Thứ 5, 02/05/2024 04:49:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:49, 29/03/2020 GMT+7

Đa dạng hình thức dạy học

Phạm Quang
Chủ nhật, 29/03/2020 | 14:49:00 563 lượt xem
BPO - Bình Phước hiện có 32 trung tâm học tập cộng đồng; 167 trường tiểu học, 107 trường THCS, 35 trường THPT công lập, trong đó 8 trường THCS&THPT. Hiện dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhiều trường học trong tỉnh đã chủ động triển khai các hình thức dạy học qua mạng xã hội, trên truyền hình... Qua đó nhằm giúp học sinh hệ thống lại kiến thức trong thời gian chưa thể đến trường. Các trường không đưa kết quả học online vào đánh giá kết quả học tập cuối năm.

Từ ngày 23-3, Ban giám hiệu Trường THCS Phước Minh, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập đã triển khai cho giáo viên chủ nhiệm lập các nhóm trên mạng xã hội Zalo hoặc Facebook, Messenger kết nối với phụ huynh để tiện trao đổi tài liệu ôn tập nhằm giúp học sinh không bị quên kiến thức. Cô Nguyễn Linh Giang, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A6, cũng đã kết nối với các giáo viên bộ môn soạn và tổng hợp kiến thức, gửi qua Zalo để phụ huynh in cho con em ôn tập trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Chia sẻ về khó khăn khi triển khai hình thức dạy học qua mạng xã hội, cô Giang nói: Đa số học sinh của trường ở vùng sâu, xa, chưa có nhiều điều kiện để kết nối mạng; nhiều em phương tiện đi lại còn khó khăn. Việc gửi bài qua Zalo không thuận lợi như mình hỏi - đáp trực tiếp ở trên lớp, vì khi đó các em có thắc mắc phải liên hệ từng thầy cô. Nhà trường cũng đã phân công thầy cô có kinh nghiệm, năng lực soạn những kiến thức trọng tâm để gửi lên Zalo cho các em.

Ban giám hiệu Trường THCS Phước Minh cùng giáo viên chủ nhiệm kiểm tra nội dung kiến thức gửi qua Zalo cho học sinh

Trong buổi làm việc ngày 24-3 với đoàn công tác của Sở GD-ĐT về việc triển khai các hình thức dạy học trong thời gian tạm nghỉ để phòng dịch Covid-19, Ban giám hiệu Trường THCS Phước Minh cho biết: Trường hiện có 19 lớp với 630 học sinh, trong đó 40% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Xã còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc kết nối, sử dụng mạng xã hội còn hạn chế. Ban giám hiệu trường đã phân công địa bàn phụ trách cho các giáo viên. Thầy cô sẽ chủ động in tài liệu học tập, liên hệ với gia đình học sinh để phát cho các em không có tài khoản mạng xã hội. Trường cũng chủ động thông tin qua hệ thống vnEdu cho phụ huynh theo dõi giờ phát sóng trên truyền hình các đài như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai để học sinh có thêm sự lựa chọn ôn tập, củng cố kiến thức.

Ban giám hiệu Trường THCS Phước Minh cùng giáo viên chủ nhiệm kiểm tra nội dung kiến thức gửi qua Zalo cho học sinh

Theo thống kê của Ban giám hiệu Trường THCS Đa Kia (Bù Gia Mập), hiện chỉ có 242/749 học sinh toàn trường tham gia học qua Zalo và Messenger là 243 em, 15 học sinh ôn tập tài liệu gửi trực tiếp. Với các em trong đội tuyển, giáo viên phụ trách ấn định thời gian trong ngày, tuần để trao đổi trực tiếp với học sinh. Riêng khối 9, giáo viên gửi nội dung tất cả môn học; những khối còn lại khuyến khích giáo viên chú trọng các môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hồ Hải Thạch cho biết: Qua thực tế kiểm tra, các trường đã xây dựng được kế hoạch và chủ động ôn tập kiến thức cho học sinh. Một số trường nắm tương đối tốt sĩ số học sinh học trên mạng, đa số học sinh đã tham gia. Sở cũng chỉ đạo, sau khi học sinh đi học trở lại sẽ tổ chức kiểm tra kiến thức để có kế hoạch dạy học cụ thể trong thời gian tiếp theo.

  • Từ khóa
89483

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu