Thứ 6, 26/04/2024 08:38:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:52, 29/03/2013 GMT+7

Ở bên sông vẫn thiếu nước

Thứ 6, 29/03/2013 | 14:52:00 160 lượt xem

>> Ấp Điện Ảnh rất cần hệ thống dẫn nước tưới

Đăng Hà là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bù Đăng, có sông Đồng Nai chảy qua địa bàn với chiều dài gần 10km. Thế nhưng ở xã này, “đến hẹn lại lên”, cứ đến mùa khô là hàng ngàn hécta cây trồng, hàng ngàn hộ dân nơi đây lại thiếu nước.

ĐIÊU ĐỨNG VÌ HẠN

Xã Đăng Hà có diện tích trồng lúa lớn nhất huyện Bù Đăng nhưng đang phải gồng mình chống hạn. Trên cánh đồng bậc thang gập ghềnh thửa vàng, thửa xanh manh mún, ông Thảo - một nông dân kỳ cựu ở đây nói: Cháu đi tìm hiểu khô hạn ở Đăng Hà vào dịp này là đúng rồi đó. Ở đây đang thiếu nước trầm trọng, khổ lắm. Nước sinh hoạt thì không thiếu nhiều vì vài năm gần đây, người dân Đăng Hà đã đầu tư thêm giếng khoan hoặc xây bể chứa nước mưa. Khó nhất vẫn là nước phục vụ sản xuất. Dân vùng này rất chịu khó làm ăn. Nhưng khổ nỗi, làm nông nghiệp “nhất nước, nhị phân, tam cần, tứ giống”, mà nước không có thì làm được gì. Mỗi năm người dân nơi đây chỉ canh tác được hai vụ lúa. Một số nơi trồng được 3 vụ nhưng vụ ba năng suất cũng thất thường. Chỉ tay về phía những vạt bắp chết khô, ông Thảo nói: Hơn 1 ha bắp nhà chú chỉ thu được khoảng 30kg hạt khô. Trừ chi phí phân bón, hạt giống thì không còn lãi.

khô hạn

Bãi dâu hơn 1 ha của gia đình ông Thành ở xã Đăng Hà (Bù Đăng) chết khô vì nắng hạn

Điều là một trong những loại cây trồng chịu hạn tốt, nhưng vụ này nông dân Đăng Hà chỉ thu được khoảng 2-3 tạ/ha. Với kinh nghiệm nhiều năm chuyển đổi cây trồng, bà Đàm Thị Tơ ở ấp 5 cho biết, đất Đăng Hà không thích hợp với cây điều. Phần lớn diện tích canh tác đều hạn hán vào mùa khô, ngập lụt vào mùa mưa nên rất khó để chuyển đổi cây trồng. Gia đình tôi đã từng đầu tư trồng điều, trồng bắp, đậu xen canh gối vụ, trồng cà phê... nhưng không cây nào sống nổi. Gia đình tôi đang đầu tư trồng dâu nuôi tằm và chuyển toàn bộ diện tích điều sang trồng tràm với hy vọng cây tràm sẽ trụ được trên vùng đất khó.

>> Thiệt hại do hạn hán khoảng 75 tỷ đồng

Ông Đinh Trung Thành, chồng bà Tơ tiếp lời: Tưởng cây tràm sẽ chịu được hạn nhưng trước tết Nguyên đán vừa qua, gia đình đầu tư trồng 6.500 cây tràm, nắng nóng kéo dài làm chết hết 2/3 diện tích. Ngoài diện tích tràm đã chết khô, 5 sào dâu của gia đình cũng chết hết 1/3. Nằm cạnh sông Đồng Nai, nếu có hệ thống tưới tiêu đầy đủ, sản xuất nông nghiệp ở Đăng Hà sẽ không thất bát như vậy. 

Ông Thành tính toán, nếu có nước tưới đầy đủ, cây dâu phát triển tốt thì nuôi tằm vào mùa khô lời gấp bội (mùa khô, nhộng tằm có giá 120 ngàn đồng/kg, còn mùa mưa chỉ bán được 60-70 ngàn đồng/kg). Đất Đăng Hà ngoài trồng lúa nước còn thích hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm.

TRĂN TRỞ MIỀN ĐẤT KHÁT

Chưa có số liệu thống kê cụ thể mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra nhưng tính đến thời điểm này, rất nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã Đăng Hà chết khô, giảm năng suất do nắng hạn kéo dài. Năng suất điều chỉ đạt 2 tạ/ha, nhiều diện tích lúa, bắp, keo lai, dâu tằm... chết cháy hoặc bỏ không vì không có nước để canh tác. Nước sinh hoạt của người dân không thiếu nhiều nhưng khoảng tháng 4, 5 sẽ hết. Một số điểm trường học đang thiếu nước trầm trọng, như: Điểm lẻ của trường mẫu giáo ở thôn 1, thôn 4; điểm lẻ của trường tiểu học thôn 2...

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Nhất cho biết, mục tiêu hàng đầu của chính quyền Đăng Hà là huy động mọi nguồn lực để tu sửa kênh mương nội đồng nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong lúc chờ nguồn vốn, một mặt xã tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để được đầu tư kênh mương, mặt khác định hướng cho nông dân chuyển đổi cây trồng, xen canh, đa canh các loại cây chịu hạn tốt như: dâu, bắp, đậu... và tìm thêm những giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn để thay thế những cây trồng cho năng suất thấp. Song song đó, chính quyền và ngành chức năng cũng phổ biến đến người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng; khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc nhằm tận dụng các bãi chăn thả vào mùa khô.

Ông Nhất cho rằng, nếu chủ động được nguồn nước, Đăng Hà có thể gieo cấy được 3 vụ lúa cho năng suất trung bình 2,5 tấn/ha. Làm được điều này thì người dân Đăng Hà chẳng mấy chốc khá lên. Nhưng ngặt nỗi, do khó khăn về kênh mương nội đồng, vào mùa khô hạn, một số hộ dân nhờ chủ động đắp đập lấy nước nên trồng được lúa, phần còn lại phải bỏ đất không. Trạm bơm Đăng Hà được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng nhiều năm nay không phát huy hiệu quả vì những bất cập khi đầu tư xây dựng... Nắm bắt được nhu cầu của người dân, năm 2012, UBND tỉnh đã cấp hơn 7 tỷ đồng để Đăng Hà cải tạo lại trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công trình đang trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa. Khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp đủ nước tưới quanh năm cho khoảng 200 ha cây trồng. Phần diện tích còn lại vẫn phải đợi mưa để gieo cấy.

Trăn trở, tính toán của chính quyền xã Đăng Hà là vậy nhưng việc chuyển đổi cây trồng không dễ. Đất Đăng Hà ngập lụt vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô nên việc chuyển đổi cây điều sang trồng cao su cũng không khả quan, vì đất không thích hợp cho cây cao su mà chỉ hợp với cây lúa nước...             

Minh Luận

  • Từ khóa
44527

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu