Thứ 6, 05/07/2024 14:52:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 05:00, 20/12/2021 GMT+7

“Ngạt thở” vì lò sấy cà phê

Thùy Linh
Thứ 2, 20/12/2021 | 05:00:44 1,296 lượt xem
BPO - Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát tán bụi, mùi và tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe con người phải được bố trí xa khu dân cư. Song, trên thực tế, nhiều năm nay, một lò sấy, xay xát cà phê ở thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng vẫn ung dung “nhả khói” giữa khu dân cư. Điều đáng nói là lò sấy này đã bị cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nhưng vẫn tiếp tục hoạt động.

Vô tư xả khói, bụi giữa khu dân cư

Mỗi ngày, khi trời vừa hửng sáng cũng là lúc lò sấy, xay xát cà phê của ông Hoàng Minh Thắng ở thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn “nhả khói” đen lên bầu trời. Khói, tro bụi cà phê theo chiều gió lan tỏa dày đặc không khí. Trong bán kính 100m cũng có thể ngửi được mùi khói. Để ngăn khói vào nhà, nhiều hộ dân xung quanh thường xuyên đóng kín cửa, không khí luôn tù túng, ngột ngạt. Người dân ở đây cho biết, lò sấy, xay xát cà phê hoạt động cả ngày, đêm. Vì không chịu nổi ô nhiễm không khí, tro bụi, tiếng ồn, những hộ dân sống xung quanh đã nhiều lần góp ý với chủ lò. Bất chấp những lời phàn nàn, ông Thắng còn đốt lò to hơn, gây tiếng ồn, khói, bụi ngày càng nhiều hơn. Tại lò sấy luôn có nhiều xe chở hạt cà phê cao ngất, tấp nập ra vào, nhất là mùa thu hoạch. 

Bà Đoàn Thị Mỹ Nhung có nhà ở đối diện lò sấy bức xúc: “Buổi tối khói từ lò sấy dày đặc, bao trùm các ngôi nhà. Khói cà phê hít vào cay cay ở cổ, rất khó chịu. Con tôi bị bệnh viêm xoang, phải lấy giấy nhét vào mũi để tránh mùi khói. Nhiều lần tôi phản ánh về xã, đề nghị xử phạt hay chấm dứt hoạt động của lò nhưng lãnh đạo xã trả lời là không có thẩm quyền. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng chưa thấy giải quyết dứt điểm”.  

Cơ sở sấy, xay xát cà phê của ông Hoàng Minh Thắng ở thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nhiều năm nhưng chưa được xử lý (ảnh lớn). Ống khói lò sấy, xay xát cà phê của hộ ông Hoàng Minh Thắng nhả khói mù mịt trên bầu trời (ảnh nhỏ)

Hồ bơi của gia đình anh Nguyễn Văn Hải cách lò sấy, xay xát cà phê chỉ vài chục mét. Để ngăn khói, bụi rơi xuống nước, anh Hải phải che bạt xung quanh hồ nhưng nước vẫn thường xuyên bị ô nhiễm. Khách đến hồ bơi chỉ mong được thư giãn, hít thở không khí trong lành, thì nay phải hít thêm khói, bụi nên ai cũng ngán ngẩm. Vì ô nhiễm không khí kéo dài nên hồ bơi ngày càng vắng khách. Đại dịch Covid-19 khiến hồ bơi phải đóng cửa hoàn toàn. Đến nay, dù đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng anh Hải vẫn chưa thể mở cửa đón khách, một phần do ảnh hưởng ô nhiễm từ lò sấy cà phê. Anh Hải bày tỏ: “Khi lò sấy cà phê hoạt động thì nước hồ bơi đóng một lớp váng tro, bụi trên bề mặt. Tôi dùng vợt để vớt và lấy vòi xịt cho bụi chìm xuống đáy hồ. Ban đêm và sáng sớm, lò sấy hoạt động, nước hồ lại ô nhiễm như cũ. Ông Thắng bảo tôi mua bạt che kín hồ. Một công trình vui chơi giải trí mà che kín như chuồng bò, thì khách nào đến bơi”.

Huyện đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành thủ tục để xử phạt theo quy định; đồng thời, giao Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn giám sát hoạt động của lò sấy, xay xát cà phê ở thôn Sơn Tùng. Trong thời gian này, cơ sở phải ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh để khắc phục, lắp đặt đường ống thiết bị xả khí thải đạt chuẩn ra môi trường và tiến hành các thủ tục khác theo quy định. Nếu để lò sấy hoạt động khi chưa hoàn thiện hồ sơ thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.

Ông TRẦN VĂN PHƯƠNG, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng


Gia đình bà Nhữ Thị Mến ở giáp ranh hộ ông Thắng nên chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Mỗi ngày, chứng kiến 2 cột khói từ lò sấy vươn lên trời, bao phủ nhà, khu vườn, bà Mến nhiều lần góp ý nhưng chủ lò sấy vẫn bỏ ngoài tai. Hàng chục cây cà phê và những cây trồng khác bị sức nóng của khói, tro bụi làm chết dần. Cây trồng không thể quang hợp, cho năng suất thấp. Đến mùa thu hoạch cà phê, bà Mến và mọi người phải bịt kín mặt mũi để tránh khói, bụi. Chiều tối cần không gian yên tĩnh nghỉ ngơi thì lò sấy gây tiếng ồn, nhả khói mịt mù. Bà Mến bức xúc: “Lò sấy hoạt động nhiều nhất từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Sáng sớm, gà chưa gáy, lò đã phun khói lên trời nghi ngút như cháy nhà. Họ xay vỏ cà phê gây tiếng động ầm ầm, xả thẳng sang khu vườn nhà tôi. Sống bên cạnh lò sấy, chưa đêm nào tôi có được giấc ngủ ngon”.

Sẽ xử lý nghiêm  hành vi gây ô nhiễm môi trường

Theo người dân cho biết, lò sấy, xay xát cà phê của hộ ông Thắng hoạt động khoảng 5 năm nay. Ban đầu chỉ là cơ sở thu mua, kinh doanh nông sản, sau đó, ông Thắng phát triển thành 2 lò sấy, xay xát cà phê (1 lò ở thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn và 1 lò ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng). Vì muốn giữ tình làng nghĩa xóm, những hộ dân sống xung quanh chỉ góp ý nhỏ nhẹ. Ông Thắng hứa sẽ khắc phục ô nhiễm. Có lẽ vì “lời nói gió bay”, nên hôm sau lò lại nổi lửa lớn hơn. Dù hoạt động nhiều năm nay, nhưng đến tháng 4-2021, cơ sở mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, ngành nghề thu mua nông sản. 

Cà phê và những cây trồng khác của gia đình bà Nhữ Thị Mến bị sức nóng của khói, tro bụi từ lò sấy làm cho chết dần

Sau nhiều lần nói chuyện “tình cảm” không xong, các hộ dân đã gửi đơn tố cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với cơ sở ông Thắng. Ngày 10-11-2021, Công an huyện Bù Đăng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ ông Hoàng Minh Thắng, với mức phạt 1 triệu 250 ngàn đồng và buộc phải có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Thế nhưng, ông Thắng vẫn không khắc phục mà còn đốt lò to hơn, xay xát nhiều hơn. 

Trước những phản ánh của các hộ dân ở thôn Sơn Tùng, ông Nguyễn Ngọc Huyến, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn vẫn trả lời “xã không có thẩm quyền lập biên bản hay xử phạt cơ sở”. 

 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng không quá 5.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000 đồng); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền 5.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000 đồng) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, khoản 1 Điều 58 tại Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định: Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của luật này.

Từ lúc bị xử phạt đến giờ, lò sấy, xay xát cà phê của ông Thắng vẫn không ngừng hoạt động. Trái lại, ông ấy còn cố tình thách thức các hộ dân. Mức phạt hơn 1 triệu đồng thì chẳng thấm vào đâu so với hành vi gây ô nhiễm môi trường kéo dài như vậy. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho biết, 1 lò sấy, xay xát cà phê gây ô nhiễm môi trường như vậy có được tồn tại trong khu dân cư không? 

Bà ĐOÀN THỊ MỸ NHUNG, thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn

Những quy định nêu trên cho thấy, người đứng đầu chính quyền địa phương vẫn chưa làm tròn trách nhiệm trong giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân ở thôn Sơn Tùng. Bởi, khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, trường hợp không đủ thẩm quyền, UBND cấp xã có thể lập biên bản vi phạm hành chính đề nghị UBND cấp huyện xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với cơ sở của ông Hoàng Minh Thắng. 

Ngày 17-11-2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bù Đăng lập biên bản kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của một số hộ dân về lò sấy cà phê tại thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, lò sấy đang hoạt động xả khí thải ra môi trường, gây bụi và tiếng ồn. Toàn bộ diện tích nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được cấp phép và chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Cơ sở chỉ được cấp phép thu mua nông sản mà hoạt động rang sấy, xay xát cà phê là trái quy định pháp luật. Điều đáng nói là khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, thì lò sấy tạm ngưng hoạt động nhưng sau đó càng đốt nhiều hơn. Rất mong cấp có thẩm quyền và ngành chức năng vào cuộc quyết liệt và đồng bộ để giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lại môi trường trong lành cho người dân.


  • Từ khóa
134178

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu