Thứ 6, 05/07/2024 13:59:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 09:03, 27/06/2022 GMT+7

Bao giờ hồ đội 8 hết ô nhiễm?

Thùy Linh
Thứ 2, 27/06/2022 | 09:03:00 1,202 lượt xem
BPO - Hồ đội 8 ở thôn 2, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập từng là nơi cung cấp nước sinh hoạt, điều hòa khí hậu cho cả khu vực. Trước năm 1990, người dân địa phương có thể xuống hồ tắm, giặt và bắt cá. Từ khi có nhà máy chế biến mủ cao su hoạt động ở thượng nguồn xả thải xuống suối thì hồ nước ngày càng bị ô nhiễm nặng. Hồ nước trong xanh ngày nào giờ bị bồi lấp, thay vào đó là cỏ mọc che kín mặt hồ. Người dân nơi đây đặt câu hỏi, bao giờ hồ đội 8 thoát khỏi cảnh ô nhiễm?

Khổ vì ô nhiễm nguồn nước

Năm 1982, ông Nguyễn Phi Hùng làm công nhân Nông trường 2, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Khi đó, công ty triển khai xây dựng công trình hồ chứa nước đội 8 ở xã Đa Kia, ông là một trong những công nhân trực tiếp xây bờ đập. Trước đây, nước hồ trong xanh có thể nhìn thấy đáy, người dân thường đến tắm, giặt. Nhiều hộ không có giếng đào, thường đến lấy nước hồ về sử dụng. Riêng gia đình ông Hùng đào 1 giếng gần bờ hồ để lấy nước sử dụng. 

Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, nước hồ thường xuyên bị ô nhiễm. Lo ngại nước giếng cũng bị ô nhiễm nên ông Hùng lấp giếng cũ, đào giếng mới cách xa bờ hồ và mua máy lọc để lấy nước sinh hoạt. Ông Hùng cho biết: “Từ khi có nhà máy chế biến mủ cao su, lòng hồ ngày càng ô nhiễm nặng. Các cơ quan chức năng nhiều lần đến lấy nước hồ về xét nghiệm, nhưng kết quả thì chúng tôi không được thông báo, không biết nước có sử dụng được nữa không. Nhiều gia đình khó khăn cũng phải ráng mua máy lọc nước về dùng”.

Hồ chứa nước đội 8 bị bồi lấp, cỏ mọc che kín mặt hồ

Trường tiểu học Đa Kia cách hồ đội 8 chỉ vài bước. Hằng ngày, học sinh đi qua phải hít thở mùi hôi bốc lên nên người lớn và trẻ nhỏ ở đây thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Có người không chịu nổi mùi hôi đã bán nhà đi nơi khác sinh sống. Nước hồ đổ về hạ lưu dòng suối thuộc địa bàn thôn Bình Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Khu vực này có nhiều hộ dân sinh sống. Không có điều kiện mua máy lọc nước, một số gia đình phải mua nước bình dùng nấu cơm, ăn uống. Bà Liêu Sám Múi chia sẻ: “Mỗi ngày tôi mua 1 bình nước giá 10 ngàn đồng, không dám nấu cơm bằng nước giếng. Vợ chồng tôi già rồi làm sao có điều kiện di dời đi nơi khác... Rất mong chính quyền địa phương cải tạo lòng hồ để giếng nước trở lại trong sạch như xưa, chứ uống nước bình hoài rất tốn tiền”. 

Cũng theo người dân cho biết, cứ mỗi khi trời mưa thì nhà máy chế biến mủ cao su lại xả nước thải xuống suối đen ngòm, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc. Khi có đoàn đến kiểm tra thì họ ngưng xả. Sự việc cứ lặp đi lặp lại khiến người dân rất bức xúc. 

Ngang nhiên xả thải qua vườn cao su

Hồ đội 8 có diện tích gần 5 ha, giáp ranh giữa thôn 2, xã Đa Kia và thôn Bình Lợi, xã Phước Minh. Hiện nước hồ chảy xuống khu vực hạ lưu và cỏ mọc che kín mặt hồ. Trong quá trình phát triển, dân cư đến sinh sống ngày càng đông. Một số khu vực hành lang xung quanh hồ bị lấn chiếm làm nhà vệ sinh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và xả rác thải sinh hoạt. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra lấy mẫu nước xét nghiệm. Kết quả cho thấy, nhiều chỉ tiêu về nước dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; nước hồ có dấu hiệu ô nhiễm. Nguyên nhân là do hồ đội 8 tiếp nhận nguồn nước thải, rác thải sinh hoạt từ quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân sinh sống quanh lòng hồ. Đặc biệt, từ khi Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại Thúy Uyên hoạt động chế biến mủ cao su xả thải ở thượng nguồn thì nước hồ càng bị ô nhiễm nặng hơn.

Người dân cắt cỏ ở bờ hồ đội 8

Ông Nghiêm Đình Hạnh là một trong những hộ dân sống bên cạnh nhà máy chế biến mủ. Trước đây, ông Hạnh móc đường mương trong vườn cao su để thoát nước mưa. Về sau, nhà máy chế biến mủ hoạt động, xả nước thải vào đường mương chảy qua hồ đội 8. Do giếng đào ở gần đường mương nên bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối. Phải đến khi ông Hạnh đào giếng thứ 3, cách xa đường mương 200m thì mới sử dụng được. Không chỉ đào giếng xa nhà, ông còn phải mua máy lọc nước. Vì lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm, ông Hạnh nhiều lần đề nghị công ty ngưng xả thải, nhưng rồi sự việc vẫn tiếp diễn. Đầu năm 2022, ông Hạnh lấp toàn bộ đường mương, với mục đích ngăn dòng nước thải ra môi trường. Ông Hạnh bức xúc cho biết: “Nước mưa tràn tự nhiên không sao, đằng này toàn nước mủ chảy qua vườn, hôi quá chịu không nổi. Tôi đã góp ý với họ, kiến nghị với địa phương nhiều lần nhưng vẫn tái diễn. Bây giờ tôi lấp đường mương, nếu nhà máy xả thải thì xả vào vườn bên cạnh. Bao nhiêu năm nay gia đình tôi chịu đựng lắm rồi!”.

Mặc dù dòng nước thải từ nhà máy chế biến mủ cao su đã được chặn lại nhưng nước hồ đội 8 không thể khôi phục trong thời gian ngắn. Bởi, chất thải, nước thải từ nhà máy chế biến mủ cao su và các nguồn khác đã ngấm sâu vào lòng đất, làm ô nhiễm nguồn nước cả chục năm nay. Bằng chứng là dòng suối hạ lưu vẫn nổi váng dầu, đục ngầu và bốc mùi mủ cao su. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm nước hồ đội 8. Nhiều đoàn đã đến kiểm tra, lấy mẫu nước hồ xét nghiệm. Thế nhưng, việc thông báo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trong thời gian qua vẫn chưa thực hiện nghiêm. Người dân đặt câu hỏi, không biết đến bao giờ hồ đội 8 mới hết ô nhiễm?

Thời gian qua, UBND xã Đa Kia đã kiến nghị UBND huyện Bù Gia Mập sớm bố trí kinh phí nâng cấp, cải tạo lòng hồ đội 8 nhằm trả lại môi trường trong lành, cung cấp nguồn nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. Theo đó, huyện đã ghi vốn nâng cấp, cải tạo lòng hồ trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến kinh phí cải tạo công trình hồ chứa nước khoảng 20 tỷ đồng.

Ông Đặng Trung Khiên,
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Kia


Có lẽ chỉ đến khi doanh nghiệp ngừng xả thải ra môi trường, các hộ dân nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi làm ảnh hưởng mặt nước hồ và xa hơn nữa, chính quyền địa phương cần sớm triển khai dự án nâng cấp, cải tạo, phát quang lòng hồ... thì hồ đội 8 mới thực sự trở thành công trình cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ gìn cảnh quan, khí hậu trong lành ở địa phương.


  • Từ khóa
145165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu