Thứ 3, 19/03/2024 14:59:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:31, 02/08/2013 GMT+7

Chưa thể làm giàu trên hồ Cần Đơn (tt)

Thứ 6, 02/08/2013 | 15:31:00 467 lượt xem

>> Bài 1: Giấc mơ làm giàu

Bài 2: Tan tác một làng bè

Khi đầu tư nuôi cá lăng nha, đời sống người dân làng bè rất sung túc, nhiều hộ đã có của ăn của để, mua đất, cất nhà. Thế nhưng mọi thứ đều đổ vỡ khi người dân trong thôn chuyển qua nuôi cá điêu hồng: Cá chết vì bệnh, mất giá... khiến cả làng bè nợ đại lý bán thức ăn thủy sản lên con số tiền tỷ.

“Nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, không biết đến đời cháu, chắt tôi có trả hết số tiền này không!”. Đó là nỗi lo của ông Nguyễn Văn Thạch và cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân sống ở khu vực hồ thủy điện Cần Đơn thuộc thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) từ khi chuyển sang nuôi cá điêu hồng.

TIỀN TỶ TRÔI THEO CÁ ĐIÊU HỒNG

Dân gian có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, thế nhưng với người nuôi cá ở thôn Bình Tiến 1 thì ngược lại. Cả ba chị em bà Lê Thị Còn, Lê Thị Son, Lê Thị Duyên và người con trai đã vay mượn gần 3 tỷ đồng để đầu tư nuôi cá điêu hồng. Toàn bộ số tiền trên đã bị cá “nuốt trôi”. Gia đình bà Lê Thị Còn trắng tay. Nhà mất, tiền mất, người chồng cũng bỏ bà ra đi để lại khoản nợ trên 500 triệu đồng. “Ngôi nhà và 3 sào đất của tôi đã sang tên cho đại lý thức ăn cho cá. Bây giờ họ vẫn cho ở, mai mốt mẹ con tôi không biết đi đâu”, bà Còn nghẹn ngào.

làng bè
Làng bè xơ xác vì nợ nần

Nuôi cá thua lỗ, một số hộ dân bỏ nghề lên bờ kiếm kế sinh nhai. Một số hộ vẫn bám lòng hồ để duy trì cuộc sống. Trưởng làng bè thôn Bình Tiến 1 - ông Nguyễn Văn Thạch cho biết: “Trong số 32 hộ nuôi cá, có trên 20 hộ bỏ nghề lên bờ kiếm sống. Số hộ còn lại vẫn bám nghề bởi đó là miếng cơm của họ. Không có đất canh tác, đất ở cũng không, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, ngừng nuôi cá đồng nghĩa với việc “treo niêu””.

Chị Nguyễn Thị Lai cho biết, gia đình chị nợ gần 500 triệu đồng. Cách đây hơn 1 tháng gia đình nuôi 2 lồng cá điêu hồng nhưng ngày nào cá cũng chết, có ngày chết cả chục ký. Tuy chưa đủ tháng, chị cũng phải bán cá để trả bớt nợ. Nhiều hộ dân trên hồ Cần Đơn đang phải bỏ nghề cá đi làm mướn, làm rẫy để kiếm tiền xoay xở cuộc sống và trả nợ. Những hộ còn bám nghề quay lại nuôi cá lăng nha, số ít chuyển sang nuôi cá lóc. Ông Thạch cho biết thêm: “Trước đây gia đình tôi có 8 lồng bè, nhưng giờ chỉ duy trì 2 lồng nuôi cá lăng nha. Hiện tại, cả nhà sống dựa vào nghề bán tạp hóa”.

VÌ SAO LÀNG BÈ TAN TÁC?

Chị Nguyễn Thị Lai nói: Lòng hồ này giống cái ao tù, không có dòng chảy ra vào thường xuyên, cộng với mật độ lồng bè dày đặc, lượng thức ăn đổ xuống nhiều nên các thành phần trong nước thay đổi. Lồng cá không được người nuôi vệ sinh thường xuyên, lâu dần sinh ra vi khuẩn gây ô nhiễm nguồn nước. Từ đó cá điêu hồng mắc bệnh dịch tả, đỏ mang rồi chết dần dẫn đến người nuôi thua lỗ.

Nguyên nhân nữa dẫn đến người nuôi nợ nần chồng chất là cách tính lãi của đại lý bán thức ăn cho cá. Do không có tiền đầu tư nên phần lớn các hộ nuôi cá đều mua cám thiếu tại đại lý, đến khi bán cá mới trả. Nhưng vì cá chết nhiều nên tiền bán cá không đủ trả tiền cám. Số nợ còn lại chủ đại lý bán cám tính với lãi suất 2,5-3%/tháng, vì thế nợ ngày càng tăng lên.

Không những cá chết nhiều, người dân còn phải đối mặt với giá cả bấp bênh. 1kg cá điêu hồng 2 năm trước chỉ giao động từ 27 đến 29 ngàn đồng. Trong khi giá thức ăn mua vào cao, khiến người nuôi không có lãi.

Trước tình hình người dân ở làng bè nợ tiền tỷ, lãi suất cao ngất ngưởng nhưng chưa có hướng trả nợ, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền xã Phước Minh. Ông Đỗ Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phước Minh nói: Khi nuôi cá có lãi thì không thấy ai kêu gì. Khi họ thất bại, nợ nần chồng chất, kiện tụng lẫn nhau lại vác đơn lên chính quyền xã nhờ can thiệp giải quyết. Việc mua cám, ký nợ với lãi suất cao xã đều không biết. Vì vậy, khi nhận được đơn kiện từ đại lý bán cám, UBND xã đã mời hai bên lên làm việc nhằm hòa giải, giúp họ thống nhất cách trả nợ, nhưng không thành.

KHAO KHÁT LÊN BỜ

Những hộ dân lênh đênh theo sông nước, không mảnh đất cắm dùi, luôn khao khát một ngày nào đó được lên bờ, có điều kiện cho con ăn học. Thế nhưng, đối với những đứa trẻ ở làng bè thôn Bình Tiến 1, ước mơ đó thật xa vời. Chị Nguyễn Thị Yến Thanh nhìn đứa con gái xót lòng: “Nhà có mình nó, vợ chồng làm lụng vất vả cũng chỉ để dành tiền cho con ăn học. 9 năm học cháu đều có giấy khen. Năm nay, đáng lẽ cháu thi vào lớp 10 nhưng vì gia đình chưa có sổ hộ khẩu, không đủ giấy tờ để dự thi nên việc học phải dừng lại”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó thôn Bình Tiến 1 cho biết: Cả thôn có 56 hộ dân, trong đó hơn 30 hộ sống bằng nghề chài lưới, nhưng chỉ khoảng 5-6 hộ có đất ở, 1 hộ có đất sản xuất. Còn lại sống nhờ trên đất của thủy điện và dựng bè dưới lòng hồ Cần Đơn làm nhà. Cả thôn có gần 50 hộ chưa có hộ khẩu.

Không có vợ con, ông Lê Văn Phát là thương binh ¼ từ Campuchia trở về năm 2003. Gắn bó với lòng hồ đã gần 10 năm nhưng đến nay ông vẫn không có giấy tờ tùy thân, nên mọi chế độ không được hưởng.

Ông Đỗ Tấn Tài cho biết thêm: Người dân làng bè chủ yếu từ nơi khác đến sống nhờ nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy nhiều hộ chưa có hộ khẩu. Để người dân sống được bằng nghề, UBND huyện Bù Gia Mập nên bố trí đưa các hộ lên bờ. Xã cũng đã họp hai làng bè ở thôn Bình Tiến 1 và Bù Tam để các hộ đăng ký lên bờ sinh sống. Ngoài những gia đình đã mua được đất, làm nhà, xã đã lập hồ sơ 100 hộ mong được lên bờ sống. Hiện xã đã gửi hồ sơ lên cấp trên và đang chờ kết quả. Tuy nhiên cái khó là quỹ đất của xã không có và để đưa họ lên bờ thì phải bố trí gần với lòng hồ, bởi nghề chính của họ là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.  

Thùy Hương

  • Từ khóa
92277

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu