Thứ 3, 16/04/2024 17:59:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:16, 12/11/2014 GMT+7

Vị trí tiền tiêu của đảo Tiên Nữ

Thứ 4, 12/11/2014 | 09:16:00 2,530 lượt xem

BP - Cái tên “Tiên Nữ” gắn với truyền thuyết: khi xưa, biển Đông quanh năm nổi sóng gió. Trời thương những con tàu bé nhỏ ra khơi trong vô vọng, nên sai một nàng tiên bay đến giữa biển. Có nàng tiên ở đó, giông gió cũng thôi thét gào, trời biển cũng hiền hòa hơn. Nơi nàng tiên bay xuống, hình thành một bãi cạn, người ta gọi là bãi Tiên Nữ. Đảo Tiên Nữ ngày nay cách đất liền gần 400 hải lý, là nơi duy nhất của Việt Nam đón nhận tia nắng bình minh đầu tiên. Những người lính đang làm nhiệm vụ trên hòn đảo này, nhìn thấy mặt trời lên trước đất liền gần một tiếng đồng hồ.

Ngọn hải đăng ở đảo Tiên Nữ - Ảnh internet

Đảo đá Tiên Nữ có vị trí rất quan trọng, nằm trong khu vực 3 của quần đảo Trường Sa. Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh và một số đảo ở phía Nam của quần đảo Trường Sa khoảng cách không xa, thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đảo và là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương ra đánh bắt hải sản trong khu vực này. Là đảo nằm ngoài cùng của sườn phía đông quần đảo Trường Sa, Tiên Nữ như một vị trí tiền tiêu của quần đảo, là nơi phát hiện mục tiêu từ xa và cùng với các đảo khác trong quần đảo tạo thành lá chắn bảo vệ sườn phía đông của đất nước. Điều kiện thời tiết, thủy văn của đảo Tiên Nữ khá mát về mùa hè, ấm về mùa đông; có hai mùa mưa và khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Đây là thời kỳ sóng biển tương đối êm ả, ít giông bão. Chế độ thủy triều của đảo là nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Lượng mưa phân bố không đều, về mùa khô cả tháng không có một giọt nước, nhưng về mùa mưa có ngày lượng mưa lên tới 300mm. Xung quanh đảo có nhiều loài hải sản như cá ngừ, cá mú, cá tráp, tôm hùm, rùa biển...dễ đánh bắt, khai thác, chế biến phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trên quần đảo Trường Sa hiện có 9 cây đèn biển tại các đảo: Tiên Nữ, Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa lớn. Những ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn và đang ngày đêm khẳng định một điều hiển nhiên: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!. Đèn biển giúp cho tàu thuyền đi đúng hướng, không bị mắc cạn hay vướng vào đá ngầm. Việc xây dựng những đèn biển này theo luật pháp quốc tế là trách nhiệm của quốc gia có biển, vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam, được cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế.

Hiện nay, đảo Tiên Nữ đã được xây dựng nhà ở kiên cố, vững chắc, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đảo đã được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Trên đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật... Là nơi xa đất liền nhất nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ với tình yêu biển, đảo luôn gắn bó đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những người lính ở những đảo nổi trong quần đảo Trường Sa thì những loại cây xanh như bàng vuông, phong ba... là những lá chắn sóng gió hiệu quả, tạo cảnh quan, tỏa bóng mát, nhưng ở những đảo chìm như Tiên Nữ, xung quanh là san hô, giữa là một công trình quân sự kiên cố thì để có được màu xanh, cán bộ chiến sĩ nơi đây chỉ có thể trồng cây trong chậu.

Từ cuối năm 1987, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến hoạt động trong khu vực quần đảo. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân xác định, phải nhanh chóng tổ chức lực lượng đóng giữ thêm một số đảo, bãi đá ở Trường Sa. Giữa mùa biển động, vượt qua sóng to gió lớn, ngày 25-1-1988, tàu HQ 613 của vùng 4 Hải quân đưa Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 đến đảo Tiên Nữ dựng nhà cao chân và tổ chức bảo vệ đảo. Năm 2000, đèn biển đảo Tiên Nữ được thiết lập ở vị trí cách điểm đảo khoảng 2,9 hải lý về phía đông bắc. Đèn biển đảo Tiên Nữ có tâm sáng ở độ cao 20,5m, tầm hiệu lực ánh sáng ban ngày 14 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng ban đêm 15 hải lý.(*)

Trong những năm qua, với sự nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen; Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu: “Đơn vị quyết thắng”. Với thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, đảo Tiên Nữ đã được bộ Tư lệnh Hải quân và tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen.

Thế Nhàn
(*) Tài liệu tham khảo “Lịch sử Quân chủng Hải quân”

  • Từ khóa
111201

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu