Thứ 6, 26/04/2024 16:52:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:52, 08/08/2013 GMT+7

Lễ hội Phá bàu - nét đẹp văn hóa của dân tộc Khơme ở Bình Phước

Thứ 5, 08/08/2013 | 14:52:00 317 lượt xem

Anh Phạm Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng Bình Phước cho biết: Bảo tàng đã phục dựng hàng chục lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Xêtiêng, Khơme, nhưng chỉ có lễ hội Phá bàu thực hiện ở xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) là có hiệu quả. Ông Lâm Khên, Chủ tịch UBMTTQ xã Lộc Khánh khẳng định: Lễ hội Phá bàu đi vào thực tiễn, được nhân dân hưởng ứng vì mang tính cộng đồng, thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần đoàn kết của đồng bào sau ngày mùa...

ĐI VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

Năm 2010, sau nhiều năm bị lãng quên, Hội đồng già làng xã Lộc Khánh đã tổ chức lễ hội Phá bàu, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tháng 7-2011, Bảo tàng Bình Phước phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Lộc Ninh và Đảng ủy, Hội đồng già làng xã Lộc Khánh phục dựng lễ hội Phá bàu của dân tộc Khơme tại bàu nước tự nhiên Sa Lét, ấp Trà Đôn. Lễ hội thu hút khoảng 1.000 lượt người tham dự, trong đó có cả đồng bào dân tộc Khơme, Xêtiêng ở các xã trong huyện và các huyện Hớn Quản, Bù Đốp, thị xã Bình Long tham dự. Sau thành công này, mùa khô năm 2012, 2013, tại bàu Sen và bàu Ka Bót, ấp Sóc Lớn, Hội đồng già làng xã Lộc Khánh tiếp tục tổ chức lễ hội Phá bàu.


Các già làng chuẩn bị mâm lễ xin trời đất, ông bà cho con cháu bắt cá

Ông Lâm Khên cho biết: Từ thực tế 3 năm diễn ra lễ hội, Hội đồng già làng và UBND xã Lộc Khánh đã chọn bàu nước tự nhiên Ka Bót, nằm giữa cánh đồng lúa một vụ nhờ nước trời để tổ chức lễ hội Phá bàu hàng năm. Bàu Ka Bót nằm ở trung tâm xã, thuận lợi cho người dân trong và ngoài huyện đến tham dự. Mùa mưa bàu Ka Bót ngập tràn nước, nhưng mùa khô nước rút, cánh đồng xung quanh khô ráo tạo thành sân bãi để tổ chức lễ hội.

Theo giải thích của già Lâm Bức, Phó chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Khánh: Phá bàu (Dô ta miên) là lễ hội truyền thống của dân tộc Khơme ở Bình Phước. Ngoài phản ánh hoạt động đánh bắt thủy sản từ thiên nhiên, lễ hội còn là hoạt động văn hóa truyền thống chứa đựng giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc Khơme ở Bình Phước. Lễ hội Phá bàu được tổ chức vào mùa khô, trước tết Chôl Chnăm Thmây. Trước đây, theo quy định của dân làng, bàu nước tự nhiên là tài sản chung của cộng đồng, già làng là người đại diện quản lý. Trong thời gian 1 năm, khi chưa được phép của già làng, không ai có quyền đánh bắt cá ở bàu. Nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị phạt, nặng nhất là 1 con heo.

BẢO TỒN, PHÁT HUY NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Lễ hội Phá bàu đang dần bị mai một bởi các hoạt động đánh bắt cá mang tính hủy diệt như rà, chích điện. Sau khi phục dựng các lễ hội, theo nguyện vọng người dân, lễ hội Phá bàu được tổ chức hàng năm đã trở thành ngày hội đoàn kết, đáp ứng đời sống tinh thần của người dân.

Anh Phạm Hiến cho biết thêm: Trước khi phục dựng lễ hội Phá bàu, bảo tàng đã khảo sát nhiều lần, tham khảo và lấy ý kiến đóng góp của các già làng ở Lộc Khánh. Sau lễ phục dựng và kể cả lễ do xã tổ chức, Bảo tàng Bình Phước họp với Đảng ủy, UBND xã và các già làng để rút kinh nghiệm, bổ sung những phần thiếu thuộc về nghi lễ.

Xã Lộc Khánh hiện có 41% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khơme. Bảo tàng chọn Lộc Khánh để phục dựng lại lễ hội Phá bàu vì có cộng đồng người Khơme sinh sống đông, lâu đời và có tinh thần đoàn kết. Hội đồng già làng xã có 7 thành viên, là những người có uy tín trong khu dân cư, có trách nhiệm bảo tồn, truyền bá văn hóa dân tộc cho các thế hệ con cháu.

Lễ hội Phá bàu được người Khơme ở xã Lộc Khánh tổ chức hàng năm đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Khơme, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.   

 Phương Hà

  • Từ khóa
90575

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu