Thứ 6, 26/04/2024 17:11:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:08, 16/12/2012 GMT+7

Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giải trình về chất lượng các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn

Chủ nhật, 16/12/2012 | 15:08:00 1,698 lượt xem

LTS: Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ năm, khóa VIII diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7-12-2012, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Tới đã có bài phát biểu giải trình về vấn đề được đông đảo đại biểu và cử tri quan tâm. Đó là: “Việc quy hoạch, tiến độ thực hiện và chất lượng các dự án công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình giếng nước sạch nông thôn”. Tham dự kỳ họp lần này, phóng viên Báo Bình Phước đã ghi lại ý kiến này và dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc.

* Về việc quy hoạch, tiến độ thực hiện và chất lượng các dự án công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh:

Sau khi tỉnh Bình Phước được tái lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở NN&PTNT tiến hành quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2001-2010. Quy hoạch này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 614/QĐ-UBND ngày 30-3-2011. Năm 2005, thực hiện rà soát quy hoạch thủy lợi và UBND tỉnh đã phê duyệt rà soát quy hoạch thủy lợi đến 2010 tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 8-6-2005. Quy hoạch thủy lợi đã xác định mục tiêu phát triển thủy lợi đến năm 2010 là đảm bảo tưới cho 68.484 ha diện tích gieo trồng cây hàng năm và cây công nghiệp, cây ăn quả có nhu cầu tưới; tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt 127.787m3/ngày đêm.

Kết quả thực hiện quy hoạch, đến nay ngành đã xây dựng được 23 công trình thủy lợi có quy mô vừa và nhỏ, nâng số lượng công trình thủy lợi lên 55 công trình. Trong đó có 9 đập dâng, 45 hồ chứa và 1 trạm bơm. Hệ thống kênh mương được xây dựng khá đồng bộ, với tổng chiều dài 101,7km, trong đó có 80,81km kênh đã được bê tông hóa, với năng lực tưới thiết kế đạt 8.699 ha, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt 82.817m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, ngành hướng dẫn nhân dân xây dựng nhiều đập tạm và nhiều trạm bơm dầu nhỏ lẻ lấy nước từ các sông suối, ao hồ, hồ chứa thủy lợi phục vụ tưới, góp phần đưa diện tích tưới lên 49.200 ha, tăng 41% so với năm 2001. Trong đó diện tích tưới từ các công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư chiếm 11,2%, diện tích được tưới từ các biện pháp khác do dân tự làm chiếm 88,8%.

Trong đầu tư phát triển thủy lợi, do ngân sách tỉnh còn hạn chế nên mặc dù tỉnh đã tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ NN&PTNT đầu tư phát triển thủy lợi, nhưng tổng vốn đầu tư còn thấp so với nhu cầu. Theo quy hoạch cần xây dựng 101 công trình thủy lợi, nhưng đến nay mới xây dựng được 23 công trình/101 công trình, đạt 22,7%. Về mục tiêu, diện tích tưới đã thực hiện 49.200 ha đạt 71,8%; tạo nguồn cấp nước 82.817m3/ngày, đêm, đạt 64,8%.

Về chất lượng các công trình thủy lợi: Các công trình thủy lợi đưa vào sử dụng đều có chất lượng tốt, công tác lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng chuyên ngành và được thực hiện đầu tư theo đúng trình tự xây dựng cơ bản. Các công trình hoạt động an toàn trong mùa mưa lũ.

Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, kịp thời tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào xây dựng ở một số công trình thủy lợi đã đem lại hiệu quả cao, giảm giá thành xây dựng, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Về quản lý, khai thác, các công trình chủ yếu do công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác. Năng lực tưới được phát huy đạt 87,6% so với năng lực thiết kế, là mức cao so với bình quân cả nước.

* Về chất lượng, hiệu quả các công trình giếng nước sạch nông thôn.

Về tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:

- Giai đoạn 1999-2005, Chương trình đã đầu tư và hỗ trợ cho nhân dân xây dựng 12.539 công trình cấp nước sinh hoạt, gồm 40 công trình tập trung (4 công trình cấp nước cho 4 thị trấn (thị trấn An Lộc nay là thị xã Bình Long, thị trấn Lộc Ninh, thị trấn Phước Bình (nay là thị xã Phước Long) và thị trấn Bù Đăng). 2 hệ cấp nước tập trung cho 2 trung tâm cụm xã (Bom Bo - Bù Đăng, Đa Kia - Bình Thắng - Bù Gia Mập) và 30 hệ cấp nước tập trung vừa và nhỏ, 4 hệ nội mạng. Hỗ trợ nhân dân xây dựng 895 giếng khoan nhỏ lẻ, đào mới 3.520 giếng đào, cải tạo nâng cấp 8.084 giếng. Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến cuối năm 2005 là 65%, đạt kế hoạch được giao.

Giai đoạn 2006-2010, chương trình đã đầu tư và hỗ trợ nhân dân xây dựng được 22.845 công trình nước sinh hoạt, gồm: 14 công trình cấp nước tập trung, 4.854 giếng khoan nhỏ lẻ; hỗ trợ đào mới 8.054 giếng đào, cải tạo, nâng cấp 14.780 giếng đào, góp phần đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 84,1% vào cuối năm 2010, đạt kế hoạch đề ra.

Về chất lượng và hiệu quả khai thác, do rút kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt nên từ năm 2005, chương trình nước sinh hoạt chủ yếu hỗ trợ nhân dân tự đào mới và cải tạo giếng đào nên chương trình phát huy hiệu quả cao. Các công trình tập trung chỉ xây dựng ở những nơi xác định rõ số lượng hộ sử dụng và nguồn nước ngầm tầng nông đã bị ô nhiễm không thể khai thác nhỏ lẻ. Mặt khác, công trình xác định được tổ chức quản lý, khai thác, vì thế tránh được tình trạng công trình xây dựng xong không phát huy hiệu quả hoặc nhanh xuống cấp.

Về chất lượng xây dựng, các công trình đầu mối được xây dựng đạt yêu cầu thiết kế, không có công trình kém chất lượng. Riêng hệ thống đường ống, do mạng lưới giao thông và dân cư chưa ổn định tình trạng xây dựng nhà cửa, đường giao thông cắt qua đường ống sau khi lắp đặt đường ống đã gây gãy, vỡ đường ống nên nhiều tuyến ống bị hư hỏng, rò rỉ làm thất thoát nước vượt quá tỷ lệ cho phép.

Về quản lý, khai thác, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu giao công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi quản lý nên quản lý khá tốt. Tuy vậy, vẫn còn công trình thiếu duy tu sửa chữa thường xuyên nên nhanh xuống cấp. Nguyên nhân chủ yếu do dân không sử dụng nước quanh năm chỉ sử dụng mùa khô là chủ yếu nên thu không đủ chi để duy tu, sửa chữa. Mặt khác, trình độ công nhân vận hành còn hạn chế, do vùng sâu, vùng xa khó tuyển nhân viên, chủ yếu đào tạo tại chỗ nên chất lượng quản lý vận hành chưa cao.

PV (Lược ghi)

  • Từ khóa
4728

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu