Thứ 5, 25/04/2024 16:23:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 10:15, 14/05/2013 GMT+7

Có một Trường Sa vững vàng nơi đầu ngọn sóng

Thứ 3, 14/05/2013 | 10:15:00 158 lượt xem

Trường sa
Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trường Sa luôn là địa danh dành được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu người Việt Nam cả trong và người nước. Quần đảo phên dậu phía biển Đông không chỉ là một minh chứng hùng hồn về chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là nơi sự kết tinh tinh thần dân tộc luôn ở mức độ cao nhất.

Với quyết tâm giữ vững đảo, giữ vững biển trời, hàng trăm lớp cán bộ, chiến sỹ đã tạm gác hạnh phúc cá nhân để chọn Trường Sa làm quê hương thứ hai của mình. Mỗi một người trong số ấy đều là một bàn hùng ca về lòng yêu nước, là những mốc giới sống khẳng định chủ quyền quốc gia. 


Bài 1: Trường Sa tháng Tư, 38 năm và một hành trình

Sau cùng thì Song Tử Tây cũng hiện ra phía cuối đường mây. Biển bằng bắt đầu nổi sóng. Trên boong, hành khách ngả nghiêng dần theo từng nhịp thở của biển cả. Nhưng, bất chấp từng ấy nôn nao, bất chấp chòm mây phía trước như đang hổn hển hắt mưa vào mặt khách, gần trăm con người trên tàu HQ 996 vẫn căng mắt ngóng nhìn về Song Tử Tây.

Đất liền đây rồi! Đảo xa nhất của Trường Sa đây rồi! Có cảm giác, niềm vui và nỗi háo hức nén quá lâu trong lồng ngực khách phương xa đã vỡ òa ra khi vừa chợt thấy đảo từ âu tàu phía xa xăm.

Nhìn đảo ngọc hôm nay, Trưởng đoàn công tác số 7 Phan Quang Ngừng bỗng dưng lặng phắc. Những nếp nhăn đuôi mắt dồn nhau lại theo cái nhíu mày đăm đăm của người đàn ông đã dành cả một thời trẻ trai của mình cùng đồng đội giải phóng đảo xa. 38 năm sau, ông mới có dịp lần đầu trở lại chiến trường xưa.

Song Tử mỗi lúc một gần. Phía dưới boong, hàng chục khách đã xôn xao khi mắt chợt dịu lại vì màu xanh ngăn ngắt của rặng phong ba trước mặt. Nhưng, người đàn ông quay trở về thì vẫn trầm ngâm. Những ký ức gần bốn mươi năm trước, trong một chốc, bỗng ùa về ngợp trong tâm trí ông.

Biển Đông, mùa gió Tây Nam 1975

Theo lệnh tổng tiến công của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trên bộ, hàng loạt cánh quân rầm rập tiến vào Sài Gòn. Cũng trong thời điểm này, Hải quân nhân dân Việt Nam cũng hạ quyết tâm giải phóng bằng được quần đảo Trường Sa nhằm thống nhất toàn vẹn đất nước.

Trước đó, ngay từ những năm 1972-1973, một lực lượng đặc biệt gồm khoảng 60 chiến sỹ hải quân thuộc Lữ đoàn 126 đã được thành lập và được huấn luyện tinh nhuệ nhằm hướng tới đánh chiếm và giải phóng các điểm đảo quan trọng trên biển. Chàng trai 19 tuổi đất Hưng Yên, Phan Đăng Ngừng khi đó được vinh dự tuyển chọn.

Nhớ về những tháng ngày “vui như đời lính” ấy, ông bồi hồi “Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ được huấn luyện trong 4 năm để đánh các mục tiêu quân sự quan trọng như bến tàu, kho xăng, quân cảng.”


Cựu chiến sỹ hải quân nhớ lại trận đánh trên đảo Sơn Ca

Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn cuối. Đơn vị của ông được lệnh cấp tốc lên đường. Sau hành trình dài từ Hải Phòng và Đà Nẵng, đơn vị của ông phối hợp với một lực lượng đặc công Quân khu 5 lên tàu không số ra biển, mở đầu chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa. Trước khi ra đi, mỗi người đều gửi lại đồng đội một bức thư nhờ chuyển về cho gia đình phòng khi mình mãi mãi gửi lại tuổi xuân vào lòng biển mẹ. 

Và thế là, chiếc tàu thuộc lữ 125 chở theo ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của từng ấy chàng trai tuổi 20 lặng lẽ tiến vào biển trời Trường Sa…

Theo ông Ngừng, đây cũng là chuyến đi rất đặc biệt bởi trước đó, Hải quân nhân dân Việt Nam chưa từng tiến ra Trường Sa. Vì vậy, mọi thông tin về các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca cũng như cách phân bố trên hải đồ chỉ được 60 chiến sỹ hình dung một cách sơ lược thông qua bản đồ tóm tắt của Cục tình báo Miền Nam trao trước khi lên đường.

“Thậm chí, vào thời điểm này, anh em trong đơn vị cũng không chắc chắn có thể phân biệt mục tiêu với đảo Song Tử Đông liền kề gần đó,” vị trưởng đoàn già nhớ lại.

Vào khoảng 19 giờ ngày 13-4, ba tàu chở lực lượng chiến đấu đã đến mục tiêu đúng thời gian quy định. Lúc này, theo phân công, tàu 673 sẽ tiếp cận đảo, 2 chiếc còn lại vòng ra án ngữ ở phía Bắc và phía Nam đảo nhằm sẵn sàng chi viện khi cần thiết.

Sau hơn hai giờ đồng hồ gặp khó khăn với dòng nước xoáy, với những đợt sóng lớn và những mỏm san hô lởm chởm vây quanh đảo, lực lượng đổ bộ đã bám được mép đảo Song Tử Tây. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, trận chiến bắt đầu.

Theo trí nhớ của vị trưởng đoàn, ngay sau khi tập kết được vũ khí lên đảo, quân ta đồng loạt nổ súng vào các mục tiêu công sự. Sau ba mươi phút giao tranh, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được trận địa. Đến 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975, toàn bộ lính đồn trú còn lại của quân ngụy ra đầu hàng. 

Chỉ 7 ngày sau đó, đội 1, Lữ đoàn 126 tiếp tục nhận được lệnh giải phóng đảo Sơn Ca.

“Khác với Song Tử Tây, việc giải phóng Sơn Ca khó hơn rất nhiều vì quân ta đã bị lộ. Do đó, địch có sự chuẩn bị rất kỹ càng,” ông Ngừng nói.

Sau nhiều lần không thể tiếp cận được mục tiêu, cả đơn vị xác định quyết tâm: bằng giá nào cũng phải vào được đảo. Rạng sáng ngày 25/4, lực lượng chiến đấu được chia làm 3 mũi theo các hướng khác nhau theo xuồng cao su lặng lẽ áp sát đảo Sơn Ca. Nhưng do sóng lớn, nên suốt 1 giờ đồng hồ chèo xuồng rã tay, cánh quân của ông Ngừng chỉ di chuyển được vài mét. 

“Lúc này, anh em buộc phải nhảy xuống nước, vừa bơi vừa đẩy xuồng vào,” người cựu chiến sỹ hải quân hồi tưởng.

Tuy nhiên, khi lên tới bờ, phải mất một thời gian, 3 mũi giáp công mới có thể liên lạc được với nhau. Rạng sáng 25/4, súng đồng loạt nổ trên đảo.

Ngay đầu trận đánh, 2 chiến sỹ hải quân đã dính đạn phạt ngang, mất hoàn toàn sức chiến đấu.


Trường Sa thanh bình ngày hôm nay

“Lúc này, anh em phía ngoài chúng tôi bò được vào trong thì thấy hai người đầy máu nên buộc phải kéo đồng đội ra phía ngoài, bẻ tạm cành xú biển nẹp vết thương lại,” những hồi ức ào ạt tuôn về với người lính già trên tàu HQ 996.

Đáng nhớ nhất, để đồng đội không bị lộ, ông Ngừng đã đào cát, vùi tạm người bị thương rồi lại lao lên phía trước. Súng từ hầm công sự bắn trả quyết liệt. Hải quân ta vừa đánh, vừa kêu gọi địch đầu hàng. Cho tới gần sáng ngày 25-4, toàn bộ ngụy quân ra đầu hàng, đội 1, Lữ 126 chính thức giải phóng Sơn Ca.

Nhớ về những tháng ngày hào hùng thuở ấy, Trưởng đoàn công tác số 7 ngỡ như chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Ông bảo: “Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Gian khổ nhưng trong lòng ai cũng đầy quyết tâm, cũng vui phơi phới”

38 năm đã trôi qua, từ một hòn đảo tiêu điều ngày đầu giải phóng, Song Tử Tây đã trở thành một pháo đài xanh giữa biển. Nhìn từ xa, hòn đảo như một khu rừng thu nhỏ giữa lòng đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa với màu xanh của trời biển thành một bức tranh êm dịu và mát mắt. Duy những cây dừa hiền hòa trên đảo là vẫn sừng sững như 38 năm về trước, như hình bóng thân thương để những người lính già Phan Quang Ngừng tìm về mảnh đất xưa.
 

(Theo TTXVN)
Bài 2: Những trái tim chất thép và bản hùng ca thời bình

  • Từ khóa
111072

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu