Thứ 5, 09/05/2024 00:06:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 21:23, 02/05/2016 GMT+7

Người S’tiêng mang họ gì?

Thứ 2, 02/05/2016 | 21:23:00 9,646 lượt xem
BPO - Đồng bào dân tộc S’tiêng ở tỉnh Bình Phước là một bộ phận cư dân bản địa cư trú lâu đời và có nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp cho bà con ngày có cuộc sống ổn định và phát triển. Tuy vậy, do trình độ dân trí chưa cao nên trong cuộc sống hằng ngày, nhất là khi quan hệ với chính quyền để làm các loại giấy tờ thì bà con rất ngại. Một trong những e ngại ấy xuất phát từ cái họ của đồng bào. Chúng tôi đã gặp một số trường hợp khá hy hữu.

Đồng bào S’tiêng trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ảnh minh họaĐồng bào S’tiêng trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ảnh minh họa

Tại trụ sở UBND xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, chúng tôi gặp ông Điểu Hương đến làm giấy khai sinh cho con. Cán bộ tư pháp xã hỏi: Cháu mang họ gì? Ông bảo, nó là Thị Hoa và giải thích: Người dân tộc chúng tôi con gái sinh ra chỉ có chữ Thị phía trước, còn họ thì chắc là “họ Thị” chứ họ gì nữa”. Khi về xã Đồng Nai (Bù Đăng), gặp ông Điểu K’Nam, ngụ ấp 3, hỏi về họ, ông cho biết: Trước đây tôi không có họ, nhưng khi khai lại giấy khai sinh, anh cán bộ xã viết chữ Điểu phía trước, nên nay mang họ Điểu.

Trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) hiện có hơn 80% học sinh là con em đồng bào S’tiêng. Thầy Nguyễn Phi Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều em vào lớp 1 không có giấy khai sinh đã là một việc khó cho trường. Nhưng một số em gái có giấy khai sinh nhưng lại ghi họ là Thị, mà Thị không phải là họ. Rất mong chính quyền, nhất là ngành tư pháp khi làm giấy khai sinh cần thỏa thuận với gia đình để ghi đúng họ, chứ họ Thị có vẻ không ổn.

Hầu hết các em nữ người S’tiêng mang họ Thị. Trong ảnh, trẻ em S’tiêng ở huyện Bù Đăng vui đùaHầu hết các em nữ người S’tiêng mang họ Thị. Trong ảnh, trẻ em S’tiêng ở huyện Bù Đăng vui đùa

Qua tìm hiểu từ các vị già làng ở một số nơi trong tỉnh và được biết, hầu hết đàn ông người S’tiêng đều mang họ Điểu, nhưng phụ nữ chủ yếu vẫn là Thị. Đã có người lấy họ là Điểu, ví như Điểu Thị… nhưng theo các già làng thì đó chỉ để cho dễ làm giấy tờ, nhất là giấy khai sinh cho lũ trẻ đi học. Tìm hiểu nhiều tài liệu, đáng chú ý là cuốn sách “Cách dùng họ và đặt tên của các dân tộc Việt Nam” của tác giả Nguyễn Khôi (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2006), thì dân tộc S’tiêng còn gọi Xa Điêng, là hậu duệ của người Phù Nam xưa ở Nam Bộ. Trước đây, họ con trai là K' để trước tên như K'Lư; con gái là Thị... Ví dụ: Thị Diêm, Thị Em. Ngày nay, người S’tiêng ở nhiều nơi đã định canh định cư, từng gia đình làm nhà ở riêng. Điểu là họ phổ biến khắp vùng S’tiêng. Người theo Thiên Chúa thì lấy họ Lê (Lê K' Bang).

Phụ nữ S’tiêng nếu họ chỉ mang chữ Thị phía trước sẽ rất khó trong việc làm giấy tờ. Còn nếu lấy họ Điểu, họ Lê thì một số bà con không muốn, vì họ cho rằng “ông bà đã bảo vậy thì phải làm vậy”… Một số nơi bà con đã ngầm thỏa thuận, đó là cùng một cha một mẹ sinh ra thì có họ giống nhau, vì vậy đàn ông mang họ Điểu như Điểu Hưng, Điểu K’Lốt… và đàn bà cũng mang họ Điểu nhưng có chữ lót là Thị. Đây có lẽ là cách tốt nhất hiện nay để tạo thuận lợi cho đồng bào trong việc làm các loại giấy tờ, nhất là giấy khai sinh cho con khi mới ra đời.

Kim Tiến

  • Từ khóa
92056

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu