Thứ 7, 27/04/2024 10:51:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 10:18, 05/03/2019 GMT+7

Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan

Thứ 3, 05/03/2019 | 10:18:00 2,632 lượt xem

BP - Trước thế kỷ XV, hoạt động buôn bán chỉ là những cỗ xe do lừa, ngựa kéo của nhà buôn với những mặt hàng ít ỏi. Đến đầu thế kỷ XVI, thực dân châu Âu tìm ra con đường hàng hải trên biển và các vật phẩm quý giá từ các châu lục khác đổ về chính quốc ngày càng nhiều. Nhờ nguồn hàng hóa này, đời sống của người dân châu Âu trở nên phong phú và xã hội xuất hiện thêm các nhà quý tộc nhập khẩu hàng hóa từ các nơi khác về bán lại.

Đến thế kỷ XIX, các nước Tây Âu hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nên đã nới lỏng đối với hàng hóa nhập khẩu. Đầu thế kỷ XX, châu Âu rơi vào tình trạng trì trệ, hàng hóa từ bên ngoài tràn vào nhiều nên chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở đây lại trỗi dậy dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1929-1933. Tháng 12-1946, Mỹ mời đại diện 15 nước đến Cuba họp bàn về giảm thuế quan và ra bản “Hiến chương Havana” về xây dựng một tổ chức mậu dịch quốc tế. Cuối tháng 11-1947, Liên hợp quốc họp tại Thụy Sĩ để thảo luận các nội dung trong Hiến chương Havana và bước đầu hình thành một hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan (viết tắt là GATT). Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1-1-1948, đây là chỗ dựa để các nước thành viên điều chỉnh khung pháp quy trong mối quan hệ mậu dịch với nhau. GATT cũng là cơ sở để các nước tổ chức đàm phán về mậu dịch cũng như việc điều hòa, giải quyết các tranh chấp có liên quan.

Đến nay, toàn thế giới đã có 164 nước là thành viên của GATT. Để điều hành chung, các nước thành viên tổ chức đại hội và đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất của GATT, dưới đại hội có Hội đồng đại biểu, Hội đồng phát triển mậu dịch và Ban thư ký. Theo đó, GATT xây dựng và thống nhất các nguyên tắc cơ bản như: Mậu dịch phải thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử; Các nước thành viên phải dành cho nhau quyền ưu đãi nhất (tối hệ quốc). Chỉ được bảo hộ công nghiệp nước mình thông qua điều tiết thuế suất thuế quan, chứ không được thông qua hạn mức nhập khẩu hoặc bằng các biện pháp khác. Các nước phải đàm phán để giảm thuế quan và thảo luận về mậu dịch để giảm bớt những trở ngại... Trong các nguyên tắc chung, GATT còn có những ưu đãi đối với các nước đang phát triển.

Từ khi thành lập đến nay, các nước thành viên GATT đã trải qua nhiều vòng đàm phán để ký kết thêm những thỏa thuận thương mại mới. Trong đó vòng đàm phán thứ 8 tại Uruguay kéo dài nhất, từ năm 1986-1994. Vòng đàm phán này có 125 nước và vùng lãnh thổ tham gia, đồng thời các nước thành viên đã thống nhất việc giảm thuế và biện pháp trợ cấp xuất khẩu; giảm hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu khác trong vòng 20 năm;... Đặc biệt, vòng đàm phán này các nước thành viên đã thống nhất thành lập “Tổ chức mậu dịch thế giới” (tức Tổ chức Thương mại quốc tế) thay thế cho Ban thư ký, bộ máy chấp hành của GATT. Vì vậy, vòng đàm phán tại Uruguay được đánh giá “đã mở ra một trang mới trong lịch sử mậu dịch quốc tế”.

Tháng 1-1995, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO, bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại với Hoa Kỳ và họp đa phương với các ban của GATT... Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế mở ra một chương mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế và quan hệ thương mại của đất nước trong giai đoạn mới.

T.P

  (Trích các sự kiện nổi bật trên thế giới)

  • Từ khóa
66674

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu