Thứ 5, 25/04/2024 12:00:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:08, 19/07/2016 GMT+7

Hòn đảo của chim trời

Thứ 3, 19/07/2016 | 08:08:00 941 lượt xem
BP - Quần đảo Thổ Châu (Thổ Chu) nằm phía Tây Nam đảo Phú Quốc và được xem là vùng cực tây nam của nước ta. Toàn bộ quần đảo này thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nằm cách bờ vịnh Rạch Giá 198km. Thổ Châu gồm 8 hòn đảo, trong đó Hòn Nhạn là một đảo rất đặc biệt, bởi đây là “vương quốc” riêng của loài chim nhạn. Vì vậy, người ta còn gọi nó là hòn đảo của chim trời.

Hòn Nhạn có diện tích trên 2.000m2, đỉnh cao nhất so với mặt nước biển khoảng 40m. Đảo không có cây, chỉ toàn đá trắng xếp chồng lên nhau, tạo thành nhiều hang cạn, làm nơi trú ngụ cho loài nhạn (họ chim én). Từ lâu, loài chim quý này đã lựa chọn vùng biển đảo tươi đẹp làm nơi cư trú nên cái tên đảo Hòn Nhạn cũng ra đời từ đó. Tháng tư biển động, nhạn từ khắp nơi kéo về hội tụ trên Hòn Nhạn, chúng săn mồi, bắt cặp, đẻ trứng để duy trì nòi giống. Khi sóng êm, biển lặng, chúng bay đi chỉ còn lác đác vài con trên đảo. Từ đỉnh cao đảo Thổ Châu nhìn xuống, Hòn Nhạn trông giống chiếc thuyền đá trôi bềnh bồng, lờ mờ giữa biển trời. Đặc biệt, Hòn Nhạn còn là nơi được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam.

Theo ngư dân trên đảo Thổ Châu, ngày xưa chim nhạn ở đây rất nhiều và thân thiện, có hai loài nhạn là nhạn ô và nhạn trắng. Tuy nhiên, những năm vừa qua, nhiều người ra đảo bắt nhạn và lấy trứng nên số lượng ngày càng ít dần và chúng trở nên nhát, hoảng sợ bay loạn xạ khi thấy ghe tàu hoặc bóng người xuất hiện gần đảo. Chim nhạn là biểu tượng của chính hòn đảo này, vì vậy công tác bảo vệ cũng như trợ giúp duy trì nòi giống cho chúng đã được các ngành, các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm hơn. Ý thức được giá trị của loài chim nhạn, cũng như vai trò của chúng trong việc góp phần làm đa dạng sinh vật các loài chim biển, các lực lượng hải quân, biên phòng, công an xã đảo Thổ Châu đã phối hợp cùng triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nạn bắt chim, lấy trứng nhằm bảo tồn loài chim nhạn. Các thành viên tham gia công tác này đã tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm của người dân trong việc săn bắt chim nhạn; tổ chức khảo sát và tìm hiểu tập quán sinh trưởng của loài chim nhạn, đánh dấu chi tiết trên bản đồ những khu vực chim thường đẻ trứng để có biện pháp bảo vệ trứng và chim non trước những hiểm họa từ thiên nhiên và con người gây ra. Nhờ đó, hiện nay từng đàn chim lại tiếp tục cùng tìm về Hòn Nhạn sinh sống. Người xưa có câu “Đất lành chim đậu”, vì vậy Hòn Nhạn không chỉ là vị trí của điểm chuẩn lãnh hải Tổ quốc mà còn là vùng biển có “đất lành” cho phát triển kinh tế biển đảo.

Hòn Nhạn là một trong những biểu tượng sinh động của đảo Ngọc nói chung và quần đảo Thổ Châu nói riêng. Nơi đây hứa hẹn là một trong những điểm đến, thu hút lượng khách du lịch về Phú Quốc trong thời gian tới. Để đến được với Hòn Nhạn phải đi từ bến tàu Bãi Vòng, đến cầu tàu Bãi Ngư, sau đó tiếp tục ra đảo Nhạn bằng ca nô. Đến Hòn Nhạn còn là dịp để du khách tắm mình trong làn nước biển xanh, lặn ngắm san hô đủ màu sắc, kiểu dáng. Ai cũng thích thú khi vào mỗi buổi hoàng hôn trên biển, ngồi tựa lưng vào phiến đá trắng để câu cá trong không gian đầy tiếng nhạn kêu. 

Mùa gió nam biển động nhiều nhưng cũng có lúc sóng yên, trời nắng. Đây là thời điểm lý tưởng cho chuyến du ngoạn đảo Thổ Châu khi đàn chim nhạn tìm về nơi sinh sản trên Hòn Nhạn. Chim nhạn thường đẻ từ 1-2 trứng trên tảng đá trơ trọi hoặc trong hốc đá. Chúng không ấp trứng như các loài chim khác, chỉ canh chừng trứng trong vòng 1 tháng. Khi nhạn con nở, chim bố mẹ tìm mồi về đút cho nhạn con ăn. Mùa nhạn đẻ, khi đi trên đảo này phải quan sát kỹ ở từng bước chân, kẻo giẫm đạp lên trứng nhạn. Mỗi phiến đá gần như đều có trứng nhạn, trứng màu trắng gần giống màu đá. Khi hết mùa nhạn đẻ (từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch), chúng sẽ di chuyển đi nơi khác sinh sống cho tới mùa sau mới về lại hòn đảo này.

Quần đảo Thổ Châu gồm 8 đảo là: Thổ Chu, Hòn Tử, Hòn Cao Cát, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Đá Bàn, Hòn Xanh và Hòn Cao. Đảo Thổ Chu thuộc quần đảo này lần đầu tiên được đề xuất thành lập khu bảo tồn biển vào năm 1995. Tiếp đó, Ngân hàng Phát triển châu Á đã đề xuất việc xây dựng khu bảo tồn biển đảo Thổ Chu rộng 22.400 ha, trong đó phần đất liền 1.190 ha và mặt biển 21.210 ha. (nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)            

Đức Hồng

  • Từ khóa
111256

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu