Thứ 6, 26/04/2024 08:33:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:24, 18/11/2017 GMT+7

Đừng “rút” mãi “sợi dây kinh nghiệm”!

Thứ 7, 18/11/2017 | 14:24:00 1,445 lượt xem

BP - Mấy ngày qua, báo chí, truyền thông đồng loạt đưa tin vụ 2 cô gái 16 tuổi và 21 tuổi đi uống cà phê nhưng không mang theo chứng minh nhân dân, bị Công an phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội hơn 1 tuần theo diện vô gia cư. Khi gia đình 2 cô gái mang đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân thì họ mới được trở lại nhà. Trước sức ép của dư luận về vụ việc, UBND phường Tam Bình đã tổ chức họp báo, công khai xin lỗi cá nhân và gia đình hai cô gái.

Vẫn biết trong quá trình quản lý, điều hành sẽ không tránh được những sai sót. Và sai thì sửa, có lỗi thì xin lỗi. Việc tổ chức họp báo công khai vụ việc của UBND phường Tam Bình cho thấy lãnh đạo phường khá nghiêm túc chứ không trốn tránh trách nhiệm. Và người ta chờ đợi sự nghiêm túc tiếp theo qua việc xử lý kỷ luật những cán bộ, công chức liên quan. Thế nhưng kết quả xử lý đã khiến nhiều người chưng hửng. Một vụ việc như vậy nhưng hình thức kỷ luật đối với những người liên quan lại hết sức nhẹ nhàng, khiến những người biết chuyện đều bức xúc. Cụ thể là vị cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội bị xử lý khiển trách; chủ tịch phường bị phê bình, cắt thi đua; bí thư đoàn thanh niên bị phê bình, rút kinh nghiệm.

Việc xử lý vi phạm của lãnh đạo phường Tam Bình khiến nhiều người nhớ lại 3 tháng trước, Hội đồng kỷ luật huyện Thanh Trì (Hà Nội) yêu cầu Chủ tịch UBND xã Duyên Hà “rút kinh nghiệm sâu sắc” vì đã xác nhận nội dung xấu vào hồ sơ của một tân sinh viên do gia đình cô này chưa nộp đầy đủ các khoản thu xây dựng nông thôn mới. Vài năm trước, một cán bộ ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh đã ký khống vào hàng trăm “giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc” cho các đối tượng chưa hề được tập huấn về nội dung. Sai phạm này có thể bị liệt vào hành vi “làm trái quy định của Nhà nước”, nhưng UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ xử lý bằng hình thức “phê bình nghiêm khắc”. Rồi mới tháng trước, liên quan đến vụ việc UBND thành phố Bắc Giang thu hồi đất lúa của dân thực hiện dự án xây dựng khu dân cư tại xã Song Khê trái với quy định của Chính phủ và thu hồi thừa 174 lô đất để bán đấu giá, 5 cán bộ được xác định có trách nhiệm đều bị xử lý bằng hình thức... nghiêm túc rút kinh nghiệm. Lại nhớ câu nói dí dỏm mà đầy trăn trở của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: Có một sợi dây dài nhất là “dây kinh nghiệm”, vì cứ rút mãi mà nó không hết. Khi có khuyết điểm, thiếu sót, tiêu cực, nếu bị phát giác, phê bình kiểm điểm thì trước hết là người ta... rút kinh nghiệm. Cái “sợi dây” này cứ rút mãi năm này qua năm khác mà nó vẫn còn, nên nó được xem là cái “dây” dài nhất.

Điều 78 Luật Cán bộ, công chức quy định đối với cán bộ khi có hành vi vi phạm pháp luật và Luật Cán bộ, công chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý theo một trong 4 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Điều 79 của luật này cũng quy định đối với công chức có hành vi vi phạm có 6 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Như vậy, trong Luật Cán bộ, công chức hoàn toàn không có hình thức kỷ luật nào là “phê bình” hay “rút kinh nghiệm” cả!

Không thể phủ nhận thời gian gần đây, Đảng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc chấn chỉnh kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính. Hàng loạt cán bộ diện Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quản lý có vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, có người bị cho thôi nhiệm vụ, giáng chức; có người đã nghỉ hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm trong thời gian tại vị và bị tước bỏ các chức vụ trong thời gian để xảy ra sai phạm. Sự quyết liệt ấy đã được đông đảo nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhưng chỉ bị “phê bình”, “rút kinh nghiệm”. Vậy pháp luật và quy định của Đảng quy định thế nào khi xử lý đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm?

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Bác Hồ từng dạy: “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm như mỗi ngày phải rửa mặt mình, có như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Thực hiện lời dạy đó, mỗi đảng viên đều phải tự phê bình và phê bình trước tổ chức đảng. Cán bộ, công chức cũng phải thường xuyên và định kỳ kiểm điểm, phê bình, tự phê bình trước tập thể đơn vị. Đây là biện pháp tư tưởng nhằm đấu tranh trong nội bộ để khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm... Như vậy, “phê bình” hay “nghiêm khắc phê bình” là đợt sinh hoạt tư tưởng, đấu tranh nội bộ và được làm thường xuyên chứ không phải là một hình thức kỷ luật của Đảng. Bởi thế, có ai đó tự nhận hình thức kỷ luật “rút kinh nghiệm sâu sắc” cho khuyết điểm của mình là không đúng với quy định của Điều lệ Đảng.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
19370

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu