Thứ 4, 15/05/2024 11:56:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:56, 29/04/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2024) VÀ KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ÐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2024)

Giải phóng Miền Nam 30-4 và lời giải cho sự ảo tưởng

Trần Phương
Thứ 2, 29/04/2024 | 10:56:31 2,040 lượt xem

Bài 1:
BỨC TRANH TỪ NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

BPO - Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc cũng như trong thời đại Hồ Chí Minh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ luôn là con đường được nhân dân Việt Nam lựa chọn. Thế nhưng, ở đâu đó, các thế lực thù địch vẫn không ngừng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ điều thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam.

Một trong những luận điệu ấy, mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), thế lực phản động, thù địch bằng nhiều cách khác nhau, lại tiếp tục gieo vào tâm trí công chúng: Sài Gòn từng là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nếu không có giải phóng 30-4-1975, miền Nam bây giờ sẽ giàu có như Hàn Quốc hiện nay (!?). 

Tròn 5 năm trước, nhân dịp kỷ niệm 44 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Bình Phước đăng loạt bài “Vọng tưởng “nếu không… sẽ như Hàn Quốc bây giờ””. Loạt bài đã đi sâu phân tích và vạch trần quan điểm này. 

Hôm nay, 49 năm, hướng tới tròn nửa thế kỷ trôi qua, cả dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế vẫn tiếp tục khẳng định: Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 không chỉ là trang sử hào hùng bậc nhất của dân tộc Việt Nam mà còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc với cả thế giới. Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước năm 1975 đã mở ra một trang sử vàng mới của thời đại Hồ Chí Minh, tạo nền tảng “Vững như bàn thạch” cho Việt Nam bứt phá vượt lên chinh phục các đỉnh cao phát triển mới về mọi mặt.

Trưa 30-4-1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 của Quân Giải phóng cùng tiến vào húc đổ cổng phụ, cổng chính và cắm cờ trên nóc dinh Độc lập - cơ quan đầu não cuối cùng của chính quyền Sài Gòn - Ảnh: Tư liệu

Thế nhưng đến nay, ở đâu đó vẫn còn những tiếng nói lạc loài.  Với thủ đoạn “Mưa dầm thấm lâu”, “Tâm lý chiến” hết sức nguy hiểm, thế lực thù địch đan cài, trộn lẫn tinh vi thông tin thật - giả để dẫn dụ độc giả lạc vào ma trận thông tin. Từ đó ngụy tạo sự khách quan, xuyên tạc nhiều vấn đề hết sức phức tạp, tinh vi. 

Sài Gòn từng là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nếu không có giải phóng 30-4-1975, miền Nam bây giờ sẽ giàu có như Hàn Quốc hiện nay (?!) là một trong những thủ đoạn đó.

PHÚC TRÌNH CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Tác giả bài viết này cũng là tác giả của loạt bài trên Báo Bình Phước như đã nêu, từng phân tích: Theo các tài liệu lưu trữ, trong cuộc khảo sát tiến hành năm 1971, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ước tính ở miền Nam khi đó có 88% lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, lao động trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại chiếm 8,7%, dịch vụ 3,3%. Cơ cấu GDP nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 30%, công nghiệp - thương mại khoảng 8-10%. Công nghiệp của miền Nam khi đó phụ thuộc chính vào nguyên liệu và nhiên liệu nhập khẩu. 

Xe tăng mang số hiệu 843 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Riêng khu vực dịch vụ tăng nhanh chóng, dần chiếm khoảng 60%. Nguyên nhân dịch vụ chiếm tỷ trọng cao là nhờ sự có mặt của gần 1 triệu lính Mỹ và các nước đồng minh đánh thuê. 

Trong 21 năm tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã viện trợ cho nền kinh tế miền nam Việt Nam hơn 10 tỷ USD theo thời giá thập niên năm 1960, tương đương 70-80 tỷ USD theo thời giá năm 2015. 

Ngoài khoản viện trợ kinh tế, một khoản tiền lớn hơn rất nhiều là tiền lương của lính Mỹ có mặt ở Việt Nam. Trung bình mỗi lính Mỹ được trả 800 USD/tháng. Lúc cao điểm, Mỹ có hơn nửa triệu lính ở miền Nam. Như vậy, riêng lương của lính Mỹ tiêu xài ở miền Nam mỗi năm khoảng 5 tỷ USD lúc bấy giờ, tương đương khoảng 40 tỷ USD hiện nay. 

Bản phúc trình của Mỹ xuất bản tháng 1-1975 cho thấy, Sài Gòn năm 1974 có 3 triệu dân, trong đó có tới 600 ngàn người thất nghiệp, tương đương 20%. Chênh lệch giàu - nghèo Việt Nam cộng hòa rất lớn khi thu nhập của tầng lớp thiểu số thân cận với Mỹ và chính quyền chiếm 43,5% GDP, tầng lớp lao động chỉ 1,8% GDP…


Mặc dù quân đội Mỹ đã tạo ra chuỗi các cửa hàng dành riêng cho lính của họ ở Việt Nam, nhưng không thể đáp ứng mọi nhu cầu. Do vậy, tiêu thụ tại chỗ của lính Mỹ tạo ra động lực chính cho khu vực dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa. Nói cách khác, nền kinh tế của Miền Nam lúc đó gần như phụ thuộc vào túi tiền và sự tiêu xài của lính Mỹ.

Khảo sát năm 1970 của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy: 33,8% dân số của Việt Nam Cộng hòa sống ở đô thị. Khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó, tương đương khoảng 1,2 triệu người. Dân cư nông thôn đổ về thành, thị tìm việc làm và tránh chiến sự khiến Sài Gòn dần trở thành một khu ổ chuột khổng lồ. 

BỨC TRANH SINH ĐỘNG

Kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels, Vương quốc Bỉ và số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cùng các báo cáo, bản phúc trình của chính chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ đã phản ánh đầy đủ nền kinh tế, xã hội miền Nam trước năm 1975. Những số liệu so sánh với miền Bắc cũng như so sánh với Hàn Quốc đã trả lời đầy đủ cho câu hỏi nếu không giải phóng, kinh tế miền Nam có được như Hàn Quốc bây giờ?

Sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, quân đội Mỹ rút dần, kéo theo chính quyền Việt Nam cộng hòa phải tự đảm đương nhiều hoạt động quân sự hơn. Viện trợ từ Mỹ tăng nhưng vẫn không đủ, dẫn tới thâm hụt, lạm phát tiếp tục ở mức phi mã. Báo cáo kinh tế của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho thấy, năm 1970 lạm phát tới 36,8%, tăng dần tới năm 1973 là 44,5%. 

Hiện vật gốc, độc bản xe tăng T-54B số hiệu 390 hiện được trưng bày ở Bảo tàng Tăng thiết giáp - Ảnh: Tư liệu

Khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, thị trường tiêu thụ các mặt hàng bị thu hẹp. Do đó, sản xuất công nghiệp dần tàn lụi. Tổng sản lượng công nghiệp năm 1972 giảm 5% so với năm 1971, năm 1973 giảm 22%, năm 1974 tiếp tục giảm 21%. Một loạt ngành công nghiệp giảm sút nghiêm trọng. 

Việc rút đi của hơn nửa triệu quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đã để lại một khoảng trống khổng lồ trong nền kinh tế của miền Nam. Khoản 4-5 tỷ USD hằng năm trước đây được lính viễn chinh Mỹ tiêu xài qua các dịch vụ không còn. Số lượng công nhân làm ở các cơ sở của Mỹ năm 1971 là 100.000 người, đến tháng 12-1972 chỉ còn 10.000 người, tạo ra thất nghiệp hàng loạt...

Năm

1956

1958

1960

1962

1964

1966

1968

1970

1972

1974

Miền Nam

62

88

105

100

118

100

85

81

90

65

Miền Bắc

40

50

51

68

59

60

55

60

60

65

Thu nhập bình quân đầu người của 2 miền Bắc - Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1975, đơn vị USD/người/năm (Kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels, Bỉ)

Kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels cho thấy khá rõ “sức khỏe” nền kinh tế ở 2 miền Nam - Bắc. Ở miền Bắc không có sự đột biến, nhưng ổn định. Ở miền Nam là sự trồi sụt và phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ.

Những người lính trên xe tăng 390 và 843 là lực lượng giải phóng có mặt sớm nhất ở dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 - Ảnh: Francoise Demulder 

Mỹ giảm viện trợ, kinh tế miền Nam như trái bóng bị xì hơi. Từ đó có thể khẳng định, trong 21 năm tồn tại chế độ Việt Nam Cộng hòa, nền kinh tế miền Nam không có nội lực mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của người Mỹ. Đó là những yếu tố phân tích cho thấy nội lực nền kinh tế miền Nam trước năm 1975.

Còn sự so sánh với Hàn Quốc và câu hỏi nếu không có ngày 30-4-1975? Những dẫn chứng sinh động sẽ chứng minh cho điều đó.

(Bài viết có sử dụng kết quả nghiên cứu của một số tổ chức, học giả)

  • Từ khóa
195351

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu