Thứ 6, 26/04/2024 21:18:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:42, 23/11/2017 GMT+7

Phận người trên Biển Hồ

Thứ 5, 23/11/2017 | 15:42:00 340 lượt xem

BP - Hiện có rất nhiều gia đình người gốc Việt sinh sống lâu đời trên Biển Hồ (Tonle Sap), tỉnh Xiêm Riệp, Vương quốc Campuchia. Đa số người dân ở đây nghèo khó, thậm chí nhiều thế hệ sống trên một chiếc thuyền nhỏ, bè nổi tạm bợ lênh đênh theo con nước. Vừa qua, đoàn công tác xã hội từ thiện do ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh làm trưởng đoàn đã vượt hơn 500km đường bộ trong điều kiện thời tiết mưa gió do ảnh hưởng của cơn bão số 12, tới thăm, tặng quà nhằm chia sẻ, động viên và giúp đỡ bà con giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Ấm áp nghĩa tình

Đón và đưa đoàn lên tàu đến nơi bà con sinh sống là ông Hoàng Xuân Khoa, Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Xiêm Riệp. Tranh thủ thời gian rảnh, ông Khoa cho biết: Tỉnh Xiêm Riệp hiện có 1.600 hộ với 6.000 người dân gốc Việt. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đã có 4 điểm trường được xây dựng tại các làng chài trên Biển Hồ với trên 500 em theo học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 5. Người dân đa phần là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ đánh bắt cá, tôm. Trước đây đời sống đã khó khăn, nay theo quy định của chính quyền sở tại, bà con chỉ được đánh bắt vào 6 tháng mùa nước cạn, còn mùa nước nổi nghiêm cấm, để thủy sản phát triển nên cuộc sống càng thêm khó khăn.

Ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao quà cho người dân

Sau hơn 40 phút di chuyển, tàu cập bến tại điểm trường nhà bè Chong Kneas. Hàng trăm người, đủ mọi lứa tuổi ngồi trên những chiếc xuồng, ghe đã có mặt từ sớm, đậu kín một khoảng rộng mặt nước. Những đứa trẻ mới vài tháng tuổi cũng được gia đình mang theo, có lẽ được rèn luyện từ trong bụng mẹ nên dù xuồng, ghe có chao đảo đến mấy các bé vẫn ngủ say. Trong tay mỗi người đã cầm sẵn phiếu nhận quà. Không để bà con đợi lâu, chỉ vài phút sau khi đại diện đoàn thăm hỏi, chia sẻ, động viên, các thành viên đã chia nhau phát quà trong niềm phấn khởi của cả người tặng và người nhận. Bà Kim Hương, nhà hảo tâm ở thị xã Đồng Xoài, dù còn say sóng vẫn hăng hái chuyển quà cho từng hộ. Vừa trao quà, bà vừa tranh thủ hỏi thăm gia cảnh từng người và động viên họ cố gắng phấn đấu làm ăn ổn định cuộc sống. Nhận phần quà từ tay ni sư Thích Nữ Nhật Khương, trụ trì chùa Quang Minh (Đồng Xoài), bà Đinh Thị Nhung (65 tuổi) bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, cảm ơn chân thành tới đoàn và cho hay: “Phần quà này sẽ giúp bà cháu tôi ăn trong một tuần đến 10 ngày”.

Tập trung trong một lớp học tại điểm trường, mấy chục học sinh xếp hàng ngay ngắn. Thầy Trần Văn Tư, Hiệu trưởng cho biết: Ở đây có 256 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhận thức hơi chậm do môi trường sống biệt lập, không có điều kiện giao tiếp với bên ngoài nhưng đa phần các em đều muốn đi học. Khó khăn hiện nay là trường chỉ có thể dạy hết chương trình lớp 5, sau đó các em phải trở về gia đình lao động, làm ăn với cha mẹ, chứ không thể học lên cao hơn vì không có giấy tờ tùy thân. Nhìn những đứa trẻ rạng ngời đôi mắt khi được nhận cặp sách, bánh, kẹo, viết, tập và đồ chơi nhưng trong tôi lại cảm thấy xót xa, không biết bao giờ cuộc sống của các em mới được đổi thay.

Ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần đến đây chia sẻ khó khăn với mong muốn giúp bà con vơi bớt khó nhọc. Đợt này, đoàn vận động được 8.000 USD, trên 80 triệu đồng tiền mặt, 5 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con và sửa chữa các trường học đã xuống cấp. Đây là nguồn động viên, giúp cộng đồng người Việt tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.

Khát vọng lên bờ

Đã bao năm, cuộc sống của người Việt ở các làng chài trên Biển Hồ cứ lênh đênh chìm nổi theo con nước. Không có thu nhập khác ngoài đánh bắt thủy sản nên đói nghèo đeo bám mãi, lại sống trong cảnh không điện, không nước sạch, không dịch vụ y tế nên bà con rất vui khi được cộng đồng sẻ chia. Cũng vì không có các biện pháp tránh thai nên nhà nào cũng sinh 4-5 con, có cặp vợ chồng sinh 9-10 con nên khó chồng khó. Chị Lê Thị Thinh mới 35 tuổi nhưng trông như đã ngoài 50. Chị có 5 người con, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ mới 7 tháng. Hằng ngày chị ở nhà trông con, còn chồng đi làm thuê đủ nghề. Hay ông Nguyễn Văn Hợi, 50 tuổi, có 9 người con, đứa lớn ngoài 20, nhỏ mới sinh được mấy tuần. Chứng kiến điều kiện sống của những gia đình này, ai trong chúng tôi cũng ái ngại. Do cuộc sống cơ cực nên đa số bà con đều mong muốn được về Việt Nam hoặc lên bờ sinh sống...

Ông Hoàng Xuân Khoa cho biết thêm: Theo quy định mới của Campuchia, những người được cấp các giấy tờ trước năm 2014 đều không còn giá trị pháp lý, không được hỗ trợ bất cứ chính sách hay quyền lợi gì. Tất cả phải làm lại từ đầu. Một thông tin đáng mừng là từ năm 2014 đến nay, trong tổng số 2.400 người Việt sống trên Biển Hồ có 27% được cấp thẻ ngoại kiều. Những người được cấp thẻ phải đóng thuế thân liên tục trong 6 năm với số tiền 750 ngàn riel (khoảng 4 triệu đồng). Nếu thực hiện tốt sẽ được hưởng chính sách nhập cư, đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh, mua xe, mua nhà ở và các tài sản trên đất. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Xiêm Riệp đã làm việc và đề nghị Công ty cổ phần cao su Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh giúp đỡ người dân học nghề cạo mủ cao su. Nhiều lao động không chỉ được công ty đào tạo nghề mà còn hỗ trợ tiền, gạo và nơi ở. Tháng 4-2017, đã có 100 người được nhận vào làm công nhân với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Đây là cơ hội cho thanh niên nói riêng và các thế hệ người Việt ở đây sau này có điều kiện làm ăn, sinh sống trên đất liền của Việt Nam, thay đổi cuộc sống.

“Ngoài tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng hội, chính quyền sở tại và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm của Việt Nam, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động bà con nêu cao ý thức tự giác, không trông chờ, ỷ lại mà phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống” - ông Hoàng Xuân Khoa chia sẻ.

Chia tay làng chài, chiếc thuyền máy đưa đoàn về đất liền. Nhìn những căn nhà nổi khuất dần sau những cánh rừng lộc vừng đang nở hoa đỏ rực, hình ảnh 2 anh em Ngô Văn Hùng và Ngô Văn Mạnh vội vã lên xuồng, tránh cơn mưa chiều đang vần vũ khiến tôi nhớ mãi. Mạnh nhanh nhẹn xếp lại gạo, mì gói và sách vở cho khỏi bị ướt, em nhoẻn miệng cười vẫy tay chào mọi người như thể nói lời cảm ơn chân thành, còn Hùng cố gắng rướn hết sức khua mái chèo điều khiển con thuyền. Hy vọng một ngày không xa, thế hệ các em sẽ không còn đói nghèo, mà vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tươi sáng hơn.

Quang Minh

  • Từ khóa
93442

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu