Thứ 6, 26/04/2024 17:36:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:33, 10/03/2018 GMT+7

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh

Thứ 7, 10/03/2018 | 14:33:00 333 lượt xem
BP - Ngày 6-3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã ký ban hành Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Quy định gồm 3 chương, 19 điều nêu cụ thể nguyên tắc tổ chức việc cưới, việc tang; trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã trong việc thực hiện quy định, gắn với tiêu chuẩn thi đua đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm...

KHÔNG LỢI DỤNG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG ĐỂ KINH DOANH, VỤ LỢI

Điều 3, Chương I, Nghị định số 13/2018/QĐ-UBND quy định nguyên tắc tổ chức việc cưới, việc tang như sau: Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín, dị đoan: xem số, xem bói, xóc quẻ, gọi hồn, cầu cơ, yểm bùa và các hình thức mê tín dị đoan khác. Không lợi dụng việc cưới, việc tang để hoạt động nhằm kinh doanh, vụ lợi; chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình. Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức. Không được sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi đám cưới, đám tang (trừ cơ quan làm nhiệm vụ). Tổ chức việc cưới, việc tang phải đảm bảo tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí.

Về tổ chức lễ cưới, Điều 6 nêu rõ: Lễ cưới chỉ được tổ chức khi đã có giấy chứng nhận kết hôn. Lễ cưới được thực hiện theo phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa phương nhưng không được trái với quy định của pháp luật hiện hành. Đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của 2 gia đình. Việc tổ chức ăn uống trong lễ cưới phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các thủ tục cưới, hỏi được tổ chức theo phong tục, tập quán phù hợp với điều kiện kinh tế của 2 gia đình nhưng không phô trương, rườm rà và nặng về vật chất. Âm thanh trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi, độ ồn âm thanh không vượt quá giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16-10-2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường; không mở nhạc trước 6 giờ và sau 22 giờ.

KHUYẾN KHÍCH MẶC TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG TRONG NGÀY CƯỚI

Điều 7 của quy định khuyến khích thực hiện việc cưới theo các hình thức: Báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới. Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong ngày cưới. Tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ, tiết kiệm, hạn chế dùng rượu, bia và không dùng thuốc lá trong đám cưới. Cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới và đám cưới tập thể cho công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt cho đối tượng công nhân lao động, thanh niên. Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hóa. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp chủ trì, đứng ra tổ chức lễ cưới giúp gia đình chính sách, gia đình nghèo, khó khăn. Tổ chức lễ cưới vào thứ bảy, chủ nhật.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân) không tổ chức việc cưới, không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc, không sử dụng thời gian trong giờ làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị để tổ chức đi hoặc dự đám cưới.

Nam, nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31-12-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

KHÔNG RẢI VÀNG MÃ TRÊN ĐƯỜNG ĐƯA TANG

Chương III quy định nếp sống văn minh trong việc tang. Trong đó yêu cầu: Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang theo quy định của pháp luật. Gia đình có người qua đời cử người báo cáo chính quyền xã, phường, thị trấn để tổ chức việc tang. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người qua đời xóa bỏ các hủ tục, hành vi mê tín, dị đoan trong lễ tang, không rải vàng mã trên đường đưa tang. Vận động các cơ sở mai táng hạn chế cung cấp vàng mã trong đám tang. Tang phục theo phong tục của từng địa phương, từng dân tộc và từng tôn giáo, có thể dùng vải màu trắng, màu đen hoặc chỉ dùng khăn tang theo cách truyền thống. Cờ tang theo phong tục của từng địa phương, từng dân tộc và từng tôn giáo. Chỉ treo cờ tang tập trung tại địa điểm tổ chức lễ tang.

Quy định cũng nêu rõ: Không cử nhạc tang trước 6 giờ và sau 22 giờ; âm thanh đảm bảo không vượt quá giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16-10-2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường. Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong tang lễ được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang (ca khúc chính trị, nhạc trẻ...). Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

QUÀN VÀ ĐƯA TANG KHÔNG QUÁ 48 GIỜ

Trường hợp người qua đời không có gia đình, người thân thì chính quyền cơ sở cùng các đoàn thể hoặc cơ quan, đơn vị và bà con hàng xóm nơi có người qua đời có trách nhiệm tổ chức đám tang. Thời gian quàn và đưa tang không quá 48 giờ kể từ khi qua đời. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian tổ chức việc tang thì phải được chính quyền địa phương chấp thuận, thi hài phải được lưu giữ ở nhiệt độ nặng, phòng lạnh của bệnh viện hoặc nhà tang lễ nhằm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh trong quàn ướp thi hài.

Điều 8 quy định đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Không thách cưới hoặc phải dâng sính lễ cưới bằng trâu, bò, heo, gà và tiền, vàng, vật chất có giá trị kinh tế lớn đối với các gia đình nhà trai, nhà gái. Không mổ trâu, bò, heo, ăn uống linh đình nhiều ngày gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các gia đình nhà trai, nhà gái, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.

Người qua đời do bệnh dịch và các bệnh truyền nhiễm thì việc khâm liệm tử thi phải theo hướng dẫn của cơ quan y tế, thời gian quàn và đưa tang không quá 12 giờ. Khi có khai tử do bệnh dịch hoặc truyền nhiễm trên địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức đến ngay nơi có người qua đời bị bệnh dịch hoặc truyền nhiễm thực hiện phòng dịch, xịt thuốc khử trùng để tránh lây lan dịch bệnh.

Điều 16 khuyến khích các hoạt động trong tổ chức việc tang như: Sử dụng băng đĩa nhạc thay ban nhạc lễ. Thực hiện hình thức hỏa táng, mai táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch. Các tuần tiết theo phong tục (1 tuần, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết tang) chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình.

B.T

  • Từ khóa
93578

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu