Thứ 6, 26/04/2024 23:17:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 14/11/2011 GMT+7

Doanh nghiệp thiếu lao động, vì sao?

Thứ 2, 14/11/2011 | 00:00:00 280 lượt xem

Sau 15 năm tái lập tỉnh, Bình Phước hiện đã có 8 khu công nghiệp được chia thành 18 khu công nghiệp nhỏ. Trong các khu công nghiệp, đã có 51 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất - kinh doanh thu hút hàng ngàn lao động (LĐ). Tuy nhiên, một thực tế diễn ra là DN đang “khát” LĐ, trong khi LĐ ở các vùng nông thôn lại thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.

THỪA LAO ĐỘNG Ở ĐỊA PHƯƠNG

Bình Phước đang ở thời kỳ “dân số vàng”, với số người trong độ tuổi từ 15 trở lên thuộc lực lượng LĐ chiếm 58,3% tổng số dân, phần lớn tập trung ở khu vực nông thôn, là cơ hội lớn cho các DN đến đầu tư tại tỉnh tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế số LĐ ở vùng nông thôn đi làm việc tại các DN lại rất ít.

Làm thuê trong các nông trại được 3-4 triệu đồng/tháng đã thu hút nhiều lao động nông thôn

Tìm hiểu tâm lý của người LĐ ở các vùng nông thôn cho thấy, họ muốn làm việc thoải mái, không bị gò bó về thời gian, quy định pháp luật. Với ưu thế là một tỉnh có thế mạnh về cây lâu năm nên tại các vùng nông thôn cũng có rất nhiều cơ hội cho người LĐ lựa chọn công việc. Người LĐ có thể xin vào làm tại các cơ sở chế biến nông sản, hoặc đi làm công trong các nông trại cao su tiểu điền, không phải ràng buộc quá nhiều về thời gian. Anh Điểu Ôi (35 tuổi ở Hớn Quản) cho biết: “Không muốn vào làm ở công ty, ở nhà mùa nào cũng tìm được việc, hết đi lượm điều thuê thì đi bốc vác, nghỉ một thời gian thì đi mót mủ cũng kiếm được tiền. Gần nhà, có mấy người đã từng đi làm ở công ty nhưng bỏ hết rồi. Nghe nói làm ở đó ít tiền mà làm cả ban đêm nên không chịu nổi”.

Ở nông thôn, khi đến mùa vụ, người dân tranh thủ thu hoạch vườn rẫy nhà mình, sau đó mới tính chuyện đi làm thuê tăng thu nhập. Có hộ tới 5 người nhưng chỉ ở nhà làm chừng 6-7 sào vườn, thời gian dư thừa quá nhiều nhưng không ai muốn làm công nhân trong khu công nghiệp. Gia đình chị Nguyễn Thị Na (23 tuổi ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) có 4 người trong độ tuổi LĐ đang làm nghề đánh bắt cá, thời gian rảnh rỗi nhiều nên chị nhận hạt điều về gia công để có thêm thu nhập.

DOANH NGHIỆP THIẾU LAO ĐỘNG

Phiên giao dịch việc làm lần II năm 2011 của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho thấy, nhu cầu tuyển LĐ của các DN luôn ở mức cao. Tại phiên giao dịch, 26 DN có nhu cầu tuyển 18.270 LĐ, nhưng số LĐ tham gia tìm hiểu chỉ có 670 người và cuối phiên giao dịch số LĐ tuyển dụng được rất ít. Khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, có nhiều công ty treo băng rôn ngay trước cổng với nội dung “Cần tuyển gấp LĐ nữ phổ thông”, hay “Cần tuyển 100 LĐ phổ thông”... nhưng vẫn chưa tìm đủ lượng người cần tuyển dụng. Theo nhu cầu các DN, ít thì cần tuyển vài ba chục LĐ, nhiều thì đến hàng trăm LĐ.

Hiện ở 8 khu công nghiệp có 51 DN đang hoạt động sản xuất - kinh doanh thu hút 7.250 LĐ. Thế nhưng, số LĐ này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN. Đại diện Công ty TNHH Auntex (TX. Đồng Xoài) cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may nên ưu tiên tuyển LĐ nữ. Thế nhưng LĐ vào làm được một thời gian ngắn, thấy DN khác có ưu đãi hơn thì nghỉ việc, mặc dù công ty thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm, tiền lương, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà trọ bằng các phí sinh hoạt, trách nhiệm...

Hàng năm, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn LĐ với đủ các bậc từ phổ thông, học nghề đến cao đẳng, đại học. Các ngành nghề thường tuyển dụng là chế biến gỗ, may mặc, dệt nhuộm, sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng ôtô, gia công cơ khí, linh kiện điện tử, luyện cán thép... Nhưng, sau Tết Nguyên đán, các DN thiếu lao động trầm trọng bởi lý do công nhân về quê ăn tết không trở lại làm việc.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Nghịch lý DN thiếu LĐ nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao ở vùng nông thôn đã tồn tại từ nhiều năm nay. Khó tuyển được LĐ đạt yêu cầu đang là nỗi lo của nhiều DN. Nguyên nhân là do chế độ tiền lương chưa hợp lý, bất cập trong chính sách về nhà ở, bảo hiểm... nên người LĐ không gắn bó với DN. Anh Nguyễn Vũ Thế Nam (quê ở Nghệ An) tìm việc làm tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành) nói: “Chỉ tiêu tuyển dụng nam giới ít, tìm được công ty có tuyển LĐ nam thì mức thu nhập lại thấp. Tính cả các khoản phụ cấp tăng ca, đi lại, độc hại, lương cũng chỉ dao động từ 2,2-2,5 triệu đồng/tháng. Với giá cả tăng cao như hiện nay, chỉ tính tiền thuê nhà trọ và sinh hoạt hằng tháng thì không đủ sống”.

Nguyên nhân nữa là người LĐ còn hạn chế về năng lực, chuyên môn nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Phía DN thì cho rằng, do không được đào tạo bài bản, không phải là công nhân công nghiệp theo đúng nghĩa nên ý thức và tính kỷ luật của người LĐ chưa cao. Vì thế, họ thường “đứng núi này trông núi nọ”. Mặt khác, trước đây người LĐ từ miền Bắc, Trung vào Nam tìm việc nhưng nay ở các tỉnh phía Bắc cũng có nhiều khu công nghiệp thu hút đầu tư nên người lao động lại trở ra làm cho các DN ở quê nhà.

Hiện nay, ngành cao su đang thời hoàng kim, công nhân cao su có thu nhập cao nên một lượng lớn LĐ nông thôn đổ dồn xin vào làm việc tại các nông trường, nhà máy của các công ty cao su. Số còn lại làm việc cho các trang trại hộ gia đình cũng có thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ, xây dựng cũng đang phát triển khá nhanh, đơn cử như làm phụ hồ cũng có thể kiếm được 100- 150 ngàn đồng/ngày. Như vậy, so với làm việc trong nhà máy, công ty thì thu nhập của LĐ tự do cao hơn.

GIẢI BÀI TOÁN THIẾU LAO ĐỘNG

Hiện nay ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, một số DN đã trực tiếp đến các tỉnh, thành tìm kiếm LĐ. Để thu hút người LĐ, DN đã đưa ra những chính sách đãi ngộ như: Tuyển người LĐ vào đào tạo nghề, trong thời gian học việc vẫn có lương và phụ cấp học việc, có chỗ ở miễn phí, xây nhà trẻ cho con công nhân và có xe đưa đón; bảo đảm các chế độ tiền ăn, may đồng phục và được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Đặc biệt, có công ty còn hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ hàng tháng cho người LĐ có con dưới 5 tuổi, hoặc đưa ra điều kiện môi trường làm việc sạch sẽ và có phòng nghỉ cho nhân viên... Một số công ty còn về tận huyện, thị ở các tỉnh miền Bắc, Trung tìm cách vận động, cam kết mức lương, thưởng và nhiều chế độ hấp dẫn. Nhờ có những ưu đãi đó nên mấy năm gần đây, nhiều DN ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đã cải thiện được tình trạng thiếu LĐ trầm trọng.

Do vậy, ở Bình Phước muốn giải bài toán thiếu LĐ hiệu quả nhất, trước hết các DN phải cải thiện đời sống của người LĐ. Ngoài mức lương phù hợp, DN phải có chế độ đãi ngộ tốt hơn về tiền thưởng, bảo hiểm, nhà ở miễn phí, tiền ăn... Thực tế, do thiếu LĐ nên nhiều DN đã áp dụng biện pháp tăng ca, đây cũng là cách để LĐ có thêm thu nhập. DN thực hiện trả giờ làm thêm bằng 200% lương ngày bình thường theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên khi tăng ca quá mức, về lâu dài, công nhân không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Để bảo đảm phát triển bền vững thì DN trong tỉnh cần học tập các DN ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để “hút” và “giữ chân” người LĐ. Đồng thời, giữa DN và cơ sở dạy nghề phải có sự hợp tác chặt chẽ trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng tay nghề cho đội ngũ LĐ vùng nông thôn.

Hải Châu

  • Từ khóa
91900

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu