Thứ 6, 26/04/2024 16:58:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:49, 01/07/2018 GMT+7

Rèn thể lực - nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội

Chủ nhật, 01/07/2018 | 09:49:00 3,818 lượt xem
BP - Với sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, những năm qua công tác huấn luyện, đặc biệt là rèn luyện thể lực cho bộ đội ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã có nhiều đột phá. Các bài tập kéo xà, leo dây, chạy nhanh, chạy bền, bơi lội đã được cán bộ, chiến sĩ tăng cường luyện tập, kể cả ngày nghỉ, giờ nghỉ. Nhờ vậy, sức khỏe, sức bền của 100% chiến sĩ mới được nâng cao.

Chúng tôi đến Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động vào một ngày cuối tháng 6  oi ả. Trên thao trường, cán bộ, chiến sĩ gương mặt sạm nắng, mồ hôi nhễ nhại vẫn hăng say huấn luyện 3 bài võ thể dục và 16 động tác võ cơ bản của bộ đội biên phòng. Vừa theo sát để huấn luyện, uốn nắn từng động tác võ cho các chiến sĩ, Trung úy Phạm Văn Khoa, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội Cơ động cho biết: Võ thuật biên phòng là nội dung khó với chiến sĩ mới. Muốn các động tác đánh võ uyển chuyển, nhịp nhàng, chính xác, trước hết phải nắm chắc và thuần thục 16 động tác cơ bản thì mới luyện tập được 3 bài võ thể dục. 2 nội dung này có liên kết chặt chẽ và bổ trợ cho nhau. Vì vậy, trong quá trình huấn luyện đòi hỏi chiến sĩ mới phải tích cực, tự giác, chú ý quan sát và nắm chắc các động tác mẫu của giảng viên; thể lực phải khỏe, dẻo dai và luôn tuân thủ nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, không tự ép bản thân tập quá sức sẽ gây tác dụng ngược.

Leo dây đứng - một trong những nội dung huấn luyện giúp tăng cường thể lực và sự dẻo dai cho các chiến sĩ

Ở một địa điểm khác, dưới sự giám sát, giúp đỡ của cán bộ khung, các chiến sĩ mới cùng nhau thi bơi. Trong số chiến sĩ đang bơi, tôi để ý đến một chiến sĩ có làn da rám nắng, rất nhanh nhẹn, nhiệt tình giúp đỡ các chiến sĩ khác. Đó là binh nhì Tạ Thanh Tùng ở Tiểu đội 20, Trung đội 7, Đại đội Cơ động. Với nụ cười rất tươi, Tùng cho biết: “Trước khi vào bộ đội em không biết bơi và còn sợ nước nữa. Được cán bộ hướng dẫn, tận tình giúp đỡ, nay em không chỉ bơi thạo mà còn bơi được từ 170-200m. Nhờ bơi nhiều mà cơ thể em săn chắc hơn chứ không “cò hương” như trước”. Bơi ếch là nội dung bắt buộc trong khung huấn luyện chiến sĩ mới và bộ môn đã được huấn luyện xong. Tuy nhiên do thời gian huấn luyện quy định cho bộ môn chỉ 30 tiết gồm cả lý thuyết và thực hành nên kết thúc môn một số chiến sĩ mới vẫn chưa bơi thành thạo. Vì vậy, tranh thủ thời gian rảnh, các cán bộ khung và anh em chiến sĩ lại giúp nhau, người biết chỉ người chưa biết. “Đã huấn luyện là phải quyết tâm, không nản chí. Trải qua quá trình khổ luyện thì chắc chắn sẽ thành công” - binh nhì Tạ Thanh Tùng chia sẻ. “Trong huấn luyện, bơi ếch là bộ môn khó nhất. Yêu cầu đặt ra là 100% tân binh khi “tốt nghiệp” khóa huấn luyện đều phải biết bơi để phục vụ các nhiệm vụ sau này. Trong khi đó, các điều kiện về thao trường bãi tập, cụ thể là hồ bơi chưa được đầu tư xây dựng nên anh em phải tận dụng các ao hồ trong đơn vị, vừa không đảm bảo vệ sinh cũng như ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện” - Đại úy Cù Văn Dân, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động trăn trở.

Cũng theo Đại úy Cù Văn Dân, để nâng cao chất lượng huấn luyện thể lực, trước hết người cán bộ phải có trình độ, kỹ năng và phương pháp sư phạm tốt. Đặc biệt, cán bộ quản lý phải biết phân bố thời gian khoa học, hợp lý. Với người học phải có tính tự giác, tích cực, chủ động luyện tập cả trong thời gian chính khóa lẫn ngày nghỉ, giờ nghỉ, phải duy trì đều đặn theo nguyên tắc từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên duy trì luyện tập các nội dung bổ trợ như bơi trên cạn, hít thở sâu, chạy 100m, đẩy tạ, leo dây, kéo co, bóng đá, bóng chuyền... Từ đó dần tăng cường thể lực, sức bền, sự dẻo dai cho bộ đội.

Qua câu chuyện của Đại úy Dân, chúng tôi được gặp chiến sĩ Lê Bùi Tấn Hiếu (1998) ở Tiểu đội 19, Trung đội 7, Đại đội Cơ động. Hiếu được đánh giá là một trong những chiến sĩ có sự thay đổi tích cực nhất về thể lực và sức bền. Hiếu kể, trước khi vào quân ngũ, Hiếu hay bị ốm vặt. Ngày đầu tiên tham gia huấn luyện môn đẩy tạ 25kg, cố gắng lắm Hiếu cũng chỉ đẩy được 2-3 cái, đêm về căng cơ toàn thân đau nhức không ngủ được. Nản lắm nhưng thấy đồng đội làm được mà mình không thực hiện được nên ngoài giờ chính khóa Hiếu tranh thủ tập những lúc rảnh. Khác hẳn với sự bẽn lẽn khi trò chuyện, khi ra thao trường huấn luyện Hiếu khiến tôi ngạc nhiên. Với sự cổ vũ của đồng đội, Hiếu “biểu diễn” đẩy tạ 25kg cho chúng tôi xem. Chỉ cần một tay Hiếu đã đẩy được 14 lần, còn nếu đẩy 2 tay, đúng kỹ thuật thì đếm được trên 50 lần, theo quy định của bộ môn đẩy tạ chỉ cần đẩy được 28 lần là đạt loại giỏi. “Điều em có được khi vào quân ngũ không chỉ là sức khỏe, là kinh nghiệm sống mà còn nhận thức được trách nhiệm của mình trong mọi việc. Em cảm thấy trưởng thành hơn rất nhiều” - Hiếu chia sẻ với chúng tôi.

Có sức khỏe là có tất cả! Sức khỏe đối với tất cả mọi người là tài sản quý giá nhất. Đối với người lính nói chung và những người làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới thì sức khỏe, sự dẻo dai còn là yếu tố quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hồng Ánh

  • Từ khóa
4420

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu