Thứ 6, 26/04/2024 07:56:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:58, 08/12/2017 GMT+7

Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn 302 - địa chỉ đỏ về lịch sử, văn hóa

Thứ 6, 08/12/2017 | 06:58:00 7,137 lượt xem
BP - Ngày 2-12, tại Làng 2, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh), các tướng lĩnh, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; chỉ huy, nguyên chỉ huy Sư đoàn bộ binh 302 (Quân khu 7) anh hùng và nhân dân huyện Lộc Ninh đã tổ chức khánh thành khu di tích nơi thành lập đơn vị và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Thành lập ở địa danh lịch sử “Dốc 31”, với kiến trúc đậm nét văn hóa dân tộc kết hợp kiến trúc hiện đại, Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn 302 đã thêm vào danh mục du lịch lịch sử - văn hóa ở huyện biên giới Lộc Ninh.

SƯ ĐOÀN BỘ BINH 302 ANH HÙNG

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thược (91 tuổi), nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 302 (B02) ngày đầu thành lập xúc động cho biết: Thành lập sau năm 1975, sư đoàn được xây dựng trên nền tảng của khung Sư đoàn 2 đặc công Miền và một phần của Sư đoàn 3. Đội hình của sư đoàn là những đơn vị từng chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến giải phóng dân tộc (1945-1975). Chỉ sau 3 ngày thành lập, Sư đoàn 302 đã cùng các đơn vị trong lực lượng vũ trang quân khu thực hiện Chiến dịch “K1” đánh đuổi lực lượng Khơme phản động xâm lấn biên giới, hoàn thành tốt nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch tại các vị trí cầu Đảo, cầu Sông Chiêu, Kà Chay (đường số 7) và cơ động đánh địch phản kích tại nam cầu Cát Đai, ngã ba Sum (đường 13). Ngoài nhiệm vụ phòng thủ biên giới, sư đoàn còn được giao nhiệm vụ đặc biệt là tổ chức lực lượng trinh sát tinh nhuệ bí mật luồn sâu vào hậu cứ địch, giải thoát trên 4.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân Campuchia đang bị tàn quân Pol Pot truy diệt. Trong số cán bộ, chiến sĩ được giải thoát, nhiều người sau này trở thành cán bộ cấp cao của quân đội và Nhà nước Campuchia.

Cổng Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn bộ binh 302 anh hùng

“Chiến công nối tiếp chiến công, phát huy thắng lợi trên mặt trận đường số 7, đường số 13, sư đoàn đã tổ chức các đơn vị tiếp tục lập công lớn trong chiến dịch mùa khô 1978-1979, tiến công giải phóng nhiều huyện thuộc tỉnh Kompongchàm, cứu nhân dân nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot, truy quét địch và cứu đói, cứu đau cho nhân dân thuộc các tỉnh Kompongthom, Xiêm Riệp, Ốt Đômiênchay. 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền (1979-1989) Sư đoàn 302 cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam trở về nước, kết thúc vẻ vang một thập kỷ vẹn tình, trọn nghĩa giúp nhân dân Campuchia từ đống tro tàn của chế độ diệt chủng, đứng lên làm cách mạng và hồi sinh đất nước. Sư đoàn 302 đã được tặng thưởng 11 Huân chương Quân công, 71 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 9.947 Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng Co” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thược cho biết.

Ngày 22-12-1979, Sư đoàn 302 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương “Đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, quyết chiến quyết thắng”. Trước và sau lễ khánh thành, đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, Sư đoàn 302 đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo tại 2 xã Lộc Thái, Lộc Thuận. Sư đoàn 302 đã kết nghĩa với huyện Lộc Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới trên biên giới.

ĐỊA CHỈ ĐỎ về LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Khu di tích lịch sử nơi thành lập Sư đoàn 302 cạnh Tượng đài C31. Địa danh Dốc 31 ở Làng 2, xã Lộc Thuận ghi dấu chiến công của Đại đội 31 anh hùng. Khuôn viên khu rộng 10.000m2, trong đó diện tích xây dựng hơn 2.166m2 với các hạng mục: cổng, hàng rào; nhà bia trung tâm; nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; bức phù điêu; nhà văn hóa và hạng mục phụ trợ. Công trình khởi công ngày 9-7-2017, tổng mức đầu tư 11,886 tỷ đồng do các doanh nghiệp, xí nghiệp thuộc Quân khu 7 và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ. Công trình được thiết kế theo kiến trúc hoa văn truyền thống dân tộc, kết hợp kiến trúc hiện đại.

Nhà bia trung tâm có tổng diện tích 182,5m2, dài 16,9m và rộng 10,8m, gồm 3 gian thông nhau, diện tích 72m2, chính giữa bố trí bia tưởng niệm cao 2,55m, rộng 0,8m, dày 0,3m, khắc hoa văn xung quanh. Nhà bia được thiết kế theo lối truyền thống cột tròn, mái cong có hoa văn với 2 tầng mái ngói, kết cấu xây dựng bê tông cốt thép sơn giả gỗ; sàn lát đá hoa cương và gạch men nhằm đảm bảo độ bền vững, thẩm mỹ của công trình.

Bức phù điêu kết cấu bê tông cốt thép, nền móng vững chắc; mặt trước điêu khắc, đúc ghép bằng chất liệu composite, sơn nhũ vàng, có diện tích tổng thể 87,5m2. Bức phù điêu được chia làm 3 phần chính, gồm mảng trung tâm là hình tượng Bác Hồ và người chiến sĩ của sư đoàn, Quân kỳ Quyết thắng và huân chương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời thể hiện sự chuyển tiếp truyền thống lịch sử của các đơn vị trong sư đoàn. Phía bên trái nhìn từ dưới lên thể hiện truyền thống của các trung đoàn được thành lập từ trong kháng chiến chống Pháp như Trung đoàn 88, trong kháng chiến chống Mỹ như Trung đoàn 429, 201. Phía bên phải thể hiện những nét truyền thống của sư đoàn từ khi thành lập đến nay, tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế và các hoạt động của sư đoàn trong xây dựng đơn vị hiện nay.

Nhà tưởng niệm là nơi ghi danh 4.811 liệt sĩ của sư đoàn hy sinh từ khi thành lập đến nay trên nền đá hoa cương màu đen, chữ vàng gắn xung quanh bên trong nhà tưởng niệm. Nhà tưởng niệm có tổng diện tích 155m2, với chiều dài 12m, rộng 9m, gồm 3 gian được bố trí thông nhau.

Không chỉ là địa chỉ du lịch lịch sử, công trình còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, là địa chỉ đỏ để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 và các tầng lớp nhân dân đến thăm, học tập, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

P.Hà

  • Từ khóa
19516

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu