Thứ 6, 26/04/2024 07:53:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:03, 31/07/2014 GMT+7

Giúp người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng

Thứ 5, 31/07/2014 | 08:03:00 1,756 lượt xem
BP - Những năm qua, tỷ lệ người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều gia đình và toàn xã hội. Để hạn chế sự kỳ thị, giúp người nghiện làm lại cuộc đời, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tăng gia sản xuất, dạy nghề cho học viên.

Nỗ lực cai nghiện

Trước đây, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội đặt tại ấp 6, xã Minh Lập (Chơn Thành). Năm 2009, trung tâm được xây mới tại ấp 5, xã Minh Lập trên diện tích 13 ha, với quy mô gần 1.000 học viên với các khu chức năng: Cắt cơn, điều trị, ăn uống, nghỉ ngơi, học tập... Các khu nằm tách biệt, tạo không gian điều trị cai nghiện tốt nhất. Mỗi học viên khi vào đây được cán bộ trung tâm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sức khỏe lập bệnh án, phân loại và tuân thủ quy định điều trị cai nghiện trong vòng 24 tháng, gồm 3 giai đoạn: Điều trị cắt cơn; giáo dục hành vi, nhân cách và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

28 học viên nhận chứng chỉ nghề cắt, uốn tóc

 
Hiện trung tâm có 275 người cai nghiện đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Nhiều học viên từng có tiền án, tiền sự. Vì vậy việc quản lý, giáo dục, chữa bệnh rất khó. Ông Trương Vĩnh Ký, Giám đốc Trung tâm cho biết: Để điều trị hiệu quả cần có phương pháp quản lý phù hợp từng học viên. Những học viên mới nghiện thì tập trung một khu và giáo dục cùng một lúc. Riêng học viên thuộc loại “cộm cán” - người từng có tiền án, tiền sự cần được quản lý chặt hơn, hạn chế lao động hiện trường đồng loạt”.

Ông Ký cho biết thêm: “Khó khăn nhất của trung tâm là tường rào, hiện mới xây được 3 mặt, mặt sau chưa xong nên khả năng học viên trốn trại rất cao. Vì thế, trại phải chia thành các nhóm trong quá trình lao động, học tập (mỗi nhóm khoảng 20 học viên do 2 cán bộ phụ trách quản lý). Khoảng 2 đến 3 nhóm học tập, lao động một lần, sau đổi ca sang các nhóm khác để dễ quản lý, theo dõi”.

Thứ 5 hàng tuần, trung tâm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân cách cho học viên, giúp họ hiểu những tác hại và ảnh hưởng của ma túy. Anh Mã Đình Hạ ở ấp Phước Tâm, xã Tân Phước (Đồng Phú) cho biết: “Tôi bị nghiện cách đây 4 năm. Năm 2013, tôi được gia đình động viên vào trung tâm cai nghiện. Tại đây, được sự giúp đỡ của cán bộ, tôi đã cai nghiện thành công. Tôi đang xin làm việc tại bếp ăn của trung tâm và mong khi trở về nhà sẽ lao động chăm chỉ để bù đắp những tháng ngày trước đây”.

Mong muốn tái hòa nhập cộng đồng

Hầu hết các học viên vào trung tâm đều mong muốn cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời và được sống như những người bình thường. Tuy nhiên, do sự kỳ thị, xa lánh của xã hội nên họ rất dễ tái nghiện sau hòa nhập cộng đồng (80% tái nghiện). Ông Trương Vĩnh Ký cho biết: “Chúng tôi tổ chức các lớp dạy nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ tìm được việc làm phù hợp, xây dựng cuộc sống mới để không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Vừa qua, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Hớn Quản tổ chức lớp học cắt, uốn tóc cho 28 học viên. Sau 3 tháng, trung tâm đã trao chứng chỉ nghề cho các em, trong đó có 15/28 học viên xếp loại giỏi. Ngày 7-7, trung tâm phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Phú mở 3 lớp dạy nghề đan lát (đan giỏ đựng bông) cho 90 học viên. Khóa học diễn ra trong 3 tháng. Dự kiến khi kết thúc khóa học này, trung tâm tiếp tục mở lớp dạy nghề sửa điện gia dụng cho học viên. Ông Trương Vĩnh Ký, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội cho biết.

Em Quách Văn Lãm (19 tuổi), ngụ thôn 8, xã Long Hưng (Bù Gia Mập) cho biết: “Em bị nghiện từ năm 17 tuổi. Năm 2013, em được đưa vào trung tâm để cai nghiện. Được sự giúp đỡ, động viên của cán bộ, em đã cai nghiện. Và còn được tham gia lớp dạy nghề cắt, uốn tóc do trung tâm tổ chức. Sau khi tái hòa nhập cộng đồng em sẽ đoạn tuyệt với ma túy, giúp ba mẹ làm vườn và tích cóp vốn mở tiệm cắt tóc tại nhà”.

Cũng với khao khát làm lại cuộc đời, Nguyễn Đình Tuấn (25 tuổi) ở xã Long Hà (Bù Gia Mập) cho biết: “Từ khi sa vào con đường nghiện ngập, bao nhiêu tài sản trong nhà em đều đem bán lấy tiền mua ma túy. Vì vậy vợ em đã bỏ về nhà ngoại sống. Trở về em sẽ gây dựng lại tiệm cắt tóc của dì (trước đây dì có mở tiệm cắt tóc, nhưng nay không làm nữa) kiếm sống để có tiền phụ nuôi con. Hy vọng vợ con sẽ thương và quay về với em”.

Ngoài học nghề cắt tóc, các học viên còn được tham gia lớp dạy nghề đan lát do trung tâm phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Phú tổ chức. Phan Công Phương (20 tuổi) ở ấp 1, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) cho biết: Em đã học xong lớp cắt, uốn tóc và hiện đang học lớp đan lát. Em hy vọng sau này trở về cộng đồng, có thể sống bằng những nghề này.             

 Thùy Hương

  • Từ khóa
49562

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu