Thứ 6, 26/04/2024 19:07:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:12, 17/09/2012 GMT+7

Bất cập xung quanh các hồ chứa thủy lợi ở Bù Gia Mập

Thứ 2, 17/09/2012 | 10:12:00 509 lượt xem

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 60 hồ chứa thủy lợi với tổng diện tích mặt nước khoảng 2.000 ha. Các hồ chứa không chỉ cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn mà còn thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn không ít vấn đề tồn tại xung quanh các hồ chứa chưa được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực và gây bức xúc dư luận. Những khó khăn, vướng mắc này thể hiện rõ nhất trên địa bàn các xã có hồ chứa thủy lợi của huyện Bù Gia Mập.

KHÓ KHĂN VÀ VƯỚNG MẮC PHÁT SINH

Bà Vũ Thị Như Hà, Phó chủ tịch UBND xã Long Hà bức xúc nói: Hồ chứa Nông trường 6 là công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã không xây dựng hệ thống tiêu thoát nước hoàn chỉnh từ khu dân cư xuống bàu mà chỉ làm một đoạn ngắn, rồi cho nước chảy tự nhiên. Mỗi khi mưa lớn, nước chảy với lưu lượng lớn đã phá hỏng tuyến đường dân sinh trong khu vực và tràn vào nhà dân. Đã hai lần xã gửi công văn yêu cầu sở khắc phục tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Việc gia cố thân đập và hạ mức nước của hồ xuống thấp đã ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, dẫn đến nhiều hộ dân trong khu vực không có nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt. Thậm chí nhiều hộ dân đào giếng nhưng không có nước.

Mặt đập hồ Nông trường 6 do không tiêu thoát nước tốt đang bị xói lở, làm ảnh hưởng thân đập

Mặt khác, đường kè bê tông xây dựng hai bên mặt đập không bố trí các vị trí tiêu thoát nước phù hợp nên nước từ trong khu dân cư chảy tràn ra gây xói, lở mặt đập và làm ảnh hưởng đến thân đập. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy không chỉ hồ Nông trường 6 mà hồ Nông trường 9 ở xã Long Tân cũng xảy ra tình trạng tương tự. Người dân đã đề nghị ngành nông nghiệp khảo sát lại và tìm hướng khắc phục để nâng mức nước hồ Nông trường 6 lên 0,8-1m và hồ Nông trường 9 lên khoảng 1,5m mới bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Nghiêm trọng nhất là tuyến đường phía bắc dài khoảng 300m của đập ở thôn 7 (hồ Nông trường 4), xã Long Hưng bị xói, lở sâu mỗi bên 3-4m, rộng 2-3m. Hiện đang là cao điểm của mùa mưa nên đoạn đường không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà tường rào và cổng sau của trường Tiểu học Long Hưng B có nguy cơ bị sập. Bà Quách Thị Long ở thôn 7 cho biết, do phải tiêu thoát lượng nước lớn từ các lô cao su phía trên đổ xuống nên mương thoát nước của đoạn đường này bị xói, lở rất nhanh, gây khó khăn cho người và phương tiện khi đi qua. Thời gian gần đây đã có nhiều trường hợp cả người và xe cùng lọt xuống mương phải đi cấp cứu. Để bảo đảm an toàn cho mọi người trong gia đình và không làm ảnh hưởng đến nhà ở của mình, một số hộ dân sinh sống ở đây đã tự đóng tiền để nhựa hóa một phần đoạn đường. Ông Võ Văn Trinh ở thôn 7 nhìn đoạn đường đất còn lại với đường mương dẫn nước rộng và sâu thở dài. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với cấp có thẩm quyền và ngành chức năng nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy đơn vị nào đến sửa chữa. Nếu Nhà nước không kịp thời khắc phục, chỉ một thời gian ngắn nữa, đoạn đường sẽ theo nước xuống hồ hết.

HƯỚNG XỬ LÝ CỦA NGÀNH CHỨC NĂNG

Ngày 24-7-2012, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tới đã ký Công văn số 850/SNN-VP trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vướng mắc xung quanh các công trình do ngành quản lý. Theo công văn này, hai hồ chứa Nông trường 6 và Nông trường 9 được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bàn giao cho sở quản lý từ năm 2003. Khi nhận bàn giao các công trình đã xuống cấp. Vì lý do an toàn hồ chứa, sở đã xin chủ trương cho đầu tư để bảo đảm an toàn. Theo tính toán, để bảo đảm an toàn đập cần hạ thấp mức nước dâng bình thường của 2 hồ, bảo đảm chiều cao từ mực nước dâng bình thường đến cao trình đập theo quy định vì không thể đắp đập cao thêm. Để khắc phục việc hạ thấp mực nước, gây khó khăn cho các hộ dân ven hồ khi lấy nước, đối với hồ Nông trường 6, sở đã được UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đập cao su trên tràn để tích nước vào cuối mùa mưa nhằm bảo đảm mặt cắt xả lũ của tràn trong mùa mưa (mùa mưa đập cao su được xả xẹp). Tuy nhiên, do chưa bố trí được vốn nên chưa xây dựng được đập cao su. Riêng hồ Nông trường 9, sở sẽ khảo sát và nếu việc hạ thấp mực nước cũng ảnh hưởng đến việc lấy nước của nhiều hộ dân như phản ánh, sở sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương lắp đập cao su như hồ Nông trường 6.

Việc khắc phục tình trạng nước tràn ra đường ở dưới thân đập, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và thân đập phía dưới sau khi đơn vị thi công đập hồ Nông trường 6 lấp bỏ cống thoát nước, đại diện ngành nông nghiệp cho rằng: Do tuyến đường thôn 4, xã Long Hà nằm ngoài phạm vi công trình sửa chữa nâng cấp hồ. Hiện trạng đoạn đường nối tiếp với đường liên xã bị xói, lở, đi lại rất khó khăn. Thực tế, hệ thống thoát nước ở khu vực này, cửa thoát nước của cống dọc tuyến đường liên xã được bố trí nối với rãnh thoát nước dọc của tuyến đường thôn 4 và thoát qua cống xuống đường tại vị trí đầu tuyến đường. Hiện cống qua đường đã bị bồi lấp (không rõ nguyên nhân) nên nước tràn ra mặt đường gây xói lở. Để khắc phục tình trạng trên, xã Long Hà cần huy động nhân lực khơi thông cống qua đường.

Đối với hồ Nông trường 4, công trình sửa chữa, nâng cấp đã thi công xong và việc hư hỏng hai đầu đường vào đập mà người dân phản ánh không thuộc phạm vi đập. Tuy nhiên, khi đang thi công nâng cấp đập, UBND xã đã có công văn kiến nghị đầu tư xây dựng 300m đường xuống bờ đập phía bắc. Ban quản lý dự án đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát và thiết kế với chi phí khoảng 800 triệu đồng, nhưng khi thiết kế xong thì chi phí tăng lên 1,2 tỷ đồng. Dự kiến, nếu còn nguồn dự phòng, ban quản lý sẽ thực hiện nâng cấp thêm 300m đường 2 đầu đập, nhưng khi thi công xong, nguồn dự phòng của dự án đã hết nên không còn nguồn vốn để nâng cấp đoạn đường. Mặt khác, đây là dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên không cho phép bổ sung hạng mục xây dựng, vì thế không thể bổ sung hạng mục này vào dự án. Cũng liên quan đến công trình này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: Trước những bức xúc của người dân, xã đã nhiều lần đề nghị huyện hỗ trợ vốn thi công đoạn đường, nhưng chưa được xem xét. Ngày 17-8-2012, huyện mới cử đoàn cán bộ xuống khảo sát hiện trạng, lập biên bản ghi nhận để xem xét cân đối nguồn vốn, nếu có vốn sẽ cho thiết kế và thi công. Vì vậy, người dân trong khu vực vẫn phải “chờ”.

Thực tế trên cho thấy, để giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, cải tạo các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đòi hỏi người dân phải “kiên trì”, bởi ngoài việc tìm kiếm nguồn vốn, các công trình còn phải qua nhiều ngành, nhiều cấp xem xét, thẩm định, đánh giá... Trước mắt, người dân bị ảnh hưởng phải chủ động khắc phục và phòng tránh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
92111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu