Thứ 5, 02/05/2024 12:20:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 12:40, 04/02/2017 GMT+7

Đôi điều suy nghĩ về Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959

Thứ 7, 04/02/2017 | 12:40:00 2,515 lượt xem
BP - Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 là đạo luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước ta. Luật này đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11, thông qua trong phiên họp ngày 29-12-1959 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1960. Sau 57 năm, với sự phát triển về mọi mặt trong đời sống xã hội ở nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp tình hình phát triển của đất nước.

Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã được Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 12, thông qua ngày 29-12-1986 và luật này thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 9-6-2000. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2001 và thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 và đây cũng là ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 hết hiệu lực. Sau gần 6 thập kỷ, với 3 lần sửa đổi, bổ sung, song nhìn lại những nội dung trong Luật Hôn nhân và gia đình đầu tiên không ai có thể phủ nhận những tiến bộ trong đạo luật này. Thậm chí, có những chế tài trong luật này vẫn đang còn tính thời sự.

Cụ thể, tại điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có quy định như sau: Việc để tang không cản trở việc kết hôn. Quy định này không những mới, rất mới và rất tiến bộ vào thời điểm luật này mới ra đời, mà còn ngay cả với ngày nay. Vì dưới thời phong kiến, hệ tư tưởng ở nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi những quy định của Nho giáo. Theo đó, nếu cha hoặc mẹ qua đời thì con cái phải để tang 3 năm; nếu ông bà nội, ngoại qua đời thì các cháu nội cũng như ngoại phải để tang 1 năm và trong thời gian này không ai được phép kết hôn. Nếu ai làm trái quy định này thì bị coi là người bất hiếu và bị người đời chê cười. Cho đến ngày nay vẫn còn không ít người bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cổ hủ này và con của họ bỗng dưng trở thành nạn nhân. Vì thực tế đã có không ít người yêu nhau và không thể chờ đợi nên họ đành phải chia tay.

Tại điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có quy định: Đàn bà góa có quyền tái giá; khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà góa về con cái và tài sản được bảo đảm. Đây là chế tài rất nhân văn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ khi không may có chồng bị chết sớm. Vì trong thực tế cho thấy, rất nhiều người phụ nữ góa chồng khi tuổi đời còn rất trẻ và khi họ đi bước nữa thì quyền làm mẹ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản chung, tài sản riêng thường bị gia đình của người chồng quá cố quản lý, với lý do giữ lại cho cháu của họ.

Và tại điều 10 có quy định: Những người sau đây không được kết hôn: Bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc, mà chưa chữa khỏi. Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã thể hiện rõ sự tiến bộ vượt bậc, đó là những người bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc mà chưa chữa khỏi thì không được kết hôn. Đây là một chế tài cần thiết và rất nhân văn, vì nếu dù là nam hay nữ mà bất lực hoàn toàn về sinh lý thì mục đích của hôn nhân là để sinh con sẽ không đạt được. Và với những người bị bệnh hủi (cùi), hoa liễu, loạn óc... - những căn bệnh mang tính di truyền hoặc dễ bị lây nhiễm..., việc ngăn cấm là cần thiết. Nếu không có chế tài này thì sẽ có không ít những đứa trẻ ra đời đã mang sẵn căn bệnh hiểm nghèo và như vậy sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tại điều 28 có quy định: Khi ly hôn, cấm đòi trả của. Chế tài này tuy ngắn gọn nhưng lại rất đầy đủ ý nghĩa. Bởi ngày xưa cũng như ngày nay, không ít gia đình khá giả khi đi hỏi vợ cho con trai hay khi gả con gái thường cho tiền, vàng hoặc bất động sản để con có vốn làm ăn. Nhưng khi hôn nhân không thể duy trì và họ phải chia tay nhau thì luật cấm không ai được đòi lại tài sản. Và có lẽ ngày xưa cấm nên mới không có tình trạng “chia tay đòi quà”, còn giờ dễ dãi quá vì luật không có điều hay khoản nào cấm việc này nên không ít người “cứ chia tay là đòi quà”, thật đáng buồn thay.

N.V

  • Từ khóa
29292

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu