi ở lại ăn cơm, có gì ngon cũng đưa ra đãi khách. Ra về, tôi còn được người dân tặng bó rau rừng và vài cái bánh làm từ bột bắp mang đặc trưng của đồng bào Dao. Xong việc cũng là lúc trời nhá nhem tối. Chặng đường về Đồng Xoài đầy cam go thử thách. Tôi lại nhờ và được cán bộ kiểm lâm đưa ra đến ngã ba Sao Bọng - Đăng Hà lúc khoảng hơn 19 giờ. Một mình tôi lặng lẽ chạy xe máy về Đồng Xoài. Đường xa, hun hút màn đêm, vừa đi, tôi vừa nghĩ đến những rủi ro trên đường, rồi khóc và thầm nghĩ: “Ôi! Nghề gì mà khổ quá đi!”… Công việc của những phóng viên như chúng tôi liên tục phải trải qua tháng ngày như thế. Thế nhưng, khi đã yêu và gắn bó với công việc thì gần, xa không còn quan trọng nữa, cứ có thông tin là xách ba lô lên và đi.

NHIỀU KHÓ KHĂN, THỬ THÁCH

Theo nghiệp cầm bút hơn 10 năm, tôi may mắn được trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, tham gia tác nghiệp ở nhiều sự kiện, diễn đàn. Mỗi sự kiện dù lớn, dù nhỏ, áp lực về mặt thông tin và thời gian là điều mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải trải qua. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, mỗi phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tác nghiệp, truyền tải thông tin trên 4 loại hình báo chí. Không cần lý do khách quan hay chủ quan, cứ đúng giờ quy định là phải gửi tin, bài, ảnh. Không kịp thời, đúng hẹn coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi đằng sau đó là cả một ê-kíp hậu kỳ, từ biên tập đến xuất bản, phát sóng… Trễ một khâu là kéo theo cả dây chuyền cùng trễ.

Một áp lực không hề nhỏ đối với nhà báo trong giai đoạn hiện nay là việc chạy đua với thiết bị công nghệ và mạng xã hội. Mạng xã hội, nơi cung cấp nguồn thông tin vô hạn, tuy nhiên cũng là “cái bẫy” đối với người làm báo. Đã có không ít tờ báo, nhà báo, phóng viên “vấp” phải rủi ro khi khai thác thông tin từ mạng xã hội mà thiếu suy xét, kiểm chứng hoặc vội vã đăng tin với mục đích “câu like”, quảng cáo, thu hút người đọc, tạo ấn tượng... Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, khi người dân có nhiều kênh, nhiều loại phương tiện thiết bị để cập nhật thông tin, đòi hỏi người làm báo phải nhanh nhạy, liên tục thay đổi, “làm mới” trong việc đưa thông tin đến với người dân. Nhà báo không đơn thuần chỉ là người dùng công cụ để đưa tin, người quan sát thời cuộc, truyền tải sự kiện mà còn phải biết xử lý, thẩm định và truyền tải tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Từ đó giúp công chúng nhận thức đầy đủ, đúng bản chất các vấn đề, sự việc và có thái độ, hành động phù hợp.

Ngoài ra, nhà báo phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, bị thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp; bị tấn công gây thương tích, trả thù… và vô số việc làm khác ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể xác. Có thể nói, để có được sản phẩm là những bài báo, tờ báo, tác phẩm truyền hình mà độc giả cầm trên tay, thưởng thức đôi khi có cả máu, mồ hôi và nước mắt của những người làm báo.

Bên cạnh áp lực công việc, cũng như bao con người bình thường khác, nhà báo cũng có gia đình để lo, để chăm sóc. Thế nhưng, công việc của người làm báo không theo giờ hành chính, đặc biệt là đối với nhà báo nữ, khi vừa phải đảm bảo công việc trong guồng quay chóng mặt của thông tin, vừa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt và các mối quan hệ trong gia đình. Vì lý do công việc, những người làm báo đôi khi trở về nhà lúc đêm đã khuya, cơ thể đã mệt mỏi, rã rời, ăn uống qua loa rồi lại vùi đầu vào bài viết, mải mê với tài liệu, với những suy tư, phân tích… Thế nhưng, khi đã chọn và gắn bó với nghề thì những áp lực, vất vả đó lại là cơ hội, là cách để người làm báo thỏa đam mê: Được đi và được viết.

  • Từ khóa
95463

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu