Thứ 6, 19/04/2024 20:01:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:34, 24/05/2015 GMT+7

Tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Lý do để ly hôn

Chủ nhật, 24/05/2015 | 10:34:00 11,281 lượt xem
BP - Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 đã được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6-2014. Luật này thay thế hoàn toàn Luật HN&GĐ năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015. So với Luật HN&GĐ năm 2000, Luật HN&GĐ năm 2014 có rất nhiều điểm mới, tiến bộ và phù hợp với tình hình phát triển của đất nước cũng như của đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Và một trong những điểm mới đó là các chế định về ly hôn.

Huyện Đồng Phú tổ chức diễu hành Ngày dân số Việt Nam 26-12-2014 - Ảnh: Bích Qúy

Theo quy định trong luật mới thì có thể xin ly hôn giùm người thân và luật cũng quy định cụ thể về lý do xin ly hôn, trong đó bạo lực gia đình là một lý do, căn cứ để người chồng hoặc người vợ có quyền yêu cầu tòa án cho ly hôn. Cụ thể tại Khoản 2, Điều 51 trong Luật HN&GĐ năm 2014 có quy định như sau: 2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Như vậy, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì kể từ nay, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp bức xúc muốn xin ly hôn giùm người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do luật cũ chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn. Bởi vì, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có người vợ hoặc người chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn. Nhưng nếu người vợ hoặc người chồng mà bị tâm thần thì không thể yêu cầu ly hôn vì lý do đã bị tâm thần thì không còn đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành.

Đối với lý do bạo lực gia đình là căn cứ để ly hôn, tại Khoản 1, Điều 56 có quy định về đơn phương ly hôn như sau: 1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Như vậy, luật mới quy định rất rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Còn đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng trong đời sống vợ chồng... là lý do để ly hôn thì luật cũng quy định rõ ràng phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn. 

D.V

  • Từ khóa
26588

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu