Thứ 4, 08/05/2024 21:43:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:19, 18/07/2018 GMT+7

Nghị lực sống của hai phụ nữ khuyết tật

Thứ 4, 18/07/2018 | 15:19:00 1,539 lượt xem

BP - Câu lạc bộ người khuyết tật được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Phước Long thành lập với 12 thành viên nhằm quy tụ, gắn kết những người không may bị khiếm khuyết trên địa bàn. Qua đó chia sẻ, động viên nhau khắc phục khó khăn, hướng tới cuộc sống tươi đẹp. Chị Văn Châu Thảo (1982), ngụ khu phố Phước Vĩnh, phường Phước Bình và bà Hồ Thị Kim Sương (1966), ngụ khu phố 2, phường Thác Mơ, đều bị khuyết tật vận động, đã có ý chí vươn lên mạnh mẽ, là tấm gương về nghị lực sống.

Chân yếu thì tay phải mạnh

3 tuổi, chị Thảo bị sốt nặng dẫn đến bại liệt, teo cơ cả 2 chân không đi lại được. Lên 6 tuổi, chị được vào Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị. Sau 2 năm tập vật lý trị liệu, chị đã đi lại được bằng nạng. Tuy nhiên, quá trình vận động bất tiện và không làm được việc nên chị bỏ nạng di chuyển bằng cả tay và chân nhưng chủ yếu dùng sức của đôi tay di chuyển để lao động, làm chủ cuộc sống.

Chị Thảo (phải) giới thiệu sản phẩm hạt điều rang muối với Chủ tịch Hội LHPN thị xã Phước Long

Chị Thảo nhớ lại: “Năm 1993, tôi bắt đầu đi cạo vỏ lụa hạt điều tại xưởng cách nhà 100m. Để thuận tiện hơn trong di chuyển, tôi dùng xe nhựa 3 bánh trẻ con tập đi chế lại dùng tay đạp thay chân. Quá trình làm công nhân, nhờ chịu khó và quyết tâm nên được mọi người quý mến, giúp đỡ tôi nhập hàng, trả hàng. Có việc làm và thu nhập là động lực giúp tôi vươn lên. Tôi nghĩ, tôi kém người khác đôi chân thì phải có đôi tay mạnh hơn. Không được học văn hóa thì phải nỗ lực học hỏi làm việc”.

Năm 2005, chị Thảo về nhà bán hạt điều rang muối. Thời điểm đó chưa có nhiều người kinh doanh mặt hàng này. Do vậy chị rang đến đâu, tự rút kinh nghiệm đến đó. Qua nhiều lần rang thất bại chị đã tìm ra bí quyết riêng. Phương châm là làm ít, chất lượng, chủ yếu bán lẻ tại chỗ và bán sỉ cho một số tiểu thương ở thành phố Hồ Chí Minh là mối quen của gia đình. Hạt điều chị mua của hộ dân quanh vùng nên đảm bảo sạch, hạt đều đẹp, chất lượng thơm ngon. Sản phẩm được đóng hộp nhựa và túi hút chân không, rang đến đâu bán hết đến đó. Hiện chị Thảo rang thủ công với bình quân 300-400kg/tháng. Nhiều khách hàng đặt số lượng lớn nhưng vì điều kiện sức khỏe nên chị không nhận. Nghề này đã cho chị thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.

Chị Thảo cho biết thêm: “Mình khuyết tật nhưng còn may mắn hơn nhiều người. Tôi chưa bao giờ chán nản, tiêu cực vì tình thương của cha mẹ, gia đình và những người xung quanh đã giúp tôi tự tin hòa nhập. Hiện tôi sống khỏe với thu nhập ổn định và luôn hài lòng về cuộc sống của mình”.

Khuyết tật nhưng đa tài

Cũng do sốt dẫn đến teo cơ chân phải, bà Hồ Thị Kim Sương may mắn hơn chị Thảo là vẫn đi lại được. Sau khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn năm 1987, Sương được nhận vào làm nhân viên thư viện Trường tiểu học Thác Mơ. nghĩ, sức yếu, điều kiện khó khăn thì phải tích cực học hỏi. Sau 2 năm làm quen với môi trường sư phạm, bắt đầu nhận giữ trẻ tại nhà. Ban đầu giữ một mình, sau đó tuyển những nữ sinh THPT yêu trẻ có nhu cầu kiếm thêm thu nhập phụ việc. Đến năm 2010, Phước Long phát triển mạnh về lĩnh vực chế biến hạt điều, kéo theo nhiều gia đình công nhân đến làm việc, nhu cầu gửi trẻ tăng cao trong khi trường công quá tải, Sương mạnh dạn vay mượn đầu tư thành lập nhóm trẻ tư thục Họa My. Có cơ sở vật chất an toàn, rộng rãi, thoáng mát, đội ngũ nhân viên làm việc trách nhiệm, vừa hoàn thành nhiệm vụ tại trường vừa phát triển được kinh tế từ cơ sở nhóm trẻ tư thục. Năm 2016, vì điều kiện sức khỏe, Sương xin nghỉ việc trước tuổi. Với số tiền lĩnh được 120 triệu đồng, bà mở một tiệm bán đồ nhựa, thiết bị gia dụng và một cửa hàng bán quần áo phụ nữ, trẻ em.

Bà Sương (phải) giới thiệu tiệm bán quần áo và ý tưởng mở lớp dạy may cho phụ nữ khuyết tật với Chủ tịch Hội LHPN thị xã Phước Long

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà trẻ, tạp hóa, gương mặt Sương luôn rạng rỡ, tươi tắn. Bà nói: “Những đứa trẻ ở đây phần lớn con nhà nghèo, một số trẻ cũng bị khuyết tật nên tôi miễn giảm một phần học phí cho cha mẹ các cháu đỡ vất vả. Tiệm bán đồ nhựa gia dụng giao chồng quản lý. Tôi tự hào về gia đình mình bởi chồng hiền lành và biết chia sẻ. 2 con trai giờ đã trưởng thành, con lớn tốt nghiệp đại học, làm việc trong doanh nghiệp với mức lương khá; con trai thứ hai đang học đại học năm thứ 2, ngành ngôn ngữ Anh”.

Nói về dự định sắp tới, Sương cho biết: “Do có nghề may từ trước nên tôi có ý tưởng xin các cấp hỗ trợ để mở lớp dạy nghề may cho phụ nữ trong câu lạc bộ, giúp chị em có thêm việc làm, thu nhập. Bởi phụ nữ khuyết tật rất vất vả, họ cần được chia sẻ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Trực tiếp thăm và tìm hiểu cuộc sống của Sương và chị Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Phước Long Phạm Thị Liễu đánh giá cao nghị lực và ý chí vươn lên, không đầu hàng số phận của 2 hội viên. Bà Liễu cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các thành viên trong câu lạc bộ về những tấm gương người thật việc thật làm động lực để người khuyết tật tự tin phấn đấu vươn lên, khơi dậy khát vọng sống đẹp, có ích.   

Quang Minh 

  • Từ khóa
21519

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu