Thứ 3, 19/03/2024 10:48:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:52, 30/07/2013 GMT+7

Chưa thể làm giàu trên hồ Cần Đơn

Thứ 3, 30/07/2013 | 15:52:00 983 lượt xem

Bài 1: Giấc mơ làm giàu

Không ít người sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, nhưng rồi cũng chính dòng nước đã đẩy họ tới cuộc sống lênh đênh không bến bờ. Không hẹn mà gặp, hơn 30 hộ dân từ nhiều nơi đã tìm đến làng bè thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) quần tụ như anh em một nhà, mưu sinh theo con nước.

Trước đây, làng bè thưa thớt, chỉ có gần chục hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Năm 2000, khi công trình thủy điện Cần Đơn được xây dựng, người dân từ các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Đắk Lắk, người Việt ở Campuchia hồi hương về đã dựng bè trên vùng sông nước này lập nghiệp.

GIẤC MƠ LÀM GIÀU

Gia đình ông Nguyễn Văn Thạch rời Biển Hồ (Campuchia) về Việt Nam và dừng chân tại làng bè thôn Bình Tiến 1 từ năm 1970. Gia đình ông nhiều đời nay coi sông nước là nhà, cá tôm là bạn. Ngồi trong ngôi nhà tạm bên bờ hồ Cần Đơn, ông Thạch chia sẻ: Vợ chồng tôi làm nghề đánh bắt cá ở lòng hồ này đã hơn 40 năm, nhưng đến nay vẫn phải ở nhờ trên đất của thủy điện Cần Đơn. Cách đây 10 năm, khi nguồn thủy sản còn dồi dào, từ 4 giờ đến khi sáng hẳn, vợ chồng tôi kiếm được vài chục ký cá các loại. Trừ chi phí xăng dầu, mỗi ngày kiếm được 300 ngàn đồng.


Chị Đào Thị Nhàn từ Đồng Tháp lên thôn Bình Tiến 1 nuôi cá điêu hồng với mong ước đổi đời

Bà Lê Thị Còn, quê ở tỉnh Tây Ninh theo cha mẹ làm nghề chài lưới từ nhỏ. Hết hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) lại đến hồ thủy điện Thác Mơ (thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX. Phước Long), rồi bà Còn đưa các con về dựng bè trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Bà Còn nói: Thời gian sống ở Dầu Tiếng, Bàu Nghé ngày hai buổi chỉ biết thả lưới, kéo cá đổi gạo và những vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Nghe nói hồ Cần Đơn rộng, nguồn thủy sản phong phú nên tôi đưa các con về cắm sào lập nghiệp. Với giấc mơ ấy, hơn 20 hộ dân khác cũng đã tìm đến lòng hồ thủy điện Cần Đơn mưu sinh và tìm cơ hội làm giàu.

NHÁNH RẼ CUỘC ĐỜI

Ông Nguyễn Văn Thạch, người tiên phong nuôi cá lồng ở làng bè thôn Bình Tiến 1, cho biết: “Cách đây 10 năm, cả làng bè chẳng hộ nào nuôi cá, chỉ sống bằng nghề đánh bắt, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhưng nếu cứ đánh bắt mà không nuôi trồng thì nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt, biết lấy gì mà sống. Vì vậy gia đình tôi đã dựng hai lồng bè nuôi cá”. Có bao nhiêu cá lăng đánh bắt được ngoài tự nhiên, ông Thạch đều thả nuôi trong lồng. Sau gần 2 năm cho thu hoạch hàng tấn cá. Thấy nuôi cá có lời, nhiều hộ đã làm theo, có thời điểm cả làng bè ai cũng dựng lồng. Cũng từ nuôi cá lăng nha, đời sống người dân bớt khó khăn hơn trước. Nhiều hộ tích cóp mua được đất, làm nhà trên bờ. Đời sống cư dân làng bè dần khá giả.

Thấy ai cũng nuôi cá lăng nha, gia đình bà Lê Thị Son chuyển qua nuôi cá điêu hồng. Bà Son cho biết: Nhờ nguồn thức ăn đánh bắt trên sông dồi dào, cá điêu hồng lớn rất nhanh. Thấy hiệu quả nên các hộ ở làng bè lại bỏ cá lăng nuôi cá điêu hồng. Có hộ đã bán đất ở để có tiền đầu tư, mở thêm lồng bè. Ông Nguyễn Văn Thạch cho biết: Thấy người dân nuôi cá điêu hồng lãi lớn, gia đình tôi cũng bán mảnh đất gần trung tâm UBND xã Phước Minh được 90 triệu đồng để đầu tư 8 lồng cá. Gia đình anh Nguyễn Văn Đàn, quê ở tỉnh Ninh Bình vào đây lập nghiệp đã tích cóp mua được mảnh đất ở hơn 1 sào. Nhưng vì mê cá, anh cũng bán để “xuống hồ”. Phong trào nuôi cá rầm rộ, người dân từ các vùng miền về đây ngày càng đông.

ĐUA NHAU NUÔI CÁ ĐIÊU HỒNG

Nuôi cá điêu hồng trở thành phong trào mạnh ở thôn Bình Tiến 1 từ năm 2011. Nhiều có ba bốn chị em cùng nuôi cá. Gia đình bà Lê Thị Son sau khi thành công với cá điêu hồng, đã gọi anh em đang mưu sinh ở nhiều nơi khác về vùng lòng hồ Cần Đơn cùng nuôi cá. Bà Lê Thị Còn, chị ruột bà Son, nói: “Thấy nuôi cá thành công, gia đình tôi bán bè ở tỉnh Đắk Nông về đây. Lúc mới về, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng nuôi 10 lồng cá”.

Năm 2011, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng - chị Trần Thị Liễu từ tỉnh Đắk Nông về Bình Phước lập nghiệp. Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng chị mua được mảnh đất, còn dư vài chục triệu đồng. Dự định cất nhà ở nhưng thấy mọi người nuôi cá có lời vợ chồng chị cũng làm theo. Bao nhiêu vốn liếng đều dồn cho 5 lồng cá điêu hồng, với giấc mơ lên bờ có nhà cao cửa rộng. Chị Đào Thị Nhàn, quê ở tỉnh Đồng Tháp cũng ngược lên vùng sông nước này đầu tư 8 lồng bè nuôi cá với mong ước đổi đời.

Không chỉ đại gia đình bà Còn, hộ ông Nguyễn Văn Thạch cũng vậy. Khi nuôi cá điêu hồng có lời, ông đã bàn với con và người thân ở tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai góp vốn nuôi cá. Chị Nguyễn Thị Lai, con gái ông Thạch đang có công việc ổn định trong một công ty lớn ở tỉnh Đồng Nai, cũng bỏ việc về lòng hồ Cần Đơn đóng bè nuôi cá.          

Thùy Hương
Bài 2: Làng bè tan tác

  • Từ khóa
92274

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu