Thứ 3, 07/05/2024 15:35:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:21, 26/08/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN BÙ ĐỐP LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2015-2020

Để gắn kết nơi biên giới

Thứ 4, 26/08/2015 | 17:21:00 1,659 lượt xem

>> Những công trình chào mừng đại hội Đảng ở Bù Đốp 
>> Bù Đốp tiếp tục thực hiện chương trình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng

>> Bù Đốp trên đường phát triển
 

BP - Lúc mời chị em vào hội ai cũng hỏi tôi được gì? Có ai hỏi tôi sẽ làm gì cho hội đâu? Mình trả lời không được, đành phải ra về. Nhưng chị em tôi vẫn đi vận động, cứ giúp nhau trong lúc hoạn nạn mà không tính thiệt hơn. Lâu ngày chị em thấy được việc làm hữu ích của mình mới tự nguyện xin vào hội. Bây giờ thôn nào, ấp nào cũng có chi, tổ hội phụ nữ giúp nhau vượt khó. Tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế - xã hội cũng từ đó đi lên” - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến (Bù Đốp) Triệu Thị Luyện nói.

 NGHĨA NẶNG TÌNH QUÊ

Vừa gắn bóng đèn trước cửa cho ngôi nhà đại đoàn kết mới xây xong, ông Phan Văn Năm vừa nói: “Có mơ tui cũng không dám nghĩ mình có được ngôi nhà này. Hết 65 triệu, Quỹ Vì người nghèo 60 triệu, gia đình tui 5 triệu đồng”. Với ông Năm, 60 triệu đồng là cả một tài sản to lớn. Bởi cả gia đình định cư ở thôn Tân Bình, xã Tân Tiến đã 39 năm nhưng chỉ dư được 5 triệu đồng. Tài sản gia đình chỉ duy nhất 2 sào đất, bản thân ông lại mang bệnh xuất huyết não nên tinh thần không ổn định, vợ thì ốm yếu, người con duy nhất cũng mang bệnh tâm thần. Những gì làm ra từ 2 sào đất chỉ mong đắp đủ tiền thuốc và cơm cháo mỗi ngày lấy đâu có của dư để xây nhà. Nhưng rồi tình làng của những hộ dân ở vùng đất nơi biên giới thuộc xã Tân Tiến đã giúp ông có được ngôi nhà trong mơ.

Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình Nguyễn Thị Sổ tặng 300m2 làm nhà văn hóa thôn

Thôn Tân Bình hiện có 228 hộ, với 5 đảng viên. Mỗi đảng viên trong chi bộ được phân công phụ trách một chi hội. Bí thư chi bộ thôn, Nguyễn Thị Sổ cho biết, năm 2014, cả thôn xóa được 5 hộ nghèo nhưng phát sinh 2 hộ. Hai hộ nghèo này đã được chi bộ lên kế hoạch thoát nghèo trong năm nay. Cụ thể, cựu chiến binh Nguyễn Duy Hạnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho một hộ nghèo nuôi dê. Cách đây 2 năm, cựu chiến binh Hạnh cũng giúp Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Bình 32 triệu đồng, nâng tổng quỹ của chi hội lên 60 triệu đồng, giúp đồng đội phát triển kinh tế. Bản thân Bí thư chi bộ thôn cũng làm gương hiến 300m2 đất để xây nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cho người dân. Không riêng chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ cũng góp 52 triệu đồng, giúp chị em có vốn giải quyết khó khăn trước mắt. Chi hội nông dân, người cao tuổi rồi đoàn thanh niên cũng có các nguồn quỹ, chương trình, kế hoạch riêng để giúp hội viên mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

NHÀ NGHÈO LÀM QUẢN LÝ

“Năm ngoái, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan bị bệnh nhưng không đủ tiền trả viện phí, thuốc men, chúng tôi đi vận động chị em đóng góp được 1,8 triệu đồng lo cái khó khăn trước mắt. Còn vợ chồng chị Hoàng Thị Thanh ở ấp Tân Nghĩa bị bỏng nước phải nhập viện. 200 nọc tiêu và 8 sào điều đang mùa chín rụng. Thế là cả tổ phụ nữ 19 người hẹn nhau đến hái tiêu, thu điều giúp chị Thanh chỉ trong một ngày. Từ những việc làm thiết thực như thế mà chị em nơi vùng sâu, xa chúng tôi đã đoàn kết, thương yêu nhau”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến Triệu Thị Luyện

Năm 1995, vợ chồng chị Lê Thị Tuyết và anh Nguyễn Tài Thu từ Vĩnh Phúc tìm đến thôn Tân Nhân, xã Tân Tiến để định cư lập nghiệp với 300 ngàn đồng. Anh chị mua 1,2 sào đất và mua tranh tre, nứa lá để dựng nhà làm nơi trú ngụ. Hằng ngày chồng đi làm hồ, vợ làm cửu vạn kiếm sống. Những đêm trăng sáng vợ chồng tranh thủ cuốc đất trồng tiêu. Cứ mỗi tháng làm thợ hồ, anh Thu tiết kiệm mua giống trồng từ 10-20 nọc tiêu. Sau một năm, 1,2 sào đất của gia đình anh chị trở thành vườn tiêu xanh tốt. Tiền làm thuê của vợ thì lo cơm cháo cho cả nhà. Cứ theo nguyên tắc ấy, sau 20 năm, gia đình anh chị đã mua thêm 4 sào đất, trồng được 1.200 nọc tiêu, trong đó có 800 nọc đã cho thu hoạch. Đầu năm 2015, gia đình chị xây được căn nhà khang trang thay cho ngôi nhà lá một thuở cơ hàn.

Thoát nghèo, chị Tuyết được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Nhân. Tổng vốn xoay vòng của chi hội hiện có 92 triệu đồng. Riêng tổ phụ nữ nơi gia đình chị ở quyên góp được 42 triệu đồng để giúp nhau xóa nghèo. Để có được số vốn ấy, chị Tuyết phải đến từng nhà vận động. Vốn đến đâu, chị chuyển cho các hộ nghèo đến đó. Thấy được việc làm thiết thực, chị em trong thôn lần lượt xin gia nhập chi hội phụ nữ và góp vốn để giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đường làng, ngõ xóm. Tất cả hội viên trong Chi hội phụ nữ thôn Tân Nhân hiện không còn hộ nghèo. Điều chị Tuyết vui nhất là tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, an ninh trật tự trong thôn, xóm được đảm bảo. 

NGHĨA TÌNH QUÂN DÂN

“Năm 2012, Trung đoàn 717 đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng kéo điện phục vụ nhà máy chế biến mủ cao su. Nhờ đó mà 40 hộ thuộc tổ 11, thôn 4 của xã Thiện Hưng được hưởng lợi từ hệ thống đường điện của nhà máy. Lối mòn sình lầy dẫn vào ấp trong những năm trước đã được thay bằng đường cấp phối sỏi đỏ rộng đến 10m. Nhà cửa, việc làm đã được Nhà nước quy hoạch đâu ra đấy. Thu nhập của người dân được ổn định nhờ làm công nhân cho Trung đoàn 717” - bà Trần Thị Đào, một lão nông ở tổ 11, thôn 4, xã Thiện Hưng cười vui. 

Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, ông Phạm Văn Chiến cho biết, toàn xã hiện còn 85 hộ nghèo, chiếm gần 3% số dân. Để giảm được tỷ lệ hộ nghèo như hiện nay trước hết phải nói đến Trung đoàn 717 thuộc Binh đoàn 16. Nhờ dự án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh vùng biên mà hơn 200 lao động của địa phương có việc làm ổn định. Cùng với dự án kinh tế quốc phòng, trong xã còn có chương trình một hộ người Kinh kết nghĩa với một hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để giúp nhau thoát nghèo. Nhờ cách làm này mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã mới giảm nhanh, mạnh và bền vững. Đồn biên phòng Bù Đốp kết nghĩa với thôn Thiện Cư, thôn có 97% đồng bào Xêtiêng. “Nhờ các chiến sĩ biên phòng, đồng bào nơi đây mới biết trồng dây tiêu cho nhiều trái, trồng cây lúa cho nhiều hạt, biết nuôi con trâu cho nó tròn, con em đồng bào trong thôn không còn mù chữ” - Trưởng thôn Thiện Cư Điểu Minh Tâm cho hay.

Cả 6/6 xã biên giới của huyện Bù Đốp đều có Câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”. Mọi thông tin biến động trên tuyến biên giới đều được người dân cung cấp kịp thời cho chính quyền địa phương hoặc các chiến sĩ biên phòng. Nhờ vậy mà an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới luôn ổn định và giữ vững. Bù Đốp đã và đang phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh bằng những việc làm hết sức cụ thể từ thế trận lòng dân mang đậm nghĩa tình trên tuyến biên giới.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
13821

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu