Thứ 7, 27/04/2024 06:41:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:14, 17/12/2014 GMT+7

Thế chân kiềng của đảo Đá Lớn ở Trường Sa

Thứ 4, 17/12/2014 | 13:14:00 3,657 lượt xem

BP - Đảo Đá Lớn (quần đảo Trường Sa) cách đảo Nam Yết khoảng 28 hải lý về phía Tây Tây Nam. Khí hậu thủy văn ở Đá Lớn mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ sáng sớm đến tối xẩm. Nhưng đây lại là thời kỳ sóng yên biển lặng, rất thuận tiện cho tàu thuyền đi lại, làm ăn. Nằm giữa Đá Lớn và đảo Nam Yết là đá Ga Ven (thuộc Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) và chếch lên phía Bắc là đảo Ba Bình (đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa, đang bị Trung Quốc chiếm đóng). Bãi Đá Lớn chạy dài theo hướng Bắc Nam khoảng 15km và rộng trung bình 2km, diện tích ước khoảng 28,5km2.

“Pháo đài” Đá Lớn A hiên ngang giữa biển khơi

Đảo Đá Lớn có 3 điểm chốt giữ (A, B, C), cán bộ và chiến sĩ hải quân Việt Nam đóng chốt trên các nhà kiên cố nằm so le, cách nhau vài hải lý. Trong thế chân kiềng vững chãi (tự bản thân Đá Lớn tạo ra) đã giúp quân và dân ta bảo vệ vững chắc khu vực này. Khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt phải lấy từ nước mưa hoặc vận chuyển từ đất liền ra. Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được nhu cầu nước sinh hoạt. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, nhưng nhờ các biện pháp sử dụng tiết kiệm, khoa học và phù hợp nên cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lớn vẫn thực hiện tốt việc trồng rau xanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao sức khỏe bộ đội. Để có thể tăng gia trồng rau, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn phải vận chuyển từ đất liền ra từng nắm đất phù sa. Những giọt nước ngọt hiếm hoi được tận dụng trên đảo dường như cũng vì thế mà không phụ lòng người, đã cho những mầm xanh để góp phần làm nên sức sống mãnh liệt trên các điểm đảo ở Trường Sa.

Đảo Đá Lớn A bao gồm 3 pháo đài kiên cố kết nối với nhau bằng đường kè bê tông vững vàng. Đảo có hệ thống cầu tầu để neo đậu tàu thuyền, chân kè vững chãi bám chắc trên nền san hô giữa đại dương. Khu nhà lớn vừa được tôn tạo uy nghi như một lâu đài giữa biển, có đầy đủ hệ thống cột đèn điện cao áp; hệ thống pin năng lượng mặt trời, sân bay dành cho trực thăng... Đây là “pháo đài” kiên cố của cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày đêm bám trụ giữ vững chủ quyền vùng đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đóng quân nơi đây, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn luôn ngày đêm khắc phục khó khăn, thường xuyên huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thực hiện khẩu hiệu hành động “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, cán bộ chiến sĩ đều là anh em”, những năm qua, bộ đội trên đảo Đá Lớn luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, tích cực chủ động trong công tác cứu hộ cứu nạn và giúp đỡ ngư dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trải qua nhiều năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của đoàn Trường Sa anh hùng.

Đời sống của cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn trong những năm gần đây đã từng bước được cải thiện. Đảo được đầu tư xây dựng nhà khang trang, vững chắc hơn. Đặc  biệt là hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo về gần đất liền hơn nữa. Từ vị trí địa lý và giá trị kinh tế của đảo Đá Lớn nói riêng cũng như khu vực quần đảo Trường Sa nói chung, càng khẳng định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa có một ý nghĩa chiến lược rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. (*) 

Đức Hồng
(*) Tham khảo tài liệu: “Lịch sử Hải quân Việt Nam”

  • Từ khóa
111207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu