Thứ 6, 26/04/2024 17:16:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:40, 25/10/2014 GMT+7

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến cử tri

Thứ 7, 25/10/2014 | 14:40:00 1,711 lượt xem
BPO - Ngày 9-10, sở LĐ-TB&XH đã có Văn bản số 1578/SLĐTBXH-VP trả lời 6 nội dung liên quan đến lĩnh vực của ngành. Bình Phước Online xin giới thiệu cùng cử tri và bạn đọc

1. Cử tri Phạm Văn Minh, khu phố Phú Tân, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long kiến nghị: Mức chuẩn hộ nghèo hiện nay ở nông thôn là 400.000 đồng/tháng/người và ở thành thị là 500.000 đồng/tháng/người là quá thấp. Đề nghị tỉnh xem xét nâng mức chuẩn nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trả lời: Hiện nay, tỉnh áp dụng theo chuẩn nghèo của Trung ương quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Ý kiến phản ánh của cử tri là hoàn toàn xác đáng vì chuẩn nghèo này được áp dụng từ năm 2011 đến nay đã không còn phù hợp. Sở LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến đóng góp và báo cáo đề xuất lên Bộ LĐ-TB&XH .

Hiện nay, tỉnh chưa tự chủ được về ngân sách và nguồn kinh phí và còn nhận nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương nên tỉnh chưa có khả năng nâng mức chuẩn nghèo lên cao hơn so với chuẩn của Trung ương.

2. Cử tri Lê Ngọc Toán, ấp 7, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh kiến nghị: Trung tâm chữa bệnh - GDLĐ&XH tỉnh không được dạy nghề, hướng nghiệp và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cai nghiện trở về địa phương. Đề nghị các ngành liên quan có kế hoạch cụ thể để đào tạo, sắp xếp, bố trí giải quyết việc làm cho các đối tượng sau khi cai nghiện để hòa nhập cộng đồng, tránh tình trạng tái nghiện.

Trả lời: Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24-2-2012 của Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, quy định cụ thể:

+ Tại Điểm e, Khoản 1, Điều 7 về Chi phí học nghề: “Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm, nếu chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề trình độ sơ cấp nghề mức tối đa 2.000.000 đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế; không hỗ trợ tiền học nghề cho những đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm từ lần thứ hai trở đi”.

+ Tại Điểm k, Khoản 1, Điều 7 về hỗ trợ kinh phí tìm việc làm:

 - Điều kiện hỗ trợ: Người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm sau khi chấp hành xong quyết định tại Trung tâm trở về địa phương đã có nhiều tiến bộ, cam kết không tái phạm, chưa có việc làm; bản thân, gia đình thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

- Căn cứ đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí tìm việc làm của người chấp hành xong quyết định tại Trung tâm trở về địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thuộc tỉnh xem xét, trợ cấp 1 lần để tự tạo việc làm, ổn định đời sống mức 1.000.000 đồng/người.

- Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm khi chấp hành xong quyết định mà vẫn ở độ tuổi chưa thành niên thì không được khoản trợ cấp này.

Theo Điều 26 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy định về chế độ học nghề:

+ Học viên chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp thì được tham gia học nghề.

+ Cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện hoạt động dạy nghề khi có đủ các điều kiện cần thiết về diện tích phòng học, diện tích nhà xưởng, thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình và được Sở LĐ-TB&XH cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.

+ Trường hợp không đảm bảo các điều kiện dạy nghề nêu trên, cơ sở cai nghiện bắt buộc được phép tổ chức liên kết đào tạo với các trường dạy nghề, các cơ sở dạy nghề khác tại địa phương. Hình thức liên kết và nội dung dạy nghề phải bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về dạy nghề”.

Thực hiện những văn bản nêu trên, trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã tổ chức dạy nghề (2 lớp dạy cắt tóc, 1 lớp đan mây tre) theo nhu cầu học nghề của học viên đang cai nghiện học tập tại Trung tâm chữa bệnh - GDLĐXH tỉnh và cấp chứng chỉ nghề cho 67 học viên; hiện Sở LĐ-TB&XH đang chuẩn bị tổ chức 1 lớp sửa chữa điện tử cho khoảng 23 học viên.

3. Cử tri Nguyễn Duy Nghệ, thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng kiến nghị: Ngành chức năng của Tỉnh kiểm tra lại việc ông Trần Ngọc Qúy khai man hồ sơ, lý lịch để được hưởng chế độ thương binh (mặc dù đã được UBND tỉnh và các ngành chức năng giải quyết nhưng cử tri Nghệ không đồng ý và ông cho rằng có đầy đủ chứng cứ chứng minh ông Quý không phải là thương binh).

Trả lời: Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các ngành chức năng liên quan điều tra, xác minh việc ông Trần Ngọc Quý khai man hồ sơ, lý lịch để được hưởng chế độ thương binh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và trên cơ sở kết quả xác minh UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 16-4-2013 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trần Ngọc Quý trong đó kết luận việc công nhận ông Trần Ngọc Quý được hưởng chế độ thương binh là hợp lý, đúng quy định.

4. Cử tri Nguyễn Hữu Hậu, khu phố Phú Hòa 1, phường Phú Đức, thị xã Bình Long kiến nghị: Ông có làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho con ông gửi Sở LĐ-TB&XH đã 7 năm nay chưa được giải quyết. Đề nghị ngành chức năng sớm xem xét.

Trả lời: Năm 2011, ông Nguyễn Hữu Hậu có lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trong hồ sơ ông ghi có con là Nguyễn Tường An sinh năm 1992, bị mù 1 mắt, 1 mắt 4/10, thần kinh kém, thể lực yếu. Qua xem xét, Sở LĐ-TB&XH đã có Văn bản số 1128/SLĐTBXH-NCC ngày 6-9-2011 trả lời  Phòng LĐ-TB&XH thị xã Bình Long và ông Nguyễn Hữu Hậu về việc không đủ điều kiện giải quyết hồ sơ chất độc hóa học với lý do như sau:

Sở LĐ-TB&XH đề nghị Phòng LĐ-TB&XH thị xã Bình Long phối hợp cùng UBND phường Phú Đức xác minh thực tế trường hợp con của ông là Nguyễn Tường An. Trong biên bản xác minh ngày 1-8-2011 của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Bình Long có ghi cháu đang học lớp 12 rồi nghỉ, hiện một mắt không thấy đường (MP), một mắt cận thị nặng còn 4/10 (MT), phát hiện 1 mắt không thấy đường từ năm 1996, không có ý kiến và kết luận gì thêm. Theo phiếu khám sức khỏe của Bệnh viện Tâm Thần Trung ương II ngày 22-6-2011, thể hiện “chậm khôn hơn trẻ cùng tuổi, học lớp 4 thì nghỉ học do dốt”, kết luận Nguyễn Tường An chậm phát triển tâm thần trung bình. Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ học bạ của Nguyễn Tường An tại trường PTTH Bình Long thì Nguyễn Tường An vẫn học xong lớp 12 và có chứng chỉ nghề tin học loại khá. Vậy cháu Nguyễn Tường An không bị mắc bệnh tâm thần bẩm sinh, vì thực sự bị tâm thần thì không thể học hết lớp 12/12 và con ông đến năm 1996 mắt phải mới không thấy, chứ không phải bị mù từ lúc mới sinh.

5. Cử tri Lê Viết Trinh, ấp 5, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản kiến nghị: Ông làm hồ sơ đề nghị điều chỉnh tên trong các giấy tờ hưởng chế độ thương binh gửi Sở LĐ-TB&XH đã 2 năm nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị ngành chức năng xem xét.

Trả lời: Sở LĐ-TB&XH đang quản lý hồ sơ và chi trả trợ cấp đối với hồ sơ bệnh binh 2/3 (61%) của ông mang tên Lê Viết Trinh sinh năm 1949 và hồ sơ thương binh ¾ (41%) mang tên Lê Viết Chinh sinh năm 1949.

Năm 2012, ông có đơn đề nghị chỉnh lại tên trong hồ sơ thương binh, nhưng theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Thủ tướng chính phủ, thì không quy định điều chỉnh thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công; vì vậy, sở không thể đính chính tên trong hồ sơ thương binh theo yêu cầu của ông được. Hiện nay, theo quy định Điều 48, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TB&XH quy định việc hướng dẫn sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công.

Đề nghị ông liên hệ trực tiếp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hớn Quản để được hướng dẫn làm hồ sơ theo quy định, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị đính chính thông tin trong hồ sơ thương binh của ông, sở sẽ có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương của ông trước đây xem xét, giải quyết. Sở căn cứ văn bản đính chính của cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh lại thông tin trong hồ sơ người có công.

6. Cử tri Cao Xuân Lung, ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú phản ánh: Việc tổng rà soát đối tượng chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng theo Quyết định số 40/20111/QĐ-TTg, trên địa bàn ấp có 8 trường hợp, nhưng 3 trường hợp được hưởng, còn lại 5 trường hợp là tham gia lực lượng TNXP ở biên giới Campuchia, biên giới Tây Nguyên và phía bắc cầu Hiền Lương là chưa được hưởng. Đề nghị ngành chức năng quan tâm giải quyết.

Trả lời: Tại Khoản 1, Điều 1 của Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng chính phủ quy định chế độ đối với thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15-7-1950 đến ngày 30-4-1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì mới được giải quyết trợ cấp một lần đối với thanh niên xung phong trong kháng chiến.

Với 5 trường hợp ông nêu tham gia thanh niên xung phong sau ngày 30-4-1975 thì không thuộc quy định áp dụng đối với Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng chính phủ. Các trường hợp này đề nghị liên hệ trực tiếp với UBND xã để được hướng dẫn và giải quyết theo Mục đ, Khoản 2, Điều 2, của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH ngày 5-1-2012 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Trên đây là nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Sở LĐ-TB&XH xin trả lời cho quý vị đại biểu HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh biết.

Giám đốc: Võ Văn Mãng 

  • Từ khóa
11943

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu